Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung (Hà Nội) lần lượt điều trị rối loạn nhịp tim nhanh cho 3 trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 4,5 kg, chỉ trong 6 tiếng đồng hồ.
Bé Lê Anh Tuấn ở Thái Bình nhập viện khi mới 22 ngày tuổi. Mới đầu, thấy con quấy khóc, bú kém rồi bỏ bú, dai tái và lạnh, ngủ li bì; gia đinh đưa con đến bệnh viện tỉnh khám và được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn có suy đa tạng và nghi nghờ cơn tim nhanh. Trẻ được thở máy, chống sốc và suy tuần hoàn, sốc điện cắt cơn tim nhanh, và dùng thuốc chống loạn nhịp.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh không tiến triển, nguy cơ tử vong cao, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, trẻ được thở máy, chống sốc, sốc điện cắt cơn tim nhanh và dùng thuốc chống loạn nhịp tim. Tình trạng suy đa tạng đã được hồi phục, nhưng cơn nhịp nhanh vẫn tái phát và khó kiểm soát bởi các thuốc chống loạn nhịp. Tình trạng trẻ rất nguy kịch trong các cơn nhịp tim nhanh. Vì thế, các bác sĩ đã quyết định can thiệp điều trị bằng đốt điện.
3 bé sơ sinh được khám lại trước khi xuất viện |
Bé Anh Tuấn là một trong 3 bé sơ sinh có cân nặng dưới 4,5 kg được các bác sĩ tiến hành đốt điện điều trị nhịp tim nhanh cùng lúc vào ngày 17/12/2015. Đây là kỹ thuật triệt đốt rối loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng cao tần qua đường catheter hay còn gọi là đốt điện. Với kỹ thuật này, 3 ống thông điện cực được đưa qua tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch cảnh trong vào trong buồng tim, dò tìm và triệt bỏ mô tim bất thường gây cơn tim nhanh.
Ê kíp can thiệp bao gồm 7 bác sĩ và kỹ thuật viên trong 6 tiếng đồng hồ liên tục, lần lượt 3 cháu đã can thiệp điều trị triệt để và an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, chuyên khoa loạn nhịp tim, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau can thiệp 4 giờ, cả ba cháu đều đã bú mẹ và đã xuất viện. Trước đó, 3 trẻ khi đó mới được gần một tuổi rưỡi được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở máy và điều trị tích cực. Có cháu đã phải cấp cứu ngừng tim đến 4 lần.
Tim nhanh trên thất ở trẻ nhỏ là cấp cứu rối loạn nhịp tim hay gặp nhất. Cơn tim nhanh thường dai dẳng, kéo dài, khó kiểm soát và có thể gây tình trạng nguy kịch như suy tim, trụy mạch và tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Đối với trẻ nhỏ cân nặng thấp, phương pháp điều trị thông thường là dùng các thuốc chống loạn nhịp để cắt cơn tim nhanh và duy trì để phòng tái phát cơn. Tuy nhiên phương pháp này nhiều khi hết sức khó khăn do cơn tim nhanh nguy kịch không thể kiểm soát được bằng thuốc.
Trong trường hợp đó, giải pháp cuối cùng là điều trị can thiệp bằng đốt điện. Đây là lựa chọn số một đối với tình trạng tim nhanh ở người lớn và trẻ lớn, tuy nhiên với trẻ nhỏ kỹ thuật này có chỉ định hạn chế do tiềm ẩn nguy cơ tai biến cao và nguy cơ tử vong.
Theo bác sĩ Hải, ngay cả tại các nước phát triển, rất ít nơi có thể thực hiện kỹ thuật đốt điện điều trị tim nhanh cho trẻ nhỏ dưới 15 kg do lo ngại về tai biến và biến chứng của thủ thuật này gây ra. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ tai biến càng cao.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong năm 2015 có 34 bệnh nhi dưới 15 kg (trẻ nhỏ nhất 3 kg), trong đó nhiều trẻ có bệnh tim bẩm sinh kết hợp, đã được điều trị thành công và an toàn bằng phương pháp này. Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị duy nhất trong cả nước có thể can thiệp điều trị hầu hết các loại rối loạn nhịp tim ở trẻ ngay từ thời kỳ sơ sinh.
Hà An
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.