Khan hiếm nguồn tạng khiến nhiều bệnh nhân tử vong trong thời gian chờ ghép. Trong khi đó nguồn mô, tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, ngưng tim vì tai nạn giao thông lại không được sử dụng.
Ghép mô, tạng là thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mãn, suy gan, suy tim, suy tủy… Cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, mô. Trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế.
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Trần Phương. |
Tuy nhiên, nguồn mô, tạng để cấy ghép đang thiếu trầm trọng, trong khi đó nhu cầu ghép là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng.
Phát biểu tại lễ ra mắt Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và hội Ghép tạng Việt Nam chiều 26/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trăn trở: “Nhiều bệnh nhân đã chết trong thời gian chờ ghép. Nguồn mô tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, chết ngưng tim do tai nạn giao thông và trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh là một sự lãng phí lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao”.
Theo Bộ trưởng Y tế, việc tuyên truyền về hiến mô, tạng còn nhiều hạn chế. Chỉ riêng tại bệnh viện, mỗi năm có gần 1.000 người tử vong do chết não nhưng người nhà không đồng ý cho tạng. Để từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng xã hội đối với việc hiến tặng mô, tạng; sự ra đời của Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đóng vai trò quan trọng.
Thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 30/6, Việt Nam chỉ có 1.011 ca ghép thận, 37 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, một ca ghép tụy và 1.401 ca ghép giác mạc. Trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn tính cần được ghép, trên 1.500 người được chỉ định ghép gan và hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc trong đó 6.000 ca đang chờ được ghép giác mạc… Chi phí cho một ca ghép tạng trong nước chỉ bằng 1/4 so với nhiều nước phát triển và trong khu vực.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.