Bên lề Hội nghị Công ước khung các nước về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 21) với một kỳ vọng nhằm hạn chế nhiệt độ địa cầu gia tăng không quá 2 độ C cuối thể kỳ này đang tồn tại những vấn đề được giới phân tích rất quan tâm.
Hội nghị Công ước khung các nước về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 21) đã chính thức diễn ra đem theo nhiều kỳ vọng về một thỏa thuận chắc chắn hạn chế nhiệt độ địa cầu gia tăng không quá 2 độ C. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu nhất giữa các quốc gia vẫn là tìm ra được một điểm chung giữa hai thái cực, một bên là yêu cầu hỗ trợ từ các nước phát triển và sự đùn đẩy trách nhiệm của các quốc gia phát triển.
Các nhà lãnh đạo liệu có tìm được một tiếng nói chung trong công cuộc chống biến đổi khí hậu?
Một thông tin dấy lên bên lề hội nghị COP 21 cho thấy một vấn đề còn đáng lo ngại hơn. Các nhà khoa học đã dự đoán rằng, ngay cả khi COP 21 thành công trong việc đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm hạn chế nhiệt độ Trái Đất không vượt quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này thì nhiệt độ tăng lên trung bình toàn cầu vẫn có thể chạm ngưỡng 3 độ C.
Chúng ta đang sống trong một thế giới G-Zero, một thế giới thiếu đi sự lãnh đạo toàn cầu thực thụ. Chỉ cần xem xét kỹ vấn đề biết đổi khí hậu, tác nhân chính sẽ khiến 250 triệu người phải di cư trong vài thập kỷ tới và khủng hoảng nhân đạo tại Syria để thấy rõ điều này. Để nhận ra được vai trò và trách nhiệm lớn lao của mình, các nhà lãnh đạo sẽ phải đoàn kết và đồng lòng hơn nữa trước khi mọi chuyện quá muộn.
Để có một cái nhìn cận cảnh và chi tiết hơn về COP 21, trang Time vừa có bài tổng hợp về 5 vấn đề nổi lên tại Hội nghị COP 21. Dưới đây là nội dung chi tiết:
1. Sống ở đâu mới an toàn?
Thế giới hiện tại đang trên con đường khắc phục và hạn chế tối đa mức nhiệt độ trung bình toàn cầu không vượt quá 2 độ C trước cuối thế kỷ này. Các nhà khoa học khẳng định, nếu không kiểm soát thành công ngưỡng nhiệt độ này, Trái Đất sẽ rơi vào một chu kỳ thảm họa vô cùng thảm khốc và khó có thể đảo ngược.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra cái chết cho 141.000 người mỗi năm và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên tới 250.000 người tới trước năm 2050.
Trong khi đó, ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, sự nóng lên toàn cầu sẽ đẩy 100 triệu người phải lâm vào tình cảnh đói khổ, thiếu lương thực, thuốc men và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày trước năm 2030.
Nhiệt độ nước biển tăng cao cũng là tác nhân chính khiến băng tan, các thảm họa thời tiết cũng vì thế có những diễn biến thất thường, nguy hiểm và có tần suất cao hơn rất nhiều. Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, lũ lụt đã tấn công 2,3 tỷ người, hầu hết ở Châu Á. Hiện tượng El Nino bùng phát mãnh liệt và có xu hướng thay đổi thất thường cũng tạo nên những đợt hạn hán kỷ lục tại nhiều nơi trên thế giới.
Ước tính, những đợt hạn hán đã giết chết 148.000 người, đa số ở Châu Âu. Cháy rừng cũng ảnh hưởng tới 108.000 người khác, chi phí thiệt hại ước tính hơn 11 tỷ USD. Có thể khẳng định, không nơi đâu trên thế giới hiện nay thực sự an toàn và không bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.
2. COP 21 phải giải quyết những tàn dư gì từ những hội nghị trước
Những con số trên chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải giật mình vì quy mô và sức tàn phá của biến đổi khí hậu là không thể lường trước. Vấn đề này cũng đã được đưa vào chương trình bàn thảo của nhiều hội nghị COP trước đó. Nhưng tất cả hy vọng luôn dập tắt tại những phiên thảo luận cuối cùng và sự bế tắc tiếp tục nối dài qua nhiều hội nghị.
Nhớ về hội nghị lịch sử, nơi khởi động cho sự ra đời của nghị định thư Kyoto năm 1997. Đây có thể coi là một dấu mốc son trong lịch sử nhân loại chung tay chống biến đổi khí hậu. Nghị định thư này nhắm tới việc giảm phát thải khí nhà kính dưới 5% so với mức độ khí nhà kính của năm 1990. Tuy nhiên do cường quốc phát thải khí nhà kính thời bấy giờ là Mỹ không đặt bút ký và cũng không bị cam kết ràng buộc đã khiến Nghị định thư này nảy sinh nhiều vấn đề, dần “chết mòn” qua những nghị quyết gia hạn hiệu lực.
Những tiến triển chỉ thực sự xuất hiện tại Hội nghị COP 15 diễn ra ở thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009. Tại đây, các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc, cường quốc đã soán ngôi Mỹ để trở thành nước phát thải khí nhà kính hàng đầu đã bắt đầu tham gia mạnh mẽ hơn, thể hiện vai trò đóng góp chính cho những cam kết. Ngoài ra, các quốc gia khác như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cũng tham gia tích cực.
Vấn đề chỉ ra rằng, nhiều nước muốn khắc phục biến đổi khí hậu thường không muốn bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Đó chính là vấn đề chính mà Hội nghị COP 21 diễn ra tại Paris phải cố gắng giải quyết. Hội nghị đang hướng tới việc thúc đẩy các quốc gia tự đưa ra một cam kết riêng chắc chắn thay vì hướng tới một mục tiêu thực thi chung không khả thi cho tổng thể các nước.
Cho tới hiện tại, các cam kết nếu hoàn thành sẽ giúp giảm tốc độ tăng phát thải khí CO2 từ 8% xuống chỉ còn 5%. Tuy nhiên để nhiệt độ toàn cầu duy trì ở ngưỡng dưới 2 độ C, mức phát thải CO2 sẽ phải ngừng tăng trước năm 2020 và giảm một nửa trước năm 2050. Đó chắc chắn sẽ là một quãng đường không còn xa bởi chúng ta đã sắp bước sang năm 2016.
3. Trung Quốc
Tại sao Trung Quốc tiếp tục là một vấn đề đáng quan tâm tại hội nghị COP 21? Vấn đề chính xác nằm ở chỗ danh hiệu “quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới”. Trung Quốc vượt Mỹ để nắm danh hiệu trên kể từ năm 2007 và kéo dài hơn 8 năm cho tới nay.
Theo tính toán, Trung Quốc chiếm tới 28% lượng phát thải khí CO2 trên toàn cầu. Nhưng tại COP năm nay, Trung Quốc đã có một bước đi chấn động khi tuyên bố “dõng dạc” sẽ cắt giảm phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị GDP từ 60-65% trước năm 2030, con số này so với mức phát thải năm 2005. Theo Bloomberg, mục tiêu này đối với quốc gia đông dân nhất thế giới quả thực ít tham vọng hơn nhiều so với mục tiêu phát triển kinh tế.
Tất nhiên, cam kết này sẽ trở nên vô cùng ý nghĩa với Trung Quốc tại thời điểm hiện tại. Bắc Kinh đang phải tích cực chuyển đổi nền kinh tế dựa vào sản xuất sang nền kinh tế định hướng tiêu dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên đây sẽ là bàn đạp cho những nỗ lực chống biến đổi khí hậu sau đó của quốc gia này trở nên dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đang ngày một tăng kéo theo những đòi hỏi cơ bản về điều kiện không khí và nước sạch. Theo một nghiên cứu được công bố bởi các nhà khoa học Đức, CH. Síp, ĐH. Ả Rập Xê-út và ĐH. Harvard cho biết, ô nhiễm không khí hàng năm giết chết 1,4 triệu người Trung Quốc. Chính vì vậy, chính quyền Bắc Kinh đang phải nỗ lực từng ngày nhằm cải thiện chất lượng không khí tại đây.
4. Mỹ
Ngay sau Trung Quốc chính là Mỹ, cường quốc thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới. Quốc gia này sẽ phải có những hành động và cam kết mạnh mẽ, đúng đắn hơn trước những hậu quả đã gây ra thời tiền công nghiệp.
Mỹ chiếm 14% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu nhưng nếu tính trên đầu người, con số này có thể còn nhiều hơn thế. Tính trung bình, mỗi người Mỹ thải ra 17 tấn CO2 mỗi năm, so với 6 tấn CO2 do người Trung Quốc phát thải ra.
Đến với hội nghị COP 21, Mỹ đã hứa hẹn sẽ cắt giảm lượng khí thải CO2 xuống từ 26-28% tính tới năm 2025 so với mức phát thải năm 2005. Đây chắc chắn sẽ là một cam kết mang lại hy vọng tốt đẹp hơn nếu xem xét rằng, con số cắt giảm trên ứng với mỗi người dân Mỹ. Tuy nhiên điều đáng lo không nằm ở cam kết của chính phủ, thực tế khảo sát cho thấy chỉ có 42% người Mỹ nói rằng họ quan tâm tới hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Chưa kể, khó khăn từ phía Quốc hội Mỹ do phe Cộng Hòa chiếm đa số đang khiến những mục tiêu cam kết của chính quyền Tổng thống Obama có thể trở nên xa vời. Ngay vài giờ trước khi ông Obama tới Pháp tham dự COP 21, Quốc hội đã thông thông qua một nghị quyết về quy định của Cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) nhằm hạn chế phát thải khí CO2. Trong khi đó, các nghị sỹ Cộng Hòa liên tục khẳng định, chính sách cắt giảm khí nhà kính của Obama sẽ ảnh hưởng tới kinh tế, thất nghiệp sẽ gia tăng và người nghèo sẽ phải gánh chịu.
Trước đó hồi tháng Tám, Obama từng công bố một kế hoạch năng lượng sạch trong đó đặt hạn ngạch khí thải carbon đầy tham vọng cho nhiều nhà máy điện tại Mỹ.
5. EU
Cuối cùng là EU, Liên minh Châu Âu chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Bằng sự đồng thuận cao, EU đã đưa ra một cách tiếp cận mang tính chủ động hơn tại COP 21.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu đã cùng nhau ký vào một hiệp ước chống biến đổi khí hậu đặt mục tiêu cắt giảm 40% khí nhà kính trước năm 2030 so với mức năm 1990. Nếu như nhận được sự ủng hộ cao, Đức thậm chí có thể giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính trước năm 2020, tức sớm hơn 10 năm so với thời hạn cam kết.
Thế nhưng đó là thời gian đầu trước và mới khởi động COP 21. Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay khi đã xuất hiện những chia rẻ nhỏ trong nội bộ 28 nước thành viên EU. Chính phủ mới của Ba Lan đang đi ngược lại với những cam kết của chính phủ trước đó. Họ cho rằng, nếu phải thực hiện cam kết nền kinh tế vốn phụ thuộc vào than đá của họ sẽ bị mất cân đối nghiêm trọng.
Tất nhiên, trong lúc chủ nghĩa khủng bố đang “diễu võ giương oai”, tạo căng thẳng với các quốc gia phương Tây, trong đó có Nga, khủng khoảng người tị nạn,…mới đang là những mối lo hàng đầu của chính phủ các quốc gia Châu Âu và Mỹ. Và đó chính là mấu chốt của vấn đề. Rõ ràng, thế giới con người đang phải trải qua quá nhiều biến động khiến các nước khó có thể tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Trong suốt hơn 8 ngày làm việc tức qua hơn nửa chặng đường đám phán cho tới nay, hội nghị COP 21 đã thống nhất thông qua một dự thảo cơ bản nhằm chung tay cắt giảm khí thải CO2 trên toàn cầu. Hơn 195 quốc gia đã ký vào dự thảo giảm phát thải khí CO2 sau hơn 4 năm được trình ra tại Hội nghị COP 17 ở Durban, Ba Phi.
Tuy vậy, bản dự thảo dài 48 trang vừa được thông qua cũng chưa thể chắc chắn một tương lai tươi sáng hơn cho nhân loại nếu các Bộ trưởng môi trường và các nhà ngoại giao không thống nhất xây dựng một thỏa thuận mang tính chất ràng buộc pháp lý trước khi kết thúc COP 21.
Hội nghị năm COP 21 năm nay diễn ra từ ngày 30/11 tới ngày 11/12 tại thủ đô Paris, Pháp. Tới với COP21, các nguyên thủ quốc và các nhà đàm phán sẽ phải cùng nhau thảo luận xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới và nỗ lực thông qua thỏa thuận lịch sử để bắt đầu áp dụng cho tất cả các nước từ sau năm 2020.
Tham khảo Time
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.