Thứ Năm, 14/09/2017 | 21:07

Sốt xuất huyết, tay chân miệng là những dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở nhiều nơi trên cả nước.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh (ngày 14/9), từ đầu năm đến nay nước ta lưu hành nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến ngày 13/9 cả nước ghi nhận 124.986 trường hợp mắc, 29 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 105.304 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (73.158/19) số mắc nhập viện tăng 43,9%, số tử vong tăng 10 trường hợp.

Hiện tại, khu vực miền Bắc vẫn 662 ổ dịch đang hoạt động. Đây cũng là vùng duy nhất trên cả nước lưu hành cả 4 type huyết thanh. Trong đó, Hà Nội là thành phố có số trường hợp tử vong cao nhất (7 người).

Ở thể nhẹ, người bị sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà. Trong một số trường hợp, nếu không đến viện kịp thời, bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm.

Bệnh do virus Zika

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 31 trường hợp mắc tại 8 tỉnh, thành phố trong tổng số 702 mẫu xét nghiệm. Địa phương có số người mắc bệnh nhiều nhất là TP.HCM (18 người).

Zika là loại virus truyền nhiễm qua vết cắn của muỗi Aedes, loại muỗi gây sốt xuất huyết. Bệnh chưa ghi nhận ca tử vong và có thể tự khỏi sau 7-10 ngày.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian ủ bệnh khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt.

Dấu hiệu nhận biết bệnh do virus Zika:

– Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

– Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

– Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Bệnh tay chân miệng

Từ đầu năm đến nay cả nước có 62.055 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 28.020 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,2%. Số mắc tích lũy tăng cao tập trung tại một số tỉnh, thành phố tại miền Nam như Đồng Nai (tỷ lệ mắc trên 100.000 dân là 226), TP.HCM (210), Bà Rịa Vũng Tàu (183), Đồng Tháp (154) và Bình Dương (148).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo các phụ huynh cần phát hiện bệnh sớm để đưa vào viện khám kịp thời. Biểu hiện bệnh tay chân miệng là bóng nước có kích thước 2-10 mm, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn….

Đa số bóng nước tự xẹp và tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho tim mạch, đường hô hấp, thần kinh như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não.

Trẻ bị biến chứng não thường có dấu hiệu như khó ngủ, quấy khóc liên tục, hoảng hốt, nói nhảm, run tay và co giật. Những biến chứng do tay chân miệng nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể khiến trẻ tử vong trong vài giờ.

Bệnh liên cầu lợn

Cả nước ghi nhận 142 trường hợp bệnh do liên cầu lợn ở người, trong đó có 101 trường hợp được chẩn đoán xác định phòng xét nghiệm, 12 trường hợp tử vong.

Liên cầu lợn là vi khuẩn có thể có trong hầu, họng, da, đường tiêu hóa và sinh dục của một số lợn lành, thường gặp hơn ở lợn bệnh (trong các vụ dịch lợn tai xanh).

Thói quen ăn tiết canh hay những món chưa nấu chín như lòng, tràng luộc tái có thể khiến người ăn nhiễm liên cầu lợn, đặc biệt ở những cơ địa suy giảm sức đề kháng như người nghiện rượu, xơ gan, đái tháo đường.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, triệu chứng khi mắc liên cầu lợn là sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.

Bệnh dại

Từ đầu năm đến nay cả nước có 56 trường hợp tử vong do bệnh dại, xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố, điển hình là Bắc Giang (6), Nghệ An (5), Thanh Hóa (5), Sơn La (4). So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp tử vong tương đương (56/56).

Đây là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Phạm Loan
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook