Nạn nhân bị bắn vào đầu, nổ bom… đưa vào bệnh viện FV và Chợ Rẫy là tình huống được Nhà Trắng đặt ra cho các bác sĩ Việt Nam chuẩn bị phương án cấp cứu trong 2 ngày Tổng thống Obama thăm TP HCM.
Vài tuần trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, hai chuyên viên phụ trách y tế của Nhà Trắng đến khảo sát thực địa tại Bệnh viện FV. Không tiết lộ bất kỳ thông tin gì, họ yêu cầu được kiểm tra các phòng ban, phỏng vấn lãnh đạo bệnh viện, các bác sĩ về năng lực đáp ứng nếu được chọn hỗ trợ phái đoàn ngoại giao của Mỹ.
“Tìm hiểu về bằng cấp chuyên môn của bác sĩ, nhân viên Nhà Trắng còn giả định những tình huống cấp cứu nạn nhân bị bắn, bị trúng bom… để kiểm tra khả năng xử lý sự cố của bác sĩ Việt Nam”, bác sĩ Trình Văn Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV nhớ lại. Bác sĩ Hải nói rằng ông trải qua cảm xúc khá ngạc nhiên khi bị sát hạch kỹ càng mà không rõ lý do, cho đến khi biết được mục đích thực sự của cuộc kiểm tra.
Đặc biệt các chuyên viên Nhà Trắng rà soát kỹ phòng khử khuẩn khử nhiễm đặt tại khoa cấp cứu bệnh viện, với yêu cầu có thể ứng phó trường hợp nếu chẳng may nạn nhân bị vũ khí hóa học tấn công. Xe cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị y tế như một bệnh viện di động thu nhỏ cũng được khảo sát kỹ.
Bác sĩ Hải cho biết, không chỉ tìm hiểu về trang thiết bị, dụng cụ, máy thở, thuốc men, dịch truyền… đoàn khảo sát của Nhà Trắng còn yêu cầu bệnh viện cung cấp bản danh mục kiểm tra hàng ngày để nắm được xuyên suốt quy trình cấp cứu tại viện. Sau khi yêu cầu bệnh viện báo giá và và thông báo được lựa chọn, nhân viên Nhà Trắng còn nhiều lần quay trở lại bệnh viện để kiểm tra công tác chuẩn bị.
Xe cấp cứu của bác sĩ Việt Nam tháp tùng đoàn Tổng thống Obama trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: T.D. |
Trưa 24/5, khi Tổng thống Obama còn đang phát biểu trước 2.000 người tại Hà Nội thì ở TP HCM, ê kíp bác sĩ Trình Văn Hải, điều dưỡng Nguyễn Thanh Sơn và lái xe cấp cứu Nguyễn Ngọc Huy đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để sẵn sàng đón chuyên cơ Không lực Một từ thủ đô bay vào Sài Gòn. Nhóm y bác sĩ trải qua nhiều lớp kiểm tra an ninh chặt chẽ trước khi vào khu vực phòng chờ riêng tại cảng vụ hàng không mà không biết chính xác khi nào Tổng thống Mỹ đến.
“Chúng tôi chờ đợi rất căng thẳng trong khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ suốt nhiều giờ liền hầu như không rời vị trí dưới trời nắng gay gắt rồi đổ mưa lớn sau đó, ống nhòm của đặc vụ lúc nào cũng hướng lên quan sát bầu trời và mọi động tĩnh xung quanh”, bác sĩ Hải nhớ lại thời điểm chuẩn bị đón ông Obama ở sân bay Tân Sơn Nhất trưa 24/5. “Thậm chí chúng tôi căng thẳng chờ đợi đến mức không dám đi vệ sinh”, bác sĩ trực cấp cứu cho sự kiện đặc biệt này kể.
Từ trên xe cấp cứu tháp tùng đoàn Tổng thống Obama ở sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Sài Gòn, bác sĩ Hải cùng cộng sự của mình trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi chứng kiến rất đông người thành phố đứng hai bên đường vẫy chào vị khách. Từng tham gia các chuyến hỗ trợ cho nguyên thủ, quan chức các nước, song bác sĩ Hải thừa nhận đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảm giác nồng nhiệt và giàu tình cảm như vậy. “Đây là trải nghiệm khó quên trong cuộc đời làm nghề y của tôi”, vị bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cấp cứu chia sẻ.
Tổng thống Obama đến thăm TP HCM. Ảnh: Hữu Công. |
Trong khi Bệnh viện FV được chọn dự phòng hỗ trợ y tế, tháp tùng theo đoàn tùy tùng của Tổng thống Obama thì Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị hỗ trợ kế hoạch ứng phó sự cố trong những ngày phái đoàn Mỹ ở TP HCM. Chuyên viên y tế của Nhà Trắng đã cùng Tiến sĩ Beth King, Phòng Y tế Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, khảo sát các điều kiện cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 19/5, tức 3 ngày trước chuyến thăm Việt Nam của ông Obama. Họ kiểm tra lối dẫn đặc biệt tiếp nhận bệnh nhân chấn thương, với tình huống giả định đưa nạn nhân từ xe cứu thương vào khu vực hồi sức cấp cứu, đến khoa chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, phòng lưu trú cho nhân viên và bộ phận an ninh phục vụ bệnh nhân VIP…
Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, để chuẩn bị cho các kịch bản đặt ra, bệnh viện phải lắp đặt một đường dây điện thoại cố định riêng phục vụ công tác liên lạc của phái đoàn Nhà Trắng. Bệnh viện cũng lập đội trực chiến gồm bác sĩ các phòng ban như Cấp cứu, Tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh, Điều trị theo yêu cầu, các khoa cận lâm sàng, đội bảo vệ… Nhiều tình huống cấp cứu được đặt ra để chuẩn bị trước phương án di chuyển nạn nhân trong trường hợp có sự cố.
Chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Barack Obama cất cánh khỏi sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Đức Đồng |
Hai đặc vụ Nhà Trắng đã trực tiếp trực cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ trưa 24/5 ngay trước khi Tổng thống Obama lên chuyên cơ từ Hà Nội vào TP HCM. Không tháp tùng Tổng thống Mỹ trong những hoạt động tại TP HCM, kíp trực gác đặc biệt này chỉ có nhiệm vụ ứng phó với sự cố trong trường hợp cấp cứu liên quan đến phái đoàn Mỹ.
Nhớ lại những ngày căng thẳng ấy, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói rằng nhìn bên ngoài mọi công việc khám chữa bệnh ở bệnh viện vẫn diễn ra như thường lệ, lượng bệnh nhân đến điều trị tại viện vẫn rất đông, song bên trong các bác sĩ vô cùng căng thẳng. “Chúng tôi nín thở dõi theo từng bước di chuyển của Tổng thống Obama trong khi luôn ở tâm thế sẵn sàng ứng phó sự cố”, ông Sơn chia sẻ.
Chiều 25/5, chuyên cơ Air Force One cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, đội ngũ y bác sĩ Việt Nam tham gia ê kíp trực cấp cứu cho phái đoàn Mỹ mới thở phào nhẹ nhõm, kết thúc 30 giờ hồi hộp căng thẳng.
Đêm 22/5, chuyên cơ chở Tổng thống Obama hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam được cho là dài nhất của người đứng đầu Nhà Trắng. Tại Hà Nội, ông Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam, gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam, thưởng thức bún chả bình dân, sau đó ghé mua cốm ở làng Mễ Trì trên đường ra sân bay Nội Bài vào TP HCM. Ở Sài Gòn, Tổng thống Mỹ thăm chùa Ngọc Hoàng, nói chuyện với doanh nhân khởi nghiệp và đại diện giới trẻ. |
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.