13% trẻ em Việt Nam hiện thiếu vitamin A, tỷ lệ này suốt 1/5 thế kỷ qua không hề thay đổi dù mỗi năm có 2 chiến dịch uống bổ sung.
Đây là số liệu mới nhất về tình hình hình thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em được Viện Dinh dưỡng công bố tại buổi họp báo chiều 12/10. Điều tra này được tiến hành trong một năm, tại 36 xã/phường của 9 tỉnh, thành thuộc 3 khu vực/vùng: thành thị nông thôn và miền núi. Đối tượng gồm trẻ em 6-59 tháng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú dưới 12 tháng.
Tiến sĩ Trần Thúy Nga, Viện Dinh dưỡng cho biết, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ là 13%, Việt Nam được xếp ở mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Mục tiêu đặt ra là 10%.
Vitamin A có nhiều trong trứng, cà rốt, sữa, súp lơ, đu đủ, cá… ảnh: NH, |
Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp là gần 35%, điều này cho thấy khẩu phần vitamin A của mẹ cho con bú chưa đủ. Một trong những lý do khiến con số này thấp là chỉ 42% sản phụ uống viên nang vitamin A trong vòng một tháng sau đẻ.
Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng bày tỏ lo ngại khi những con số này không hề thay đổi trong suốt thời gian dài. Nhóm tuổi được uống vitamin A clà 6-36 tháng, nhiều nhóm khác cũng cần được quan tâm nhưng nguồn lực có hạn. Với nhóm trẻ 37-60 tháng, nhiều người nghĩ bữa ăn đã cung cấp đủ vitamin. Tuy nhiên kinh nghiệm 20 năm qua cho thấy mức thiếu A tiền lâm sàng vẫn giữ ở mức trung bình. Việc nhiễm giun, nhiễm khuẩn, sởi cũng khiến nhu cầu vitamin A tăng lên, dẫn đến thiếu.
“20 năm qua chúng ta bổ sung cho trẻ một năm 2 lần nhưng tỷ lệ thiếu vitamin A cận lâm sàng vẫn cao. Bằng chứng này đủ để chúng ta quyết định có hành động mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn. Cần tăng cường vitamin này vào trong thực phẩm, đặc biệt là dầu ăn”, tiến sĩ Mai nhấn mạnh.
Theo bà Mai, không thể để doanh nghiệp tự thực hiện như hiện nay mà Nhà nước cần có quy định bắt buộc các loại dầu ăn sản xuất trong nước phải tăng cường vitamin A, làm sao để bổ sung nhanh nhất nguồn vitamin quan trọng này. Nội dung này cũng được Bộ Y tế đưa vào trong nghị định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đang trình Chính phủ.
Thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, mù dinh dưỡng và các rối loạn do thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, làm chậm phát triển ở trẻ.
Ngoài vitamin A, người Việt còn thiếu 3 vi chất nữa là iốt, sắt và kẽm. Theo đó gần 28% trẻ thiếu máu, trong đó nặng nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Hơn 1/4 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng thiếu máu, tỷ lệ thiếu máu ở thai phụ tăng dần khi tuổi thai lớn hơn. Đặt biệt tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em rất cao, đến gần 70%; trong khi theo phân loại của WHO trên 20% trẻ thiếu kẽm đã xếp vào nhóm thiếu ở mức nặng. Tỷ lệ này ở phụ nữ có thai lên đến 80%.
So với kết quả điều tra năm 2010, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng có xu hướng giảm với tốc độ chậm và vẫn phổ biến ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuộc chiến bền bỉ để đẩy lùi “nạn đói tiềm ẩn” nâng cao năng lực lao động, trí tuệ và cuộc sống khỏe mạnh của người dân Việt Nam.
Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển năm nay sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 23/10 với chủ đề Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng người Việt. Trong đó, chú trọng phát triển vườn – ao – chuồng để tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng. Với khu nực nội thành có thể sản xuất rau và các cây gia vị… theo hình thức leo giàn hoặc canh tác không đất. Với những khay đất treo ở ban công quanh nhà hoặc bất kể khoảng trống nào quanh nhà cho phép là có thể trồng rau xà lách, rau diếp, diếp cá, hung, tía tô, kinh giới, rau mùi… |
Nam Phương
Chưa có bình luận.