Thứ Ba, 08/09/2015 | 16:32

Từ đầu năm tới nay cả nước có 16 trường hợp sốt xuất huyết (SXH) tử vong, trong đó 6 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế  cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2015, dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, đến thời điểm này, Hà Nội có 29/30 quận, huyện bùng phát dịch SXH.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, trưởng khoa SXH (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết, hiện khoa có 102 trẻ mắc bệnh SXH đang nằm điều trị, trong đó có 13 ca nặng, tăng hơn nhiều so với trước. Tháng 5 mỗi ngày khoa chỉ điều trị 30 – 40 trẻ SXH.

So với cùng kỳ năm 2014, hiện số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tăng cao, dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới và dễ xảy ra dịch lớn. TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bình Dương, Khánh Hòa, Hà Nội là những địa phương có số ca bệnh cao so với năm trước.

Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước có 16 trường hợp SXH tử vong, trong đó có 6 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (4 ca ở tỉnh chuyển lên, 2 ca sinh sống tại TP.HCM tử vong do nhập viện trễ, sốc SXH, diễn biến bệnh nhanh và có kèm bệnh nền). Những ca tử vong đều rất nặng, bị suy đa cơ quan do phát hiện muộn. Không riêng trẻ em, SXH xảy ra ở người lớn cũng diễn biến phức tạp và vẫn có nguy cơ tử vong cao.

Theo bác sĩ Minh Tuấn, nhiều người dân còn chủ quan trong việc theo dõi, phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh SXH, dẫn đến nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh đã nặng. Đặc biệt khi trẻ lớn và người lớn mắc SXH, người nhà lại chủ quan cho rằng bệnh sẽ nhẹ và tự khỏi nên không đưa đi khám, trong khi những ca bệnh này có thể diễn tiến nặng và gây tử vong.

Bệnh nhi được điều trị SXH tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Ảnh: Thanh Niên)

Thừa nhận về tình trạng chủ quan của người dân, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho hay, đa phần bệnh nhân nhập viện muộn vì không nghĩ mình bị SXH. Bệnh nhân đến khám phần lớn đều tưởng mình sốt virus. Do đó, việc nhập viện muộn không chỉ khiến bệnh nhân ở tình trạng nặng mà còn kéo dài thời gian điều trị. Bệnh cũng dễ bị chẩn đoán nhầm sang sốt phát ban, nhiễm siêu vi, viêm họng…

Bệnh SXH ngay từ khi khởi phát đã gây sốt rất cao (từ 39 độ). Bệnh nhân nếu được uống thuốc hạ sốt thì thân nhiệt sẽ giảm nhưng sau đó lại tăng cao trở lại. Bệnh nhân SXH thường rất mệt mỏi, lừ đừ, trẻ không thể xem tivi, khó khăn trong việc thực hiện những hoạt động đơn giản thường ngày.

Đến ngày thứ 3-4 là lúc bệnh diễn tiến nhanh và nặng, có thể bị sốc SXH. Bệnh nhân nôn ói, đau bụng, có thể biến chứng suy đa cơ quan và tử vong rất nhanh nếu không được can thiệp kịp thời.

 “Vì vậy, nếu trẻ có những triệu chứng trên hoặc phụ huynh nghi ngờ trẻ hay người trong gia đình bị SXH thì phải đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Các trường hợp SXH tử vong thường do nhập viện quá muộn. SXH là bệnh nguy hiểm nhưng sau khi được điều trị sớm sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng, kể cả những trường hợp biến chứng nặng, thậm chí thay máu”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Hà Linh

Tổng hợp

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook