Thứ Năm, 05/05/2016 | 14:30

Vén bức màn của thuật thôi miên

Từ trước đến nay, thôi miên thường bị gán với một loại pháp thuật bí ẩn nào đó và không mang lại lợi ích cho con người. Nhưng các nhà khoa học mới đây lại cho rằng thuật này có những căn cứ đáng tin cậy của nó.

“Tôi muốn anh ngủ!” Tiếng của nhà thôi miên đều đều bên tai, và cứ xa dần xa dần. Nằm dài trên giường, bệnh nhân nhắm mắt lại hoặc nhìn chằm chằm vào một điểm nhất định trong phòng hoặc tập trung vào một số vùng trên thân thể. Nhạc trong phòng phát ra những giai điệu êm dịu, giọng nói nhẹ nhàng và đơn điệu của nhà thôi miên cứ lặp đi lặp lại. Một giấc ngủ mơ màng bắt đầu hình thành.

Trong suốt một buổi liệu pháp kéo dài 45 phút, nhà thôi miên đầu tiên sẽ kiểm tra tình trạng đối tượng bằng việc yêu cầu anh ta nhấc tay lên hay đan các ngón tay vào nhau. Nếu bệnh nhân làm theo yêu cầu, tức là anh ta đã rơi hẳn vào trạng thái thôi miên. Sau đó, nhà thôi miên sẽ nhắc lại những ám thị, trực tiếp, hay gián tiếp. Cuối buổi thôi miên, bệnh nhân sẽ từng bước thức dậy một cách nhẹ nhàng, để trở lại kiểm soát các cơ bắp của mình và quay về với hiện thực mà không có cảm giác khó chịu. Và cùng với sự thức dậy đó, rất có thể một số thay đổi đã âm thầm diễn ra nhờ hiệu quả của thôi miên.

Nhờ thôi miên bạn có thể bỏ được những thói quen xấu, tạo những thói quen tốt, có thể đối diện một cách tích cực và giải quyết những thách thức trong cuộc sống. Bạn có thể truyền niềm hạnh phúc thực sự và quên đi những điều không vui. Chính dưạ trên luận cứ này, thôi miên đang được đánh giá là một trong những công cụ để làm cho cuộc sống phong phú thêm.

Nhìn từ lăng kính khoa học

Thôi miên là phép chuyển bạn từ trạng thái tỉnh táo sang trạng thái alpha, một trạng thái mơ màng trong thế giới tưởng tượng. Mơ màng là một hiện tượng bình thường, an toàn và lành mạnh mà chúng ta có thể thực hiện hết lần này đến lần khác.

Theo nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ trước đến nay thì thôi miên chính là sự gây ngủ tạm thời. Để lý giải hiện tượng này, các nhà khoa học đã cho rằng: Thôi miên có hai khía cạnh liên quan đến tâm lý và sinh lý của con người. Các nhà khoa học gọi đây là thuyết ám thị giữa thầy thuốc và bệnh nhân.

Một số nhà nghiên cứu thôi miên phương Tây lại cho rằng, bản chất của thôi miên chính là khả năng ám thị của người làm thôi miên và tính tự kỷ ám thị của bản thân đối tượng bị thôi miên. Nói cách khác, ngoài tác động của bác sĩ làm thôi miên thì người bệnh cũng phải tự kỷ ám thị chính mình.

Như vậy muốn quá trình thôi miên thành công thì phải có sự cộng tác đắc lực của cả hai phía: Thầy thuốc và bệnh nhân. Ngược lại, nếu đối tượng bị thôi miên không tin tưởng vào khả năng thôi miên của bác sĩ, không tự kỷ ám thị theo lời gợi ý của người thôi miên thì sẽ không dẫn đến thành công.

Còn theo bác sĩ Patrick Bellet, Chủ tịch Hiệp hội thôi miên liệu pháp khối Pháp ngữ: “Một người khi bị thôi miên mặc dù có vẻ bị động khi nhắm mắt như đang ngủ nhưng không bao giờ nghe theo lệnh trái với lý trí anh ta từ người thôi miên, ngay cả khi người thôi miên này rất giỏi”.

Nói khác đi, nếu chỉ dẫn của người thôi miên xâm phạm những giá trị đạo đức hay quyền lợi vật chất, người bị thôi miên không bao giờ nghe theo. Nghĩa là thôi miên có thể khiến người xấu làm những hành động tốt nhưng lại không biến một người cù lần thành một kẻ giết người hàng loạt, một người hiền lành trở thành một tên bất lương.

Đến nay, vẫn chưa có lời giải thích nào cho sự “tỉnh táo” kỳ lạ lúc đang mơ màng này.

Hiệu ứng của thôi miên

Liệu pháp thôi miên hiệu quả với

– Ngưng hút thuốc lá: 80% trường hợp là thành công. Thôi miên cũng giúp chống lại các phản ứng do cai nghiện.

– Sự béo phì và phàm ăn: Thôi miên đóng vai trò nâng đỡ tâm lý trong điều trị béo phì.

– Chống lại các cơn đau: Thôi miên không thay thế được phép gây tê, nhưng có thể giúp giảm bớt liều lượng thuốc. Thôi miên ngày càng được sử dụng nhiều trong phẫu thuật răng.

– Các rối loạn tâm lý: stress, hội chứng sợ hãi, lo âu cũng như sự bất lực, lãnh cảm, các vấn đề về chứng sợ đám đông, trí nhớ…

– Các rối loạn tiêu hóa: viêm loét dạ dày, viêm ruột kết hay tiêu chảy do stress.

– Các bệnh về tâm thần – tâm thể, các bệnh về da, tạng co giật, viêm mũi.

Không hiệu quả đối với

– Phần lớn các rối loạn tâm thần nặng như trầm uất cấp tính, tâm thần phân lập.

– Cai nghiện ma túy nặng.

– Các bệnh mạn tính nặng, như ung thư…

Có nên tin vào thuật thôi miên?

1. 50% người Pháp tin tưởng rằng có thể chữa bệnh bằng thôi miên. Cứ hai người thì có một người Pháp nghĩ rằng thôi miên có thể chữa lành bệnh.

2. 51% số người được phỏng vấn cho biết họ tán thành thuật thôi miên.

3. Cứ 2 trong 3 người (66%) chấp nhận các buổi thôi miên để giải quyết các vấn đề sức khoẻ.

4. Những người tán thành cao nhất là: Nam (70%), dưới 35 tuổi (75%).

Bình Nguyên

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Liệu pháp thôi miên cho giấc ngủ ngon, hiệu quả thế nào

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook