Tự miễn là một bệnh mạn tính liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể. Người bệnh sẽ tự sinh ra kháng thể chống lại chính các tế bào của chính mình, dẫn đến hậu quả là tự hủy hoại sức khỏe.
Cuộc chiến nội bộ
Tự miễn là bệnh nguy hiểm vì không thể điều trị khỏi hoàn toàn và có thể gây ra những biến chứng nặng. Theo BS (Trần Thị Phương Chi, Khoa Hô hấp-Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng): “Nhiều người nghĩ rằng bệnh tự miễn có thể tự khỏi, tuy nhiên, trên thực tế không phải vậy. Đây là một loại bệnh vô cùng phức tạp và cơ chế sinh bệnh cũng rất khó giải thích. Hiểu một cách nôm na là: bình thường, cơ thể của chúng ta sẽ có hệ thống miễn dịch. Hệ thống này sẽ phân biệt được đâu là vật thể lạ, đâu là thành phần của cơ thể. Khi có vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể, hay còn gọi là kháng nguyên, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyê đó. Nhưng vì một lý do nào đó mà một thành phần nào đó của cơ thể lại trở thành vật thể lạ và cơ thể lại sản xuất ra kháng thể để chống lại thành phần đó. Đây có thể được coi là cuộc chiến nội bộ. Hiểu đơn giản nhất thì đây là bệnh cơ thể tự sản xuất ra một chất chống lại mình”.
Trên thực tế, không ít người nghĩ rằng bệnh tự miễn cũng gần giống với hiện tượng dị ứng, tuy nhiên, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.Trong dị ứng, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào những phần tử lạ xâm nhập cơ thể (ví dụ phấn hoa, bụi bặm…), còn tự miễn thì hậu quả sẽ là sự hủy diệt các mô, tế bào của chính cơ thể mà hệ miễn dịch đã tấn công vào dẫn đến gây ra đến hơn 80 tình trạng bệnh khác nhau, trong đó có những bệnh tiêu biểu như: Viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống, viêm đại tràng loét, viêm gan mãn tính tiến triển, bệnh Basedow, bệnh bạch biến, đái tháo đường tuýp 1…
Ảnh minh họa |
Chưa phát hiện nguyên nhân
Đó là khẳng định của bác sĩ Chi. Theo bà: “Thực ra khoa học hiện nay vẫn chưa phát hiện được nguyên nhân gây bệnh nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ. Thứ nhất, đó là yếu tố di truyền. Ví dụ như trong gia đình có người bị bệnh thì có khả năng những người có quan hệ huyết thống sẽ bị bệnh theo. Cái thứ hai là về nội tiết tố. Thông thường những người có hàm lượng estrogen trội lên, đặc biệt là ở phụ nữ thì dễ mắc bệnh hơn. Thứ ba là do tác động của môi trường như sang chấn tâm lý, sau sinh đẻ, nhiễm hóa chất độc hại, nhất là với những người hay sử dụng thuốc nhuộm tóc. Yếu tố tiếp theo là do nhiễm khuẩn hoặc virus. Tia phóng xạ cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra căn bệnh này”.
Không có dấu hiệu đặc thù
Dù có cùng cơ chế gây bệnh, nhưng tự miễn thực ra là một nhóm bệnh gồm nhiều bệnh khác nhau có cùng một cơ chế sinh bệnh nên các triệu chứng lâm sàn cũng khác nhau.
Ví dụ như các bệnh về nội tiết tố như đái tháo đường, bệnh Basedow… sẽ khác với các bệnh tổn thương hệ thống. Đa phần những bệnh tự miễn có tổn thương hệ thống rất khó phát hiện và ngày càng nặng hơn. Thông thường, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt, chán ăn, đau họng, đau khớp, rụng khóc, phù hoặc nổi ban… Đối với dạng bệnh tổn thương cơ quan đặc hiệu, bệnh nhân sẽ có cảm giác hồi hộp, thích nói nhiều, người luôn cảm giác nóng nực, luôn tay chân, mắt lồi… Do đó, rất khó nhìn vào biểu hiện để phát hiện ai đó có mắc bệnh tự miễn hay không.
Vẫn theo bác sĩ Chi, qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ phát hiện được bệnh đang ở giai đoạn nặng hay nhẹ. Tuy nhiên, do đặc điểm của bệnh tự miễn là phát triển thành từng đợt và có những đợt bùng phát nặng xen lẫn với giai đoạn nuôi bệnh, nên nhiều lúc bệnh nhân đến trong tình trạng bệnh nhẹ, nhưng một thời gian ngắn sau, bệnh nhân vào viện trở lại ở giai đoạn bùng phát thì tình trạng lại trở nên nặng hơn dù đã dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Trên thực tế, xã hội càng phát triển, số người mắc các bệnh tự miễn ngày càng gia tăng và có xu hướng nặng hơn. Vì vậy, để phòng tránh các bệnh tự miễn nguy hiểm, bảo vệ hệ miễn dịch, thì một chế độ ăn uống phù hợp, nghỉ ngơi điều độ và hạn chế những thói quen không tốt là điều rất quan trọng.
Hiện nay, mặc dù đã có nhiều loại thuốc và kỹ thuật mới ra đời để điều trị các bệnh tự miễn song trên thực tế, các bác sĩ cũng mới chỉ điều trị được triệu chứng của bệnh chứ chưa thể khỏi hoàn toàn. Do đó, hãy tự tìm hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể bằng những phương pháp đơn giản hàng ngày và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường.
Thanh Ly
Chưa có bình luận.