Tình trạng trẻ thừa cân, béo phì đang ngày càng tăng nhanh, giảm kết quả học tập, có thể mắc một số loại ung thư khi các emlớn tuổi.
Tại hội thảo “Dinh dưỡng lành cho trẻ khôn lớn” tổ chức sáng 23/8, bà Lê Bạch Mai- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay thông tin trẻ trẻ thừa cân, béo phì đang tăng rất nhanh.
Năm 2000, trẻ thừa cân béo phì mới chiếm 0,6% nhóm trẻ dưới 5 tuổi, nhưng năm 2015 đã ở mức 5,6%.
Đặc biệt, ở một số thành phố lớn như TPHCM, tỷ lệ này lên tới 10,6% và là địa phương có tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì cao nhất cả nước. Hà Nội cũng có tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì trên 6%.
Theo bà Mai, cần kiểm soát tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì xuống dưới 5%, nếu không đây sẽ là “nguồn” bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường, thừa cân béo phì ở người trưởng thành và có thể mắc một số loại ung thư khi các em lớn tuổi.
Trẻ thừa cân, béo phì sẽ gặp các bệnh nguy hiểm trong tương lai, đồng thời kết quả học tập cũng sa sút. Ảnh minh họaTrong khi đó, một thực trạng hiện nay là các bà mẹ không cho rằng con mình thừa cân để thực hiện các biện pháp kiểm soát cân nặng cho con.
Theo nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu Y- xã hội, 30% bà mẹ có con thừa cân không biết như vậy là thừa cân, 15% bà mẹ có con thừa cân vẫn muốn con tăng cân thêm.
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, “thừa cân béo phì tăng chủ yếu do thiếu vận động thể lực, ăn quá nhiều năng lượng và chất béo. Điều trị thấp còi và thừa cân béo phì ở trẻ em càng sớm và kiên trì thì hiệu quả càng cao. Các can thiệp điều trị nhằm tăng chiều cao và giảm cân phải phối hợp đồng bộ giữa chế độ tiết chế riêng và chương trình vận động phù hợp với từng cá thể”.
Đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 6/2016 rằng trẻ em Việt Nam bị thừa cân béo phì đang tăng một cách nhanh chóng. Đây là một điều rất đáng lo ngại vì trẻ em béo phì sẽ có nguy cơ trở thành người lớn béo phì, có nghĩa là một tương lai bệnh tật đang chờ đón các bé.
Những hậu quả xảy ra là các ảnh hưởng tâm lí xã hội kém, giảm thành công trong học tập, thường không khỏe mạnh. Trẻ em mắc béo phì trong độ tuổi niên thiếu thường bị rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và kháng insulin. Những rối loạn này sẽ kéo dài đến thời kỳ thanh niên của các em.
Ngoài ra, các biến chứng gan ở trẻ em béo phì đã được ghi nhận, đặc biệt đặc tính nhiễm mỡ gan và triệu chứng tăng men gan (transaminase huyết thanh). Trẻ em bị béo phì cũng có thể bị các biến chứng về mặt giải phẫu. Nghiêm trọng là bệnh Blount (một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh), dễ bị bong gân mắt cá chân.
Các biến chứng khác nguy hiểm hơn như nghẽn thở khi ngủ và bệnh giả u não – một bệnh hiếm gặp liên quan đến tăng áp suất trong sọ não.
Chỉ số chiều cao – cân nặng là điều quan trọng nhất để xem trẻ có bị béo phì hay không.Quế Chi (Tổng hợp)
Nguồn: Báo Đất Việt
Chưa có bình luận.