Nhiều người từng nghĩ đau dạ dày là bệnh chỉ gặp ở lứa tuổi trưởng thành, nhưng theo PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bà đã từng gặp những bệnh nhi viêm dạ dày, đau dạ dày khi mới 6 tuổi.
Giữa tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội, trước khi vào viện 2 ngày bệnh nhi có biểu hiện nôn trớ, trào ngược thức ăn sau khi ăn.
Kiểm tra dạ dày thấy niêm mạc dạ dày xung huyết kèm theo các đốm đỏ, viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày và bệnh nhi đã nhiễm vi khuẩn HP, một loại vi khuẩn là nguyên nhân khá phổ biến liên quan bệnh viêm loét dạ dày và có thể lây lan cho trẻ em nếu trong gia đình và cộng đồng có người mắc bệnh, chưa được điều trị triệt để.
Đau dạ dày lại tưởng đau bụng giun
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, ở trẻ nhỏ triệu chứng đau dạ dày thường rất dữ dội, trẻ lăn lộn giống với triệu chứng đau do giun chui ống mật nên nhiều phụ huynh tưởng con mình bị giun, nhiều người tự dùng thuốc tẩy giun mà không đưa trẻ đi khám.
Trong khi đó, những triệu chứng đặc trưng như đau âm ỉ, ợ chua giống như bệnh dạ dày của người lớn lại rất ít khi xuất hiện ở trẻ em.
Mặt khác, có thể do trẻ không biết mô tả cơn đau nên nhiều bậc cha mẹ nhầm với các cơn đau do giun và trì hoãn việc khám bệnh, cho đến khi thấy không bớt đau mới đưa trẻ đi khám thì bệnh đã ở trong tình trạng nghiêm trọng: loét sâu, xuất huyết…
Cũng theo PGS Dũng, có đến 60-70% dân số mang vi khuẩn HP trong cơ thể, đa số sống chung an toàn với vi khuẩn này trong suốt quãng đời của mình. Chỉ trong những trường hợp thật đặc biệt, vi khuẩn này mới phát tác gây nên loét dạ dày, tá tràng.
Những người bị viêm dạ dày, hành tá tràng có khả năng biến chứng thành ung thư rất thấp, nhưng khi nội soi dạ dày, tá tràng bị loét và xét nghiệm thấy có vi khuẩn HP thì cần phải điều trị để phòng ngừa ung thư.
Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, PGS Dũng khuyến cáo khác với người lớn, nếu như trẻ đã được chẩn đoán loét tá tràng thì dù không tìm thấy vi khuẩn HP cũng cần phải điều trị.
Mắc bệnh từ cách nuôi và stress
Theo bà Lê Bạch Mai, vi khuẩn HP có thể lây qua nhai, mớm, thổi thức ăn cho trẻ, dùng chung đồ chứa đựng nước uống hay thức ăn với người mang vi khuẩn HP chưa được vệ sinh sạch sẽ. Các giọt bắn nước bọt của người mang vi khuẩn ở các bề mặt trong nhà, rồi trẻ cầm nắm vào và cho vào miệng cũng có nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Theo bà Mai, có những trường hợp trẻ mới 6-7 tuổi đã viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP từ nguồn bệnh ban đầu khá dễ lây như đã nói ở trên.
PGS Dũng cho biết có một lý do mới và cũng là tác nhân quan trọng là trẻ gặp quá nhiều căng thẳng, áp lực từ cuộc sống, học tập… khiến luôn căng thẳng, sợ hãi và từ đó góp phần dẫn đến bệnh lý dạ dày.
Ông Dũng cũng khuyên cha mẹ cần tránh những sai lầm trong nuôi dưỡng trẻ: “Cần chú ý việc vệ sinh trong ăn uống cho trẻ để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa nói chung. Không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi máy tính, xem tivi hay nhảy múa hát ca trong bữa ăn…, việc vừa ăn vừa xem hoặc chơi đùa khiến trẻ phân tâm, xao lãng dẫn đến khó tiêu hóa thức ăn, trẻ không cảm thấy món ăn ngon hay không mà chỉ đưa thức ăn vào miệng như một thói quen, từ đó hạn chế tiết dịch tiêu hóa thức ăn và có thể dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa”.
Ông Dũng cũng khuyến cáo nhóm trẻ từ 10 đến 16 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh dạ dày còn cao hơn nhiều so với nhóm nhỏ tuổi hơn vì đây là nhóm trẻ thường gặp áp lực trong học tập, áp lực từ gia đình và bạn bè.
“Đừng tạo quá nhiều áp lực cho trẻ, trẻ hiện nay nhiều áp lực quá mà một áp lực tôi cho là ghê gớm nhất là áp lực từ gia đình. Cha mẹ muốn con giỏi, con thành công, nhưng không quan tâm mấy đến suy nghĩ và sở thích của con, điều đó làm cho trẻ lo lắng, có cháu thành ra sợ hãi và thiếu tự tin, dẫn đến bệnh lý dạ dày. Hãy giúp trẻ cười thật nhiều vào để mỗi ngày trẻ đến trường thấy vui, về nhà lại thấy vui và giảm bớt những căng thẳng, từ đó cũng giảm bớt nguy cơ bệnh tật”, ông Dũng nói.
Lây truyền trong gia đình
Nghiên cứu tại khoa tiêu hóa và phòng khám Bệnh viện Nhi T.Ư, với trên 620 bệnh nhi từ 2-16 tuổi được chẩn đoán viêm dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP đến khám tại bệnh viện trong 2 năm gần đây, cho thấy trên 72% bệnh nhi có người thân trong gia đình có bệnh lý dạ dày, tá tràng.
Qua phân lập 50 chủng HP của các thành viên trong gia đình bệnh nhi, có đến 46% chủng HP tìm thấy ở các bé tương đồng với kiểu gen chủng HP tìm thấy ở người mẹ, trên 8% tương đồng với kiểu gen của cha và gần 12% tương đồng với kiểu gen HP tìm thấy ở anh chị các cháu.
Điều đó cho thấy có bằng chứng về sự lây truyền HP giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là từ mẹ sang con ở lứa tuổi nhỏ.
QUỲNH LIÊN – LAN ANH/TTO
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.