Với hệ thống sưởi ấm, điều chỉnh nhiệt độ, độ vô trùng… thật khó có thể tìm được một quốc gia nào “trang bị tận răng” cho toilet của người dùng như tại Nhật Bản.
Nếu nhắc đến những quốc gia chăm chút đến WC nhiều nhất thì Nhật Bản chắc chắn phải đứng trong top đầu. Bước vào nhà vệ sinh của người Nhật, bạn sẽ thấy những bồn cầu có bảng điều khiển điện tử với vô vàn chức năng lớn nhỏ để làm thỏa mãn nhu cầu WC của tất cả mọi người.
Những chiếc bồn cầu “ngồi xuống rồi không muốn đứng lên”
Trong tiếng Nhật, Washiki là bồn cầu ngồi xổm kiểu truyền thống còn Yoshiki là tên gọi của bồn cầu điện tử hiện đại. Hiện nay, bồn cầu Washiki chỉ được lắp đặt với số lượng ít để phục vụ nhu cầu của người dùng thiểu số, trong khi đó bồn cầu Yoshiki lại được sử dụng tại nhiều gia đình, nhà hàng, khách sạn,.. để phục vụ đại đa số người dùng muốn trải nghiệm sự khác biệt từ bồn cầu điện tử.
Bồn cầu Yoshiki nhìn qua không khác nhiều so với bồn cầu thông thường. Điểm đặc biệt nhất của chiếc bồn cầu này là hệ thống các chức năng được điều khiển hoàn toàn bằng điện tử thông qua tay cầm ở cạnh bên chiếc bồn cầu. Tại đây, các bạn sẽ nhìn thấy vô vàn nút bấm với các chức năng không thể nào ngờ tới khi đi vệ sinh: Chức năng tự rửa bồn cầu sau khi có người đi vệ sinh, các bạn hoàn toàn không phải động tay giật nước; chức năng làm ấm, làm khô bệ ngồi liên tục giúp người dùng luôn có cảm giác ấm áp ngay cả trong thời tiết giá lạnh.
Hệ thống bồn cầu điện tử thường thấy tại Nhật Bản.
Và nếu bạn ngại ngùng khi đi vệ sinh “quá to”? Đừng lo lắng vì một trong những tính năng được yêu thích nhất của bồn cầu Nhật Bản chính là việc phát ra tiếng nước chảy róc rách trong lúc đi vệ sinh, giúp người ngồi bên trong không còn ngại ngùng gì nữa.
Ngoài ra, một số bồn cầu siêu hiện đại còn có chức năng tự động mở nắp khi phát hiện có người dùng bước vào.
Chỉ tính riêng bồn cầu đã mang lại sự thoải mái, sạch sẽ tuyệt đối cho người sử dụng.
Phòng vệ sinh như một căn nhà đầy đủ tiện nghi
Tại Nhật Bản, toàn hộ hệ thống nhà vệ sinh và nhà tắm được tách biệt hoàn toàn với nhau, tạo cảm giác sạch sẽ gần như tuyệt đối với người dùng, đồng thời thuận tiện cho việc lắp đặt trang thiết bị bồn cầu điện tử.
Trong khi phần lớn các nhà vệ sinh công cộng trên thế giới yêu cầu bỏ giấy vệ sinh vào thùng rác thì tại Nhật, bạn hoàn toàn có thể cho giấy vào bồn cầu và xả nước mà không sợ gây tắc đường cống. Chính điều này khiến cho nhà vệ sinh tại Nhật Bản luôn có cảm giác thoáng mát, sạch sẽ, không ám mùi như nhiều nơi khác trên thế giới.
Thay vì một nhà vệ sinh chật chội với những bồn cầu hay bệ rửa tay, nhà vệ sinh phong cách Nhật Bản được xây dựng rất rộng rãi. Một khu vực không thể thiếu trong nhà vệ sinh Nhật Bản là bệ đứng thay quần áo và khu vực thay bỉm trẻ em dành cho các bà mẹ. Khu vực thay tã cho trẻ thường là kệ ngang, được lót đệm ấm.
Nhà vệ sinh tại Nhật Bản thường có các khu chuyên dụng dành riêng cho người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người già,…
Còn nếu cha mẹ đi vệ sinh thì các bé sẽ ở đâu? Thay vì phải đi bộ bên ngoài, các bé có thể vào khu vực ghế ngồi dành riêng cho mình để chờ đợi bố mẹ. Nhà vệ sinh trang bị ghế ngồi sạch sẽ, không sợ mùi hôi, không sợ chật chội, không khác gì một căn nhà tiện nghi.
Ở Nhật, tại các khu vệ sinh luôn có phòng riêng biệt dành cho các đối tượng ưu tiên đặc biệt như: Người tàn tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ,.. tất cả đều có thiết kế riêng, thiết bị riêng để phục vụ tận tình nhu cầu của mọi người, ví dụ như không gian ưu tiên luôn rộng rãi hơn để di chuyển thoải mái; dọc các bức tường luôn lắp tay vịn ngang, ngay cả ngang bồn cầu cũng có tay vịn được lắp chắc chắn để đứng lên ngồi xuống dễ dàng.
Mặc dù chỉ là khu vệ sinh, nhưng người Nhật bao giờ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến toilet. Không khó hiểu khi tại sao nhiều du khách cho rằng: Nhà vệ sinh là điểm nhấn bắt buộc phải “thử” mỗi khi đi du lịch tại đất nước mặt trời mọc.
Vân Anh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.