Thứ Hai, 21/03/2016 | 21:02

Tai biến sản khoa và các cách phòng tránh

Tai biến sản khoa là gì ?

Tai biến sản khoa là những trường hợp xảy ra liên quan đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Tai biến sản khoa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong suốt thời gian mang thai, sau khi sảy thai, sau khi sinh non, trong lúc sinh, vừa sinh xong hay 6 tháng sau sinh.

Nguyên nhân dẫn đến những tai biến sản khoa

Từ phía thai phụ và gia đình:

+ Thiếu hiểu biết về sức khỏe tình dục trước khi kết hôn, mang thai;

+ Thiếu hiểu biết về kiến thức chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ, lúc sinh và sau sinh;

+ Không khám thai, theo dõi thai kỳ chặt chẽ và đúng quy định.

Ví dụ, có những trường hợp, thai phụ không đi khám thai nên không có hồ sơ khám thai định kỳ. Khi nhập viện để sinh con, y bác sỹ không biết tiền sử bệnh của thai phụ, không thể lường trước và đề phòng các nguy cơ tai biến. Việc đi khám thai nhưng không thực hiện đủ các bước, các xét nghiệm mà chỉ siêu âm xem hình ảnh cũng là thiếu sót có thể dẫn đến các nguy cơ tai biến.

Từ phía nhân viên y tế:

+ Trình độ kém, chưa có kinh nghiệm dẫn đến chẩn đoán sai;

+ Trang thiết bị y tế lạc hậu, không đủ điều kiện để cấp cứu kịp thời;

+ Thái độ làm việc thiếu tích cực, chậm trễ trong chẩn đoán và chuyển tuyến.

Những tai biến thường gặp 

+ Tai biến sản khoa sớm thường xảy ra ở 3 tháng đầu thai kỳ như dọa sảy thai, sảy thai, thai lưu, thai trứng, thai ngoài tử cung;

+ Tai biến sản khoa xảy ra ở 3 tháng giữa thai kỳ như tiền sản giật, tiểu đường;

+ Tai biến xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ như ngôi thai bất thường, các tai biến về nước ối, nhau bong non, nhau tiền đạo;

+ Tai biến trong khi sinh như băng huyết, thuyên tắc ối, vỡ tử cung;

+ Tai biến xảy ra sau sinh như sót rau, nhiễm trùng.

Các cách phòng tránh tai biến sản khoa

Từ phía thai phụ và các thành viên trong gia đình:

+ Phải trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản từ trước khi mang thai ;

+ Phải biết cách chăm sóc sức khỏe thai kỳ tốt cho thai phụ đặc biệt là thai phụ sinh con so, sinh con hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm;

+ Khám thai định kỳ và sàng lọc thai nhi theo đúng thời gian quy định, theo dõi thai kỳ chặt chẽ để phát hiện các biểu hiện bất thường và đi khám ngay;

+ Đẻ theo chỉ định của bác sỹ sản khoa trong các trường hợp thai phụ có bệnh, cạn ối, nhiễm khuẩn ối, vỡ ối sớm, rau bong non…

Từ phía cán bộ y tế:

+ Từ nữ hộ sinh, y tá, đến bác sỹ sản khoa phải nắm vững chuyên môn;

+ Luôn nâng cao trình độ, hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đủ về kiến thức y tế để đối phó với những tai biến bất kỳ xảy ra đối với thai phụ;

+ Thái độ làm việc tích cực, chu đáo, thân thiện, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm và cứu chữa bệnh nhân trong mọi hoàn cảnh, điều kiện tốt nhất có thể.

Tai biến sản khoa và các cách phòng tránh

Tai biến sản khoa xảy ra sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, đôi khi là những mất mát rất lớn đối với tất cả mọi thành viên trong gia đình. Trước khi xây dựng gia đình, bạn nên trang bị đầy đủ kiến thức về đời sống tình dục, sức khỏe sinh sản để có thể chăm sóc thai kỳ thật tốt. Khi mang thai, thai phụ cần phải đi khám ngay nếu có những biểu hiện bất thường như đau bụng, ra nước âm đạo, ra máu âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu hoặc không máy, tiểu ít, đau thượng vị hoặc hạ sườn phải, khó thở… để điều trị kịp thời, tránh các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con.

Tống Quỳnh

Tai biến sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ và cách phòng tránh

Nguồn: congioilam.com

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook