Ở 3 tháng đầu thai kỳ, cơ thể thai phụ có nhiều thay đổi do sự hình thành và lớn dần của thai nhi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, việc ăn uống, sinh hoạt và các hoạt động khác. Để 3 tháng đầu thai kỳ an toàn, thai phụ cần ăn uống đầy đủ để cung cấp dưỡng chất cho sự phát triển của thai nhi; luyện tập vừa phải, hợp lý để chuẩn bị sức khỏe tốt cho hơn 9 tháng mang thai. Chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp cũng sẽ giúp thai phụ phòng tránh được các tai biến sản khoa sớm ở 3 tháng đầu thai kỳ như dọa sảy thai, sảy thai, thai lưu, thai trứng, thai ngoài tử cung dưới đây.
1. Dọa sảy thai
Dọa sảy thai là hiện tượng thai nhi vẫn còn sống và ở trong tử cung nhưng thai phụ thấy biểu hiện bất thường như đau bụng, đau lưng và ra máu âm đạo. Nếu những biểu hiện này xuất hiện ở 3 tháng đầu thai kỳ là dọa sảy thai non, xuất hiện ở tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 gọi là dọa sảy thai to, xuất hiện từ tháng thứ 6 trở đi là dọa đẻ non.
– Nguyên nhân
+ Sức khỏe của thai phụ quá yếu, không đủ dinh dưỡng cung cấp cho sự phát triển của bào thai;
+ Cơ thể thai phụ mất cân bằng nội tiết tố nữ, đặc biệt là mất cân bằng progesterone đảm bảo duy trì thai kỳ;
+ Đời sống tình dục không lành mạnh;
+ Thai phụ vận động mạnh, lao động quá sức;
+ Sự phát triển bất thường của thai nhi;
+ Thai phụ bị bệnh mãn tính như suy thận, suy tim cũng có nguy cơ dọa sảy thai cao;
+ Thai phụ bị bệnh về tử cung như ung thư cổ tử cung, u tử cung, viêm nhiễm tử cung cũng dễ có hiện tượng dọa sảy thai.
– Cách điều trị
Nếu thai phụ thấy đau bụng, ra máu âm đạo thì cần được nằm nghỉ, không xoa mạnh, đấm bóp vùng bụng bị đau. Khi có dấu hiệu dọa sảy thai, thai phụ cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
– Các biện pháp phòng tránh dọa sảy thai
+ Thai phụ nên áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển của bào thai;
+ Thai phụ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng, làm việc vừa sức và nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt;
+ Thai phụ cần tiết chế, nhẹ nhàng trong sinh hoạt tình dục;
+ Bổ sung nội tiết tố nếu cần nhưng phải theo sự hướng dẫn của bác sỹ sản khoa.
+ Thai phụ mắc bệnh suy thận, suy tim, bệnh về tử cung cần được bác sỹ thăm khám, theo dõi trong suốt thai kỳ.
2. Sảy thai
Sảy thai là tình trạng kết thúc thai nghén trước thai kỳ, thường là trong 20 tuần đầu. Biểu hiện khi bị sẩy thai là thai phụ thấy đau bụng dưới như đau bụng kinh nguyệt, sau đó xuất hiện các cơn co thắt tử cung và ra máu âm đạo. Dấu hiệu của sảy thai là ra máu, sau đó ra chất nhầy màu hồng, đau bụng, đau lưng, chuột rút. Khi thấy những dấu hiệu này thai phụ phải nhập viện để được thăm khám ngay.
– Nguyên nhân của sảy thai
+ Mất cân bằng nội tiết tố nữ;
+ Vận động mạnh;
+ Ăn uống không cẩn thận, ăn đồ sống, đồ cay nóng;
+ Sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê, ma túy;
+ Sử dụng thuốc bừa bãi.
– Cách điều trị
+ Khi thấy ra máu ở những trường hợp đã nói ở trên thai phụ cần được đưa đến bệnh viện để khám và điều trị ngay. Có rất nhiều trường hợp vẫn giữ được thai nhi nếu thai phụ được đưa đến bệnh viện và điều trị kịp thời ;
+ Nếu có hiện tượng dọa sảy thai như ra máu ít, đau bụng ít thì thai phụ nên nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, kiêng quan hệ tình dục, ăn uống nhuận tràng để chống táo bón. Nếu phải uống thuốc, cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.
– Cách phòng chống sảy thai
+ Thai phụ nên có tinh thần thoải mái, tránh lo âu, buồn phiền, căng thẳng;
+ Thai phụ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con;
+ Nếu mất cân bằng nội tiết tố, thai phụ cần gặp bác sỹ sản khoa để khám và uống thuốc bổ sung;
+ Thai phụ nên đi lại nhẹ nhàng, tránh mang giày cao gót; tránh làm việc nặng nhọc;
+ Thai phụ phải tránh tiếp xúc với hóa chất, tránh sử dụng các chất kích thích, hạn chế tới chỗ đông người và đặc biệt là tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh truyền nhiễm như cúm để không bị lây bệnh;
+ Hàng ngày, thai phụ nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ để tránh các bệnh viêm nhiễm phụ khoa;
+ Quan hệ tình dục nhẹ nhàng để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi;
+ Đối với các trường hợp sảy thai tái phát, thai phụ cần được đi khám, làm các xét nghiệm trước khi muốn mang thai lần tiếp theo.
3. Thai lưu
Thai lưu là trường hợp trứng đã được thụ tinh và làm tổ ở nội mạc tử cung hình thành thai nhi nhưng thai nhi bị chết và lưu lại trong tử cung. Tai biến này thường xảy ra ở 3 tháng đầu thai kỳ, tuy nhiên, cũng có trường hợp xảy ra ở những tháng cuối thai kỳ.
– Biểu hiện của thai lưu
+ Nếu thai lưu ở những tháng đầu thai kỳ, thai phụ tự nhiên mất hết các hiện tượng thai nghén và có biểu hiện như ngực mềm, bụng tức, ra máu đen ở âm đạo; Không nghe thấy tim thai; Không thấy tử cung phát triển;
+ Nếu thai lưu ở những tháng cuối thai kỳ, không thấy thai máy và các cử động của thai nhi; Vỡ ối, nước ối chảy ra nhiều.
– Nguyên nhân của thai lưu
+ Mẹ bị suy dinh dưỡng, không cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi phát triển;
+ Mẹ mang thai ở tuổi cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến;
+ Mẹ bị bệnh mãn tính như viêm thận, suy gan, bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao;
+ Mẹ bị nhiễm độc nặng, kéo dài như nhiễm độc hóa chất, thuốc trừ sâu;
+ Mẹ bị bệnh về tử cung, dị dạng tử cung;
+ Do mẹ và con bất đồng nhóm máu;
+ Thai nhi dị dạng bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể;
+ Thai nhi già tháng;
+ Do bất thường ở dây rốn, bánh nhau, nước ối.
– Điều trị thai lưu
+ Trong trường hợp thai lưu ở những tháng đầu thai kỳ khi bào thai đang còn nhỏ thì thai phụ sẽ được chỉ định nong cổ tử cung hút thai lưu ra ngoài;
+ Trong trường hợp thai lưu ở những tháng cuối thai kỳ khi bào thai đã to thì thai phụ sẽ được chỉ định đẻ có hỗ trợ.
– Các cách phòng tránh thai lưu
+ Phụ nữ muốn sinh con nên mang thai ở lứa tuổi từ 20 đến 35 tuổi. Khi mang thai trước 20 tuổi hoặc sau 35 tuổi, cần có chế độ thăm khám và chăm sóc thai kỳ đặc biệt;
+ Thai phụ nên khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề bất thường trong sự phát triển của thai nhi;
+ Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển tốt;
+ Tránh tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu,
+ Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, ma túy;
+ Trước khi kết hôn, cả vợ và chồng nên khám sức khỏe toàn diện để sớm phát hiện ra các bệnh, các dị tật về cơ quan tình dục để có thể điều trị kịp thời;
+ Với những thai phụ có bệnh mãn tính cần được khám trước khi mang thai, phải kiểm tra bệnh định kỳ và theo dõi thai kỳ chặt chẽ để phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời;
+ Với những thai phụ từng sảy thai, đặc biệt là sảy thai từ lần thứ 3 trở lên cần được khám toàn diện và làm các xét nghiệm cần thiết để chuẩn bị chu đáo cho lần mang thai tiếp theo.
4. Thai trứng
Thông thường, trứng sau khi được thụ tinh sẽ phát triển thành phôi thai và các phần khác như nhau thai, gai nhau, túi ối… Trong trường hợp gai nhau phát triển bất thường, tạo thành từng chùm những nang túi nhỏ chứa đầy nước, chiếm hết tử cung, lấn át bào thai gọi là thai trứng. Thai trứng có hai loại: thai trứng toàn phần và thai trứng bán phần.
– Biểu hiện của thai trứng
+ Trong thời gian thai nghén, thai phụ có thể bị nghén nặng và phù tay chân;
+ Thai phụ bị ra máu âm đạo trong thời gian từ tuần thai thứ 6 đến tuần thứ 12;
+ Nếu không được khám, khi thai nhi ở tuần thứ 20, tử cung của thai phụ phát triển lớn hơn bình thường và không thấy thai cử động;
+ Ở tuần thứ 8, khi siêu âm, không phát hiện thấy tim thai, không thấy hình ảnh bào thai mà chỉ thấy những nang túi chứa đầy nước nối với nhau bằng những sợi nhỏ;
+ Khi xét nghiệm, chỉ số betaHCG tăng cao vượt chuẩn.
– Nguyên nhân dẫn đến thai trứng
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến thai trứng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân gián tiếp dẫn đến thai trứng như: chế độ dinh dưỡng của thai phụ không đảm bảo chất đạm và vitamin A; thai phụ mang thai khi tuổi đã cao.
– Cách điều trị thai trứng
Thông thường, thai trứng không gây nguy hiểm cho thai phụ nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong trường hợp phát hiện thai trứng sớm, thai phụ sẽ được chỉ định nong cổ tử cung, nạo hút hết thai trứng. Sau đó thai phụ cần được theo dõi và ổn định sức khỏe để không bị biến chứng và an toàn cho những lần mang thai tiếp theo.
Thai trứng phát hiện muộn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai phụ đặc biệt là băng huyết; khi thai trứng phát triển ăn sâu vào thành tử cung sẽ gây chảy máu ổ bụng; thai trứng tái phát nhiều lần trở thành u ác tính và di căn.
– Các cách phòng tránh thai trứng
+ Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để được tư vấn đầy đủ, tốt nhất về đời sống tình dục, sinh sản;
+ Thai phụ nên có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ trước và trong thời gian mang thai, đặc biệt là bổ sung đầy đủ vitamin A và chất đạm;
+ Phụ nữ muốn có con nên mang thai ở lứa tuổi từ 20 đến 35 tuổi. Thai phụ tuổi cao nên khám sức khỏe trước khi mang thai, khám thai định kỳ và chăm sóc thai kỳ cẩn thận.
5. Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung tức là bào thai không nằm trong tử cung mà nằm ngoài tử cung, ví dụ ở vòi trứng.
– Biểu hiện
Trong trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ, sẽ có các biểu hiện sau:
+ Chậm kinh, rong kinh, máu kinh ra ít, máu có màu đen sẫm và không đông đặc;
+ Đau bụng dưới bên trái, đau âm ỉ, thỉnh thoảng có cơn đau nhói;
+ Kết quả siêu âm không thấy túi thai trong tử cung và có thể phát hiện ra một khối u cạnh tử cung. Khi siêu âm, rất khó nhìn thấy túi thai ở vị trí vòi trứng;
+ Nội soi ổ bụng sẽ cho thấy chính xác hình ảnh túi thai ngoài tử cung.
Trong trường hợp thai ngoài tử cung đã vỡ sẽ có các biểu hiện như trường hợp chưa vỡ và thêm các biểu hiện sau:
+ Đau bụng dữ dội, mệt mỏi, tụt huyết áp và ngất xỉu;
+ Kết quả siêu âm và nội soi đều thấy ổ bụng có máu.
– Nguyên nhân
+ Nạo hút, phá thai nhiều lần;
+ Viêm nhiễm vòi trứng, vùng chậu;
+ Khối u phần phụ như u nang buồng trứng;
– Điều trị
+ Mổ nội soi ổ bụng, cắt một bên vòi trứng bị thai ngoài tử cung.
– Các cách phòng tránh
+ Tránh nạo hút, phá thai nhiều lần;
+ Vệ sinh phần phụ bên dưới sạch sẽ hàng ngày để tránh bị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa;
+ Nếu có những biểu hiện mang thai ngoài tử cung, cần nhập viện để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.
Để phòng tránh các tai biến sản khoa trong giai đoạn đầu thai kỳ, thai phụ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vận động hợp lý, khám thai định kỳ và theo dõi, chăm sóc thai kỳ kỹ lưỡng. Nếu thai phụ có những biểu hiện thai nghén bất thường thì cần phải đi khám ngay để có thể phát hiện tai biến và điều trị kịp thời.
Tống Quỳnh
Nguồn: congioilam.com
Chưa có bình luận.