Thứ Hai, 26/10/2015 | 14:04

Cùng với sự phát triển của ngành dược, nhiều loại thuốc điều trị hen phế quản mới ra đời, một số thuốc cũ bị lãng quên (trong đó có theophyllin).

Cùng với sự phát triển của ngành dược, nhiều loại thuốc điều trị hen phế quản mới ra đời, một số thuốc cũ bị lãng quên (trong đó có theophyllin). Tuy nhiên, mỗi loại thuốc đều có những ưu và nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Vì vậy, vai trò của theophyllin trong điều trị hen phế quản đã được nhìn nhận lại tổng thể hơn.

Theophyllin được sử dụng thế nào?

Theophyllin là một loại thuốc giãn phế quản (thuộc nhóm methylxanthin) đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị hen phế quản từ nhiều thập kỷ qua. Thuốc làm cường giao cảm, đưa đến tác dụng giãn phế quản, ngoài ra còn có tác dụng kháng viêm. Hen phế quản là một bệnh lý gây ra do quá trình viêm mạn tính niêm mạc đường hô hấp, do đó, việc sử dụng một loại thuốc như theophyllin có cả tác dụng chống viêm và tác dụng giãn phế quản là một hướng điều trị đúng đắn.

Sử dụng theophyllin điều trị hen phế quản: Góc nhìn mới và cũ?

Trước đây, theophyllin thường được sử dụng dưới dạng phóng thích chậm trong điều trị các trường hợp hen phế quản nhẹ dai dẳng hoặc hỗ trợ điều trị các trường hợp hen vừa và nặng. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ như: làm giảm oxygen trong tuần hoàn não (với liều cao có thể lên cơn co giật), làm tim đập nhanh, kích thích hô hấp, gây lợi tiểu, đau bụng, buồn nôn, chán ăn, nhức đầu, khó ngủ…

Những năm gần đây, với sự sẵn có của nhiều loại thuốc mới, hầu hết các trường hợp hen phế quản đã có thể được kiểm soát tốt mà không cần dùng đến theophyllin. Trong đó, vai trò ngày càng được khẳng định của các loại corticosteroid đường hít và sự ra đời của nhiều nhóm thuốc mới như thuốc cường beta 2 adrenergic kéo dài hoặc thuốc kháng leukotriene, cũng như những lo ngại về độc tính của theophyllin, nên vai trò của theophyllin trong điều trị hen phế quản đang dần bị thay thế. Lý giải cho sự thay thế loại thuốc này là do: Theophyllin có tác dụng giãn phế quản tương đối yếu, tác dụng giãn phế quản của theophyllin không mạnh bằng các thuốc cường beta 2 adrenergic, vì vậy, theophyllin không được lựa chọn đầu tiên trong cắt cơn hen. Tác dụng chống viêm của thuốc không biểu hiện rõ rệt trên lâm sàng. Thuốc thường có tương tác có hại với nhiều thuốc khác. Do liều điều trị của theophyllin rất gần với liều gây độc nên việc điều trị thường phải đi kèm với theo dõi nồng độ của thuốc trong máu.

Cách nhìn mới về loại thuốc cũ

Trong một số nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã nhận thấy theophyllin có những ưu điểm khiến người ta phải nhìn nhận tích cực hơn về vai trò của thuốc này trong điều trị hen. Cụ thể là: Thuốc ở dạng viên nên dễ sử dụng và định liều hơn là thuốc xịt thường khó định liều cụ thể và phải dùng đúng kỹ thuật để tránh gây tác dụng phụ lên các cơ quan ở hầu họng. Theophyllin được ưu dùng là loại phóng thích kéo dài, giải phóng chậm, duy trì đủ nồng độ thuốc trong máu trong 12 giờ để điều trị dự phòng và kiểm soát hen, có thể bảo vệ người bệnh trong suốt đêm. Thuốc có tác dụng chống lại quá trình viêm mạn tính trong bệnh hen. Một ưu điểm đáng lưu ý khác của theophyllin là tác dụng giãn phế quản không bị giảm dần khi sử dụng thuốc kéo dài (điều này thường xảy ra với thuốc cường beta 2 andrenergic. Ngoài ra, theophyllin còn có thể tác dụng tốt với cả những cơn co thắt phế quản không đáp ứng với thuốc cường beta 2 adrenergic, do hai nhóm thuốc này có cơ chế tác dụng khác nhau.

Những lưu ý khi dùng

Chính vì những nhận định trên thì việc nên hay không nên dùng theophyllin trong điều trị hen phế quản cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và đừng loại bỏ hoàn toàn thuốc này trong điều trị hen. Tuy nhiên khi dùng thuốc cần lưu ý: Theophylin chống chỉ định với các trường hợp quá mẫn với thuốc, loét dạ dày – tá tràng tiến triển, rối loạn chuyển hóa porphyrin, động kinh không kiểm soát được… Thận trọng khi dùng theophyllin cho người bệnh hen có kèm bệnh tim, tăng huyết áp, cường giáp, tiền sử loét dạ dày – tá tràng, suy gan, người cao tuổi, đang bị sốt, dùng cùng các thuốc ức chế enzym chuyển hóa thuốc ở gan.

Cần đặc biệt lưu ý, liều điều trị và liều gây độc của theophyllin rất gần nhau, do vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của thầy thuốc. Hơn nữa, thuốc có nguy cơ tương tác với nhiều loại thuốc khác như kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin, azithromycin), quinolon (ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin, levofloxacin), các thuốc kháng histamin H2 làm tăng độc tính của thuốc. Trong cơn hen nặng, theophyllin được dùng phối hợp với các thuốc cường beta 2 adrenergic hoặc corticoid để làm tăng tác dụng giãn phế quản, nhưng lại có thể làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc cường beta 2 adrenergic (hạ kali máu). Do đó, việc sử dụng theophyllin cho bệnh nhân hen cần hết sức thận trọng, bảo đảm đúng liều và phải được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các biểu hiện ngộ độc thuốc.

DS. TUẤN THÀNH

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook