Nâng ngực đặt túi độn rất đa dạng về đường mổ, bạn có thể thực hiện thông qua đường quầng vú, nếp vú hoặc đường nách.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM) chia sẻ về ưu, nhược điểm của các đường mổ khi tiến hành đặt túi độn nâng ngực.
Các đường mổ thông thường trong phẫu thuật nâng ngực:
– Đường quầng ngực
– Đường nếp dưới ngực
– Đường nách
– Đường xuyên rốn
Đường quầng ngực
Ưu điểm: Phương pháp đặt túi độn qua đường quầng vú giúp đi thẳng vào giữa bầu ngực, từ đó mở vào 4 phía, thuận lợi với mọi loại túi độn và khoang đặt túi. Đường này thường được chọn trong các trường hợp mổ lại, chữa trị các biến chứng.
Bất lợi: Bác sĩ thực hiện cần cẩn thận khi màu của quầng vú nhạt, khó dấu sẹo. Cảm giác của đầu vú cũng có thể bị thay đổi, ảnh hưởng khả năng cho con bú trong 6 tháng sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, phương pháp có thể gây tổn thương mô tuyến nhiều nhất, khả năng bị bao xơ co thắt do vi trùng từ trong hệ thống ống tuyến sữa lan vào khoang đặt túi. Vì vậy, các bác sĩ khuyên không nên nâng ngực khi sắp có dự định mang bầu hoặc cho con con bú chưa dứt sữa.
Các đường nâng ngực phổ biến hiện nay. Ảnh:internet
Đường nếp dưới ngực
Ưu điểm: Đường vào đơn giản, an toàn, trực tiếp, ít gây tổn thương cho ngực. Đây là lối đi ngắn nhất vào khoang đặt túi mà không gây tổn thương cho mô tuyến, quầng núm vú và các thần kinh cảm giác. Khoang đặt túi được kiểm soát rõ ràng, sẹo mổ được dấu trong nếp dưới vú. Bạn có thể thực hiện những biện pháp đảm bảo vô trùng tối đa vì không chạm đến đầu vú, mô hay ống tuyến vú.
Bất lợi: Bạn cần kiểm soát được sẹo mổ vì vùng ngực dễ bị sẹo. Người châu Á dễ bị lộ sẹo hơn so với người Tây Âu da trắng. Sẹo đẹp là điều kiện tiên quyết để thành công. Sau mổ, bạn nên theo dõi sát để sử dụng các biện pháp giúp thành sẹo tốt nếu cần.
Đường nách
Ưu điểm: Lợi ích rõ ràng nhất của đường vào ở nách là tránh được sẹo ở trên ngực. Vết sẹo được giấu tốt và cũng như đường dưới vú, cuộc mổ sẽ không xâm phạm đến nhu mô tuyến vú. Đường mổ này có lợi trên những bệnh nhân gầy, ngực nhỏ và hơi xệ, nếp dưới ngực không rõ hay quầng vú nhỏ.
Bất lợi: Đường mổ xa khoang đặt túi, khó kiểm soát độ lớn, vị trí của khoang đặt túi và khó cầm máu. Khi so sánh với những đường vào khác trực tiếp hơn, đường nách kém chính xác. Về mặt lý thuyết, cách này có nguy cơ ngực sẽ không cân đối và túi ngực bị di lệch lên trên. Vì vậy, tỷ lệ phải mổ lại cao hơn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào kinh nghiệm từng bác sĩ, nhiều chuyên gia quen và ưa thích mổ đường nách hơn.
Đường nách không thuận tiện khi dùng túi giọt nước hay là túi gel kích thước lớn, đặc biệt túi gel định hình.
Hơn nữa, những phẫu thuật sửa chữa kế tiếp có thể trở nên khó khăn hay không thể làm được với đường mổ xuyên qua nách. Đôi khi cần thực hiện một đường mổ mới đi trực tiếp hơn vào túi ngực. Phương pháp này khó xử trí những trường hợp bất thường của mô vú, không nên dùng đường nách khi cần phải sửa chữa mô tuyến.
Đường nách không thuận tiện khi dùng túi giọt nước hay là túi gel kích thước lớn, đặc biệt túi gel định hình.
Sự phát triển của nội soi giúp cho đường nách an toàn hơn. Nội soi giúp bóc tách bằng dao điện, cầm máu chính xác và giải phóng vừa đúng chỗ bám của cơ, mô mềm xung quanh. Nội soi không làm ngắn đường mổ. Đường mổ dài hay ngắn tùy thuộc vào loại túi trơn hay nhám và kích thước túi. Vậy những quảng cáo dùng nội soi để có đường mổ nhỏ hơn, ít chảy máu hơn, mau lành hơn không đúng.
Đường xuyên rốn
Đây là đường mổ được dùng sau cùng, xuyên qua một đường rạch da nhỏ, được tạo ra ở trước cơ thẳng bụng đến vùng tuyến vú. Cũng giống như đường nách, điểm yếu của đường này là ở xa khoang đặt túi. Phương pháp này hiện không được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận.
Việc đặt túi đường nào còn tùy thuộc vào tình trạng ngực của từng bệnh nhân khác nhau, không phải ai cũng có thể làm được đường nách hoặc chân vú theo yêu cầu.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc
Chưa có bình luận.