Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:24

Kiến thức về sự phát triển và mọc răng không chỉ quan trọng trong nha khoa thực hành mà còn trong các môn học khác như khảo cổ, y pháp, cổ sinh vật.

Quá trình phát triển răng có thể chia ra hai giai đoạn lớn:

– Tạo thành mầm răng, ngấm vôi và phát triển trong xương hàm.

– Mọc răng và tiếp tục ngấm vôi hoàn thành chóp chân răng.

Sự phát triển và sự mọc răng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như sắc tộc, dinh dưỡng, môi trường sống, bệnh lý. Do đó, các số liệu về thời biểu mọc răng cung cấp bởi các tác giả ở các nước khác nhau đều có sự chênh lệch đôi chút.

Để có các số liệu này, người ta cần nghiên cứu theo dõi dài theo thời gian các thời điểm mọc răng và cả sự phát triển mầm răng ở bào thai trong bụng mẹ (bằng phim X quang). Đồng thời, cũng nghiên cứu dọc (longitudinal data) và nghiên cứu ngang (cross-sectional data) các răng ở mọi lứa tuổi.

1- Thời gian biểu bộ răng người

Thời gian biểu bộ răng người được Logan.W và Kronfeld R.J. (1933) (1935) (1939), Mc. Call và Schour (Orban) (1944), Schour và Master (1940), Lysell và cộng sự (1962), Nomata (1964), Kraus và Jordan (1965), Lunt và Law (1974) xác lập, bổ sung và điều chỉnh.

Nghiên cứu X quang sự hình thành răng thường chia 3 giai đoạn lớn

– Giai đoạn bắt đầu ngấm vôi

– Hoàn tất thân răng

– Hoàn tất chân răng

2- Sự phát triển răng sữa

Sự ngấm vôi mầm răng sữa bắt đầu từ tuần lễ thứ 13 và 16 của bào thai (khoảng 5 tháng).

Vào tuần 18-20, tất cả 20 mầm răng sữa đã bắt đầu ngấm vôi.

Răng sữa mọc trong thời gian từ 6 tháng tuổi đến 30 tháng tuổi. Tuỳ từng trẻ mà bộ răng sữa mọc xong lúc 2-3 tuổi.

Bắt đầu ngấm vôi và mọc răng cửa giữa hàm dưới và tận cùng là răng cối thứ hai hàm trên.

Khi mới sinh không có răng, trừ một số ít trường hợp lại có nhú thân răng cửa giữa hàm dưới. ở đây, cần phân biệt với từ “nanh” được nhân dân ta dùng để chỉ các hạt mụn mầu trắng trên sống hàm của trẻ, làm trẻ bú khó khăn. Các nanh này cần được lấy bỏ.

Các công trình nghiên cứu về thời gian biểu mọc răng sữa ở các chủng người khác nhau cho thấy có sự khác biệt. Tuy nhiên, có rất ít số liệu loại này cho người da mầu và người Âu Mỹ.

Cũng có rất ít số liệu về sự liên quan mọc răng sữa với các chỉ số sinh lý khác nhau: sự hình thành xương, trọng lượng và chiều cao cơ thể, giới tính…

Ta có thể tóm tắt thứ tự mọc răng sữa như sau:

– Răng cửa giữa hàm dưới mọc lúc 7-8 tháng

– 1-2 tháng sau mọc răng cửa giữa hàm trên (10 tháng tuổi)

– Răng cửa bên hàm dưới mọc lúc 12-13 tháng, tiếp sau đó là răng cửa bên hàm trên.

Một số ít trẻ mọc 4 răng cửa dưới trước rồi mới mọc răng cửa trên.

– Lúc 16 tháng tuổi mọc răng cối thứ nhất, thường thì hàm trên nhú lên trước hàm dưới và có sự khác biệt giữa nam và nữ. Sự khác biệt này chưa được chứng minh và không có nguyên nhân rõ rệt.

– Lúc 19 tháng mọc răng nanh hàm trên. Răng nanh hàm dưới mọc lúc 20 tháng.

– Răng cối thứ 2 hàm dưới mọc lúc 27 tháng rồi khoảng 2 tháng sau (29 tháng) mọc răng cối thứ 2 hàm trên. Con trai có thể mọc sớm hơn con gái.

Bộ răng sữa mà thưa thì có lợi cho răng vĩnh viễn mọc. Bộ răng sữa rất quan trọng trong việc ăn nhai của trẻ cho đến lúc 7 tuổi. Mất và sâu sớm răng sữa sẽ gây lệch lạc bộ răng vĩnh viễn.

Trên hàm cho đến 11-12 tuổi vẫn còn răng sữa. Bộ răng sữa tốt và rụng đúng thời biểu góp phần bảo vệ sức khoẻ thể xác và tinh thần cho trẻ.

Thời gian bắt đầu thay răng từ 6-7 tuổi khi mọc răng 6 và thay răng cửa dưới.

3- Sự phát triển răng vĩnh viễn (Permanent Dentition)

Theo Schour và Masler (1940),bộ răng vĩnh viễn hình thành theo nhóm:

– Nhóm đầu tiên gồm răng cối thứ nhất, răng cửa giữa và răng cửa bên, răng nanh bắt đầu hình thành thân răng lúc 1 tuổi.

– Nhóm hai gồm răng cối nhỏ, răng cối lớn thứ hai bắt đầu hình thành thân răng lúc 2-4 tuổi.

– Nhóm 3 răng khôn bắt đầu hình thành thân răng lúc 6-7 tuổi.

· Răng đầu tiên của bộ răng vĩnh viễn mọc trên cung hàm là răng cối lớn thứ nhất hàm dưới rồi hàm trên vào lúc 6 tuổi. Do đó, răng này còn được gọi là “răng 6 tuổi”. Nó bắt đầu hình thành thân răng ngay khi sinh và mọc lên ở phía xa răng cối sữa thứ hai. Nó có mầu ngà và trong hơn răng sữa. Thân răng to hơn hẳn răng cối sữa thứ hai, nhất là với bệnh nhân đã mất răng cối sữa trước đó.

· Răng cửa giữa hàm dưới mọc liền cùng với răng cối lớn thứ nhất lúc 6-7 tuổi. Có khoảng hơn 50% các cá thể mọc răng này lúc 6 tuổi.

Trước khi mọc răng cửa giữa và răng cửa bên vĩnh viễn, răng sữa cùng tên phải tiêu chân răng (resorpted or exfoliated). Mầm răng vĩnh viễn phát triển lên ép vào chóp răng sữa làm tiêu chân răng sữa. Nhiều khi răng sữa bị tiêu hết chân, lung lay và tự rụng phần thân răng còn lại đúng thời điểm mọc răng vĩnh viễn.

Mầm răng (follicles) cửa và nanh vĩnh viễn có xu hướng thiên về phía lưỡi so với  chân răng sữa.

Mầm răng cối nhỏ vĩnh viễn nằm ngay dưới chẽ chân răng cối sữa. Như vậy, răng cửa, răng nanh, răng cối nhỏ sẽ thay thế chỗ trên hàm của bộ răng sữa nên được gọi là “răng thay thế” (Succedaneous teeth).

Trường hợp chân răng sữa không tiêu sẽ làm chậm mọc răng vĩnh viễn hoặc mọc lệch.

· Răng cửa bên mọc ngay sau răng cửa giữa hàm dưới. Rồi mọc răng cửa giữa hàm trên và răng cửa bên hàm trên (trong khoảng 1 năm sau).

· Răng cối nhỏ thứ nhất mọc tiếp theo răng cửa bên lúc 10 tuổi, thường đồng thời với răng nanh hàm dưới.

· Năm 11 tuổi mọc răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới rồi hàm trên.

· Tiếp sau đó là răng nanh hàm trên rồi răng nanh hàm dưới, cùng vào năm 11 tuổi.

· Răng cối lớn thứ hai mọc trên cung hàm dưới trước vào lúc 12 tuổi, do vậy có tên là “răng 12 tuổi”. Bốn răng này mọc trong thời gian từ 11-13 tuổi.

· Cuối cùng là 4 răng khôn (răng cối lớn thứ 3) (wisdom teeth) mọc trong khoảng 17-25 tuổi.

Có khoảng 10-15% cá nhân trong cộng đồng không có mầm răng khôn và khoảng 30% răng khôn hàm dưới mọc lệch, mọc chìm hay vừa lệch vừa chìm (malpositioned, impacted).

4- Sự phát triển của răng

Ở mỗi răng có 4 hoặc hơn các trung tâm phát triển, về sau làm thành các thuỳ ở thân răng.

Các thuỳ này phát triển mạnh tạo thành hình thân răng và nối với nhau ở các huyệt (grooves). Nếu nối với nhau không rõ nét, các huyệt biến thành các rãnh (fissures) dễ gây sâu răng.

Sau khi hình thành thân răng sẽ hình thành chân răng từ phía cổ lùi về phía chóp. Đường nối men – cement là ranh giới, được gọi là cổ răng sau này.

Trên phim X quang cận chóp răng hay Panorama, ta có thể xem rõ hiện tượng tiêu chân răng sữa và hình thành răng vĩnh viễn lúc trước khi mọc lên thay thế.

Sau khi thân răng mọc trên cung hàm, chân răng tiếp tục ngấm vôi, dài ra và khép kín dần chóp răng (apex), tạo thành lỗ chóp răng (foramen).

Tổ chức mềm ở giữa răng gồm mạch máu, thần kinh bị thu hẹp dần trong buồng tuỷ và ống tuỷ (pulp chamber and pulp canal).

Chỉ khi nào chóp răng đóng xong, để lại lỗ nhỏ chóp răng đi lọt mạch máu, thần kinh vào tuỷ răng thì mới kết thúc sự phát triển răng.

Tuỷ răng sữa và răng vĩnh viễn khi còn trẻ có thể tích lớn so tỷ lệ với răng. Người càng nhiều tuổi thì ống tuỷ và buồng tuỷ càng thu hẹp dần do hiện tượng tạo ngà thứ phát và ngà sửa chữa bởi các nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu…

Do đó, răng trẻ em và người trẻ cảm giác nhậy hơn răng người già khi khoan chữa răng.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook