Thứ Ba, 13/08/2024 | 08:51

Cao răng (vôi răng) là mảng bám đã được vôi hóa bởi hợp chất muối calcium phosphate trong nước bọt. Mảng bám cần tồn tại trong miệng khoảng 1 tuần để chuyển hóa thành cao răng. Nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách, cao răng có thể tích tụ trên răng và dẫn đến bệnh nướu răng và các vấn đề sức khỏe răng miệng khác.

Sự hình thành của cao răng

Sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ hình thành một lớp màng vô khuẩn trên bề mặt răng. Màng vô khuẩn này giúp các vi khuẩn có chỗ bám trên bề mặt răng. Qua một thời gian, vi khuẩn tích tụ ngày càng dày lên và hình thành mảng bám.

Ở giai đoạn còn là mảng bám, chúng ta có thể làm sạch chúng bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa. Nhưng sau  một thời gian, vi khuẩn chết đi và hòa cùng với một lượng nhỏ protein khoáng hóa từ nước bọt và trở nên cứng hơn, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới lợi. Lúc này, mảng bám đã tiến triển thành cao răng (vôi răng), và chỉ có thể đến các cơ sở nha khoa để loại bỏ mảng bám.

Phân loại mức độ nghiêm trọng của vôi răng

Dựa theo màu sắc và độ bám của vôi răng, người ta phân chia mức độ nghiêm trọng thành 4 cấp độ

Cấp độ 1

Vôi răng cấp độ 1 là cao răng giai đoạn mới hình thành. Mảng cao răng còn mỏng và có tông màu nhạt. Vôi răng cấp độ 1 có thể loại bỏ bằng cách chải răng đều đặn nhưng không thể làm sạch hoàn toàn.

Cấp độ 2

Vôi răng cấp độ 2 cứng và dày hơn nhiều so với cấp độ 1 nhưng màu sắc vẫn còn khá nhạt. Cao răng giai đoạn này đã bám chặt vào răng, phải dùng các dụng cụ chuyên dụng mới làm sạch được

Cấp độ 3

Vôi răng cấp độ 3 đã chuyển sang màu vàng sậm. Chúng thường xuất hiện ở mặt trong của răng, dày và cứng, khó loại bỏ.

Cấp độ 4

Cấp độ 4 là cấp độ nặng nhất, vôi răng chuyển sang màu sậm hơn, thậm chí màu đen. Chúng bắt đầu tấn công chân răng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng.

Cách điều trị cao răng

Cách duy nhất để điều trị vôi răng hiệu quả là đến gặp nha sĩ để loại bỏ vôi răng một cách an toàn bằng các dụng cụ chuyên dụng. Vôi răng có thể bong ra khỏi răng khi ăn một số loại thực phẩm hoặc chải răng quá mạnh. Điều này có thể để lại một vùng thô ráp hoặc sắc nhọn ở răng. Tự mình loại bỏ cao răng có thể làm hỏng răng và nướu của chính mình.

Bao lâu thì nên đi lấy vôi răng một lần ?

Lấy vôi răng là lựa chọn tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh nướu răng và các vấn đề răng miệng khác. Nếu bị tổn thương răng, hay hút thuốc hoặc mắc bệnh tiểu đường, lấy cao răng là điều nên làm. Tần suất lấy cao răng tùy thuộc vào mỗi người và khuyến nghị của nha sĩ. Thông thường, nên làm lấy vôi răng một năm 2 lần. Trong trường hợp bị bệnh nướu răng hoặc có nguy cơ mắc bệnh nướu răng cao sẽ cần lấy vôi răng nhiều lần hơn.

Cách giảm thiểu sự tích tụ vôi răng

Đánh răng 2 – 3 lần mỗi ngày mỗi lần khoảng 3 phút.

Dùng bàn chải đánh răng có lông mềm và kem đánh răng có florua vì fluor sẽ giúp sửa chữa hư hỏng men răng. Nên dùng thêm các sản phẩm làm sạch răng miệng có chứa hoạt chất triclosan có tác dụng chống lại vi khuẩn trong mảng bám.

Dùng chỉ nha khoa 2 lần mỗi ngày: Không nên dùng tăm để xỉa răng vì có thể gây chảy máu nướu và hở các kẽ răng. Thay vào đó, nên tập thói quen sử dụng chỉ nha khoa sau khi ăn để làm sạch răng và các kẽ hở.

Súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn, không chứa cồn 2 lần 1 ngày để giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mảng bám.

Tránh ăn các thức ăn nhiều đường và tinh bột, các loại nước uống có gas. Đây là các loại thức ăn góp phần hình thành mảng bám nhanh trong miệng.

Nên ăn các loại trái cây tự nhiên, các loại đường tự nhiên tốt cho sức khỏe răng miệng như đường xylitol, sorbitol.

Không sử dụng thuốc lá: Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ hình thành vôi răng cao hơn và cao răng hình thành cũng bám chắc hơn so với người bình thường.

Đến nha sĩ thường xuyên để kiểm tra và lấy cao răng định kỳ.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Sau lấy cao răng cần kiêng điều gì?

Lấy cao răng những đối tượng nào nên lấy, không nên lấy

Ê buốt răng khi ăn đồ ngọt, vì sao?

Có nên nhổ răng khôn mọc lệch?

Bệnh nha chu: Nguyên nhân, chẩn đoán

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook