Vườn ẩm thực Mai An Tiêm (TP. Bến Tre) vừa bị phạt 6 triệu đồng vì buôn bán đuông dừa cho thực khách.
Sáng 28/7, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Bến Tre) thông tin, cơ quan này vừa thực hiện xử phạt một nhà hàng vì hành vi buôn bán đuông dừa cho thực khách.
Nhà hàng vi phạm là vườn ẩm thực Mai An Tiêm (xã Thạnh An, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre), chủ vườn là ông Phạm Thế Hiển.
Ngoài mức phạt 6 triệu, cơ quan chức năng còn buộc ông Hiền cam kết không tái phạm.
Vườn ẩm thực Mai An Tiêm bị phạt 6 triệu đồng vì bán đuông dừa.Đây là trường hợp đầu tiên tại Bến Tre một nhà hàng bị xử phạt vì bán đuông dừa. Điều này vi phạm các quy định về hành vi kinh doanh, phát tán đuông dừa theo Khoản 5, Điều 19 Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
“Chúng tôi đã có đoàn kiểm tra do Chi cục chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT Bến Tre cùng Công an tỉnh Bến Tre kiểm tra một số nhà hàng, quán ăn hôm 21/7. Trong số những nơi đã kiểm tra có duy nhất một trường hợp Vườn Thực vật Mai An Tiêm vi phạm bán đuông dừa cho thực khách”, ông Nam thông tin.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết thêm, đuông dừa hiệm đang là một trong những sinh vật gây hại cho vườn dừa đã bị UBND tỉnh có quyết định cấm nuôi, phát tán.
Chủ địa điểm ăn uống này cho biết nguồn đuông dừa được dân địa phương cung cấp và nhà hàng bán lại cho thực khách với giá 10.000 đồng/con để làm mồi nhậu.
Từ khi Bến Tre cấm nuôi và phát tán đuông dừa, nhiều hộ dân đã sang tỉnh khác để nuôi hoặc thực hiện “nuôi công nghiệp” để đảm bảo nguồn cung cấp cho các nhà hàng.
Cách nuôi này không để phát tán kiến vương gây hại ra môi trường bên ngoài.
Tuy nhiên, trả lời Đất Việt, ông Nam cho rằng, không thể quản lý các hộ kinh doanh nuôi công nghiệp như vậy.
“Con đuông dừa có lợi cho một bộ phận nhỏ những người dân. Nhưng số còn lại trên 70.000 ha dừa của những bà con khác sẽ bị ảnh hưởng hết. Kiến vương có thể bay đi bất cứ đâu gây hại cho những gia đình không kiếm sống bằng cách bán đuông dừa và thiệt hại rất nhiều về kinh tế. Có nhiều người cho rằng, cứ ăn đuông dừa thì bổ nhưng không phải chỉ có một mình con đuông dừa mới bổ”, ông Nam nhận định.
Chi cụ trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết thêm, đặc trưng của địa phương là vùng trồng dừa, cây trồng đặc thù, từ Bộ và tỉnh đã có chỉ đạo cấm các hoạt động phát tán hoặc nuôi đuông dừa.
“Lần xử phạt này đối với vườn ẩm thực Mai An Tiêm chỉ mang tính chất răn đe, hạn chế chứ không có tính chất gây khó dễ cho các nhà hàng, quán ăn”, ông Nam nói.
Đuông dừa bổ cho sức khỏe?
Đuông dừa là một trong những sinh vật gây hại trực tiếp đối với cây dừa, là loài côn trùng gây hại nguy hiểm nhất cho cây dừa và khó phát hiện.
Cơ chế phá hoại của loài côn trùng này là đẻ trứng lên cây dừa. Sau đó trứng này phát triển thành con đuông đục khoét và ăn hết chất sinh trưởng trong cây dừa (cổ hũ dừa) khiến cây dừa chết.
Tuy nhiên, đuông dừa cũng được mệnh danh là “Đệ nhất đặc sản phương Nam” là một trong những sản vật Nam bộ tiến cống cho vua chúa triều Nguyễn.
Đuông dừa còn có thành phần protein khá lớn,có vai trò đặc biệt cho sức khỏe của nam giới như phát triển cơ bắp, tăng cường sinh lực đồng thời hỗ trợ chống lại kiệt sức và bệnh gan.
Ngoài ra, còn có một số lượng lớn tryptophan và tyrosin được xem là “ dưỡng chất tạo ra hạnh phúc” vì chúng tăng cường sự dẻo dai, giảm mệt mỏi, kéo dài sự hưng phấn, xua đi sự buồn bực, phiền muộn…
Trong thành phần chất béo của đuông, tỷ lệ acid béo rất cân bằng và dễ tiêu hóa. Trong đó có một lượng lớn Omega-3 giúp tăng cường trí nhớ và phòng chống các tai biến liên quan đến tim mạch, giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới.
Một trong những món chế biến đuông dừa “gây cảm giác mạnh” nhất là món đuông dừa ăn sống, cho vào bát mắm ớt khi vẫn “ngọ nguậy liên hồi”.
Video: Ăn đuông dừa sống ngọ nguậy trong miệng
Cúc Phương
Nguồn: Báo Đất Việt
Chưa có bình luận.