Quy trình giác hơi điều trị các chứng đau chuẩn, chống chỉ định, xử trí tai biến
Giác hơi là phương pháp phòng và chữa một số chứng bệnh thông qua dụng cụ là ống giác thường được làm bằng trúc, sành sứ hoặc thủy tinh. Nguyên lý chữa bệnh giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận, huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng sung huyết tại chỗ, có tác dụng phòng và chữa bệnh.
Giác chân không là dùng bơm hút khí trong lòng ống giác tạo áp lực âm.
Giác lửa là dùng lửa đẩy khí tạo áp lực âm.
Giác thuốc là dùng sức nóng của nước thuốc đuổi khí trong ống giác. Giác kết hợp châm là phối hợp châm cứu với giác.
Giác kết hợp chích lể là phối hợp hai quy trình giác và chích lể.
Giác hơi di chuyển là dùng giác có miệng ống trơn nhẵn di chuyển trên da vùng trị liệu đã được bôi trơn bằng dầu dừa, paraphin …
Chỉ định giác hơi: Điều trị các chứng đau
+ Đau mỏi các khối cơ, khớp
+ Đau lưng
+ Đau vai
+ Đau gáy
+ Đau cổ
+ Đau đầu
+ Đau dạ dày, thống kinh, đau mắt …
+ Cảm mạo, ho kéo dài
+ Béo phì
Chống chỉ định giác hơi
Vùng da đang viêm cấp, chấn thương, vết thương nhiễm khuẩn, vết thương hở, chỗ da thịt bị lở loét, mắc bệnh da toàn thân, u bướu, hoặc thân thể gầy còm, da thịt mất sức co giãn …
Không giác vùng trước tim, đầu vú và vùng bụng dưới khi có thai.
Giảm cảm giác da cảm giác nóng lạnh.
Người mắc bệnh thủy thũng
Người có bệnh tim, bệnh thận, phổi,
Những người có bệnh ưa chảy máu,
Người dễ bị xuất huyết dưới da, suy giảm tiểu cầu,
Người bệnh máu trắng
Phù toàn thân
bệnh tâm thần giai đoạn tiến triển, suy nhược thần kinh
Người bị suy nhược cơ thể quá mức,
Người bị giãn tĩnh mạch nơi giác,
Người bị co giật hoặc bị chuột rút, động kinh,
Phụ nữ đang hành kinh, đang mang thai
Người đang trong tình trạng say rượu, quá mệt mỏi, quá no hoặc quá đói…
Chuẩn bị con người và dụng cụ giác hơi
– Yêu cầu của người thực hiện:
Bác sỹ, y sỹ, lương y, kỹ thuật viên, điều dưỡng được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật khám bệnh, chữa bệnh.
– Trang thiết bị
Phòng thủ thuật riêng biệt hoặc tại buồng bệnh đảm bảo sự riêng tư.
Ống giác thủy tinh, ống giác tre (trúc) dài 6 – 9cm, các khẩu kính 3cm, 4cm, 5cm. Hoặc bộ giác hơi chân không.
Chất đốt: cồn từ 90 độ trở lên, bông thấm y tế, lửa (diêm hoặc bật lửa), paraphin hoặc dầu dừa, …
Kim châm cứu đã tiệt khuẩn: kim hào châm để châm cứu, kim tam lăng để chích nặn máu.
Bông tiệt khuẩn.
Găng tay y tế.
Cồn 700.
Panh có mấu.
Khay đựng dụng cụ.
Nước sắc bài thuốc cổ truyền phù hợp tình trạng bệnh lý của người bệnh, nồi và bếp đun, nước sạch, khăn bông sạch khô để thấm nước thuốc nóng ở miệng ống giác tre.
Hộp chống shock, thuốc trị bỏng (panthenol, …).
Thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Không giác lửa trong buồng, phòng có hệ thống cung cấp oxy.
– Thầy thuốc, người bệnh.
Thầy thuốc khám lâm sàng và làm bệnh án theo quy định. kiểm tra mạch, huyết áp người bệnh.
Người bệnh được hướng dẫn về tác dụng của giác, vị trí cần giác, cách phối hợp với thầy thuốc.
Quy trình giác hơi
Các bước tiến hành giác hơi
– Thủ thuật
Thực hiện thủ thuật ở phòng thủ thuật riêng biệt hoặc tại buồng bệnh đảm bảo sự riêng tư.
Người bệnh bộc lộ vị trí giác, nằm hoặc ngồi phù hợp.
Chọn ống giác phù hợp.
Dùng bông cồn 700 sát trùng miệng ống giác.
Giác lửa:
Dùng panh có mấu kẹp một cầu nhỏ bông thấm cồn 900 vừa đủ (vắt kiệt không chảy cồn), dùng diêm hoặc bật lửa đốt cháy bông rồi xoay cầu lửa sâu vào đáy ống giác 1 – 3 lần tùy ngọn lửa to hay bé, rút quả cầu lửa ra khỏi ống giác, sau đó úp nhanh miệng ống giác xuống vùng trị liệu, để miệng ống giác bị hút chặt.
Giác nước thuốc:
Cho nước sắc bài thuốc cổ truyền vào nồi đun sôi 2 -3 phút thả ống giác tre vào nước thuốc, tiếp tục đun sôi 2 – 3 phút.
Dùng panh có mấu gắp ống giác ra, miệng ống giác hướng xuống dưới, vẩy cho hết nước bám vào giác, lấy khăn sạch khô thấm cho khô miệng ống giác và làm giảm sức nóng của ống giác từ 40 – 50 độ C, sau đó ấn miệng ống giác xuống vị trí da nơi cần giác, miệng ống giác bị hút chặt.
Giác chân không:
Úp ống giác vào vị trí cần giác, sau đó dùng bơm, quả bóp hút khí trong lòng ống giác, tạo áp lực âm đủ để miệng ống giác bị hút chặt.
Giác hơi di chuyển:
Bôi dầu dừa hoặc paraphin lên vùng trị liệu.
Dùng panh có mấu kẹp một cầu nhỏ bông thấm cồn 900 vừa đủ (vắt kiệt không chảy cồn), dùng diêm hoặc bật lửa đốt cháy bông rồi xoay cầu lửa sâu vào đáy ống giác 1 đến 3 lần tùy ngọn lửa to hay bé, rút quả cầu lửa ra khỏi ống giác, sau đó úp nhanh miệng ống giác xuống vùng trị liệu, để miệng ống giác bị hút chặt.
Di chuyển ống giác trên da vùng trị liệu.
Nhấc ống giác, lau sạch vùng trị liệu.
Liệu trình điều trị
Ngày giác 1 đến 2 lần; mỗi lần từ 10 đến 15 phút
Một liệu trình từ 5 đến 7 ngày, tùy theo từng loại bệnh có thể thực hiện nhiều liệu trình, các liệu trình có thể liên tục hoặc ngắt quãng.
Theo dõi và xử trí tai biến khi giác hơi
– Theo dõi:
Toàn trạng người bệnh, các triệu chứng bất thường như choáng váng, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, vã mồ hôi.
Cảm giác căng, đau, nóng rát không chịu đựng được.
– Xử trí tai biến
Choáng, shock: Ngừng giác, xử trí shock theo phác đồ.
Cảm giác căng, đau, nóng rát không chịu đựng được: tháo giác.
Bỏng: xử trí bỏng theo phác đồ điều trị bỏng.
Chú ý: Mặc ấm sau khi giác, không giác hơi ngoài trời, nơi quá nóng hoặc quá lạnh, tránh gió lạnh, không tắm trong vòng 2 giờ sau giác hơi. Tuyệt đối không nên thực hiện giác hơi ngoài biển
Quy trình giác hơi điều trị các chứng đau chuẩn, chống chỉ định, xử trí tai biến
Yhocvn.net
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Giác hơi: nguồn gốc, sự phát triển, các kỹ thuật giác hơi
+ Vận động viên Mỹ dự Olympic chữa bệnh bằng giác hơi
+ Có bao nhiêu phương pháp giác hơi hiện nay, công dụng của giác hơi
Chưa có bình luận.