Do thiếu trang thiết bị, cộng với sự hạn chế trong trình độ hiểu biết của các bậc phụ huynh và cán bộ y tế về bệnh vòng mạc trẻ đẻ non (ROP)… nên không ít trẻ sơ sinh đã bị mù vĩnh viễn cả hai mắt.
2 phương pháp điều trị ROP hay dùng là laser và lạnh đông. Với nhiều ưu thế nên phương pháp laser đang được sử dụng rộng và mang lại kết quả khả quan. Tỷ lệ thành công khi điều trị bằng laser là khoảng 65% với hình thái nặng; khoảng 90 – 95% với hình thái trung bình.
Thiếu trầm trọng nhân lực và trang thiết bị
“Phải chuyển ngay cháu bị ROP rất nặng này tới Bệnh viện Nhi Trung ương để mổ ngay. Nếu không, cháu bé sẽ bị mù hoàn toàn”, BS. Nguyễn Xuân Tịnh, Khoa Mắt trẻ em, BV Mắt Trung ương khẩn trương thông báo về tình trạng của bé Lê Thuý Hạnh.
Vừa nghe tin, chị Lê Hải Hoà, mẹ cháu Hạnh, đang chờ ở phía ngoài Khoa Sơ sinh, bật khóc: “Em lo lăms, không biết sau mổ có ảnh hưởng đến thị lực của cháu không? Rồi phải chăm sóc bé thế nào? Khi sinh, bé nhà em mới được có 26 tuần tuổi và chỉ nặng có 800 g. Thực ra em mang song thai nhưng đẻ non, và đẻ rơi nên vừa mất một cháu rồi. Giờ còn mỗi cháu Hạnh, được 32 tuần tuổi nhưng nặng có 1,4 kg…”.
Theo Ths. BS Trần Diệu Linh, Phó Trưởng Khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương: “Đây là một trong rất nhiều trường hợp mắc ROP, một tình trạng bệnh lý của mắt thường gặp ở những trẻ đẻ non, nhẹ cân (dưới 2.000 g). Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời thì một tỷ lệ đáng kể có nguy cơ bị mù vĩnh viễn cả hai mắt. Đây là một nguyên nhân gây mù hàng đầu ở trẻ”.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày tại Khoa Sơ sinh có hơn 100 bé, trong đó từ 75 – 80 cháu là trẻ đẻ non. Việc chăm sóc các bé khá vất vả do cả khoa chỉ có 28 y tá và cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn khá khiêm tốn. Ví như trong chăm sóc trẻ đẻ non, việc kiểm soát nồng độ ôxy là rất quan trọng, trẻ đẻ non từ khỏe mạnh có thể trở thành mù loà nếu thở ôxy quá nhiều. “Để kiểm soát nồng độ ôxy tốt, cần có trang thiết bị chuyên dụng, có màn hình hiển thị nồng độ ôxy nhưng tại khoa chưa có chiếc máy nào như thế. Chúng tôi đang dùng 3 chiếc máy đo tay. Các y tá cứ phải cầm máy đo hết cháu này đến cháu khác, BS Linh tâm sự.
TS Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, nhờ được kiểm soát nồng độ ôxy tốt nên tỷ lệ trẻ đẻ non nằm điều trị tại BV mắc ROP rất thấp. Nhưng tại nhiều BV huyện, thậm chí có cả BV tỉnh đang rất thiếu hệ thống cung cấp ôxy, bộ trộn khí, máy theo dõi bão hoà ôxy qua da… “Chỉ có ôxy bình thôi thì không kiểm soát được nồng độ. Ôxy cũng là một loại thuốc, nhiều hơn không phải là tốt hơn nhưng quá ít thì lại đi kèm với các nguy cơ. Do đó bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, cũng cần tăng cường cơ sở vật chất và trang thiếu bị cho các cơ sở y tế”, TS Dung nhấn mạnh.
Tăng mẹ đẻ thường, giảm trẻ mắc ROP
TS Nguyễn Xuân Vịnh, BV Mắt T.Ư cho biết, do thiếu thốn về trang thiết bị, máy móc để chăm sóc và hồi sức sơ sinh, tỷ lệ mắc ROP ở ta cao hơn nhiều so với ở các nước phát triển. Tỷ lệ bị bệnh ở trẻ đẻ non (cân nặng dưới 1.500 g) vào khoảng 27,2 – 36,4%. Ở TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là 45,8%; còn tại Hà Nội, theo nghiên cứu của TS Tịnh và cộng sự, trẻ có cân nặng khi sinh dưới hoặc bằng 2.000 g là 37,8%.
Trên thực tế, không phải tất cả trẻ đẻ non đều mắc bệnh ở mắt, nhưng với những trẻ sinh càng non, quá nhẹ cân (dưới 1.600g) thì nguy cơ mắc ROP càng cao và bệnh càng nặng. Bởi lẽ, trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc (võng mạc là màng mỏng lót mặt trong thành nhãn cầu giúp ta nhìn thấy) xuất phát từ phần trung tâm phía sau rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc vào lúc trẻ được đủ tháng. Ở trẻ đẻ non quá trình này chưa hoàn thành. Khi các mạch máu phát triển một cách bất thường sẽ khiến trẻ mắc bệnh ROP.
Cách phòng tốt nhất là quản lý thai nghén tốt để hạn chế đẻ non. Khi trẻ đẻ non mà cân nặng thấp thì cần tuân thủ chế độ khám sàng lọc. Không nên chủ quan khi thấy mắt bé bên ngoài “có vẻ” bình thường. Với những trẻ có nguy cơ cao, lần khám đầu tiên là khi trẻ được 4 tuần sau đẻ. Thông thường nếu lần khám đầu tiên mà chưa phát hiện bệnh, hoặc bệnh còn nhẹ thì trẻ sẽ được hẹn khám lại 2 tuần một lần cho tới khi trẻ được 40– 42 tuần tuổi hoặc tới khi các mạch máu ở võng mạc phát triển một cách đầy đủ. Hiệu quả của điều trị bệnh sẽ tốt hơn nếu được phát hiện sớm. Nếu bệnh trẻ nặng ngay từ đầu hoặc được phát hiện quá muộn thì tất cả các phương pháp điều trị đều khó mang lại kết quả và nguy cơ trẻ bị mù vĩnh viễn cả hai mắt là rất cao”, BS Tịnh khuyến cáo./.
Chưa có bình luận.