Nhớ là tiến trình hoạt động của hệ tâm-thần kinh có chức năng lưu trữ thông tin được ghi nhận trong quá trình sống. Để thực hiện chức năng này não bộ phải trải qua các tiến trình lưu trữ như: ghi nhận, lưu giữ, ổn định bền vững, giải mã nhớ lại.
Quá trình thu giữ thông tin của trí nhớ theo thời gian có thể phân thành 4 loại như sau: Trí nhớ trực giác, trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ gần, trí nhớ xa.
Sự phát triển của trí nhớ
Trí nhớ là một sự kỳ diệu, nhiều bí ẩn. Nó tồn tại song song với sự sống của con người, nhưng ít khi được quan tâm, chăm sóc. Thậm chí, nhiều người thường nghĩ rằng trí nhớ của mình rất tệ, hay quên quên, nhớ nhớ, nhưng thật ra đó là điều bình thường, trí nhớ có thể phục hồi, nâng cao được.
Trong một giây, trung bình bộ não sinh ra lượng noron đủ để có thể tiếp nhận 10 đơn vị thông tin, và chúng ta cũng không bao giờ sử dụng quá được một nửa năng lực của nó.
Quá trình phát triển của hệ thần kinh từ trong phôi thai đến năm 25 tuổi thì hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị hủy đi và không sinh sản thêm.
Càng lớn tuổi cơ thể càng ít tạo các hóa chất trung gian cần thiết cho não hoạt động. Do đó người già luôn có vấn đề về trí nhớ và thường khó khăn trong việc lưu trữ thông tin, khó nhớ thông tin cũ.
Trí nhớ bắt đầu suy giảm từ tuổi 20?
Đúng vậy. Một nghiên cứu ở Mỹ cho rằng, trí nhớ bắt đầu suy giảm khi qua tuổi vị thành niên (sau 20 tuổi) và có thể trước nữa. Ngược lại, cuộc khảo sát này cũng đã cho thấy rằng vốn từ ngữ và khả năng nói trôi chảy lại tăng lên từ tuổi 70.
Hàng ngày, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trí nhớ như: hút thuốc, uống rượu, stress, cao huyết áp, lao động trí óc mệt mỏi, thức đêm… Tất cả những điều ấy vô tình huỷ hoại trí nhớ của chúng ta, làm con người đôi khi có “15 phút chập”, tình trạng lâu dài sẽ làm tổn thương não gây ra bệnh mất trí nhớ.
Liệu pháp nâng cao, phục hồi trí nhớ
Khoa học cũng nghiên cứu được rằng bằng nhiều phương pháp, tài sản vô giá này có thể được “củng cố” và tăng lên.
– Liên tưởng để nhớ dễ hơn những gì mới mẻ, xa lạ, khó nhớ…
– Thường xuyên hoạt động trí não: đọc sách, đi bộ, uống rượu vang, uống cà phê, ngủ, ghi chép lại, sống trật tự, có phương pháp, việc nào ra việc ấy, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ…
– Tập thể dục: Duy trì khả năng tư duy vì nó thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường cung cấp ôxy và dinh dưỡng cho não.
– Nên ăn nhiều trái cây, chất xơ, rau cải, hạn chế ăn nhiều chất béo và chất ngọt. Các loại đậu, vừng, trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho trí não. Chất đạm nên ăn vừa đủ theo nhu cầu. Chế độ ăn giảm muối sẽ làm giảm đáng kể huyết áp và do đó làm giảm tỉ lệ tai biến mạch máu não.
Suy giảm trí nhớ là bình thường hay bất thường?
Bình thường (do tuổi tác) với các biểu hiện:
– Khó nhớ tên một người mới gặp, quên một việc vừa dự định làm…
– Những kinh nghiệm và kiến thức ít bị ảnh hưởng, họ vẫn nhớ được những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu.
– Quên chỗ cất đồ vật.
– Ăn xong rồi lại bảo chưa ăn.
=> Bệnh nhân suy giảm trí nhớ do tuổi tác không phải dùng thuốc vì đây là một tiến trình tự nhiên của lão hóa. Cần áp dụng một số biện pháp giảm ảnh hưởng của suy giảm trí nhớ trong sinh hoạt, đồng thời rèn luyện hoạt động trí não: liệt kê danh sách những việc cần làm, lập thời gian biểu cho công việc hàng ngày để có một cuộc sống ngăn nắp, nề nếp, xây dựng những nguyên tắc trong sinh hoạt.
Bất thường (do bệnh lý) với các biểu hiện:
– Quên cách sử dụng những đồ vật đã từng dùng rất nhiều lần.
– Gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận thông tin mới.
– Thường xuyên lặp lại một câu hay một câu chuyện trong cùng một buổi trò chuyện.
– Gặp khó khăn trong việc chọn và giữ tiền.
– Không thể giữ nếp sinh hoạt thường ngày, hay làm những việc lộn xộn.
=> Với những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ do bệnh lý, cần điều trị theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa với các loại thuốc hỗ trợ thần kinh, thuốc ức chế men acetylcholinesterase để quá trình nhớ trở nên dễ dàng hơn.
Bình Nguyên
Chưa có bình luận.