Thứ Ba, 08/03/2016 | 12:46

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có rất nhiều người đã áp dụng thành công việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng nếu vì một số lí do nào đó, có thể từ phía mẹ hoặc phía con, mà việc bú sữa mẹ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con thì không nên lựa chọn phương pháp này. Sau đây là những trường hợp không nên cho con bú sữa mẹ.

Về phía mẹ

1. Mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm

Nếu mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan, viêm phổi, lao… thì không nên cho con bú để tránh cho con khỏi nhiễm bệnh từ sữa mẹ, đồng thời, mẹ cũng nên cách ly với con để tránh lây bệnh cho con. Khi nghi ngờ về trường hợp bệnh của mình, mẹ nên tư vấn bác sỹ để biết chính xác xem mình có thể cho con bú được hay không.

2. Mẹ mắc các bệnh viêm nhiễm cấp tính

Nếu mẹ mắc các bệnh viêm nhiễm cấp tính như cảm, sốt, tiêu chảy, quai bị… và đang phải uống thuốc thì tạm thời ngừng cho con bú vì các loại thuốc mẹ uống đã được chuyển hóa một phần vào sữa mẹ. Khi con bú, lượng thuốc đó sẽ vào cơ thể con và ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ phận nội tạng của con. Ngoài ra, nếu bệnh của mẹ có yếu tố lây nhiễm thì cũng nên cách ly mẹ và con để tránh lây bệnh cho con.

3. Mẹ mắc bệnh tim

Nếu mẹ mắc bệnh tim cấp độ 3 và 4 thì việc cho con bú phải được xem xét kỹ lưỡng. Từ trước đến nay, những bệnh nhân tim thường được khuyên là không nên xây dựng gia đình, mang thai, sinh con và cho con bú. Ngày nay, với những tiến bộ trong lĩnh vực y tế, bệnh nhân tim vẫn có thể kết hôn, mang thai, sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ nhưng phải được theo dõi, khám định kỳ để đề phòng các biến cố trong quá trình cho con bú.

4. Mẹ bị cao huyết áp

Mẹ huyết áp cao cũng không nên cho con bú. Khi mẹ bị bệnh huyết áp cao và phải dùng thuốc hàng ngày, một lượng thuốc nhỏ được chuyển hóa vào sữa, khi con bú, lượng thuốc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con. Nếu mẹ bị cao huyết áp mà muốn nuôi con bằng sữa mẹ, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của con.

5. Mẹ bị tiểu đường

Nếu mẹ mắc bệnh tiểu đường thì không nên cho con bú vì lượng đường thừa từ sữa mẹ làm thận của con phải hoạt động nhiều hơn bình thường để sản sinh thêm một lượng insulin hỗ trợ chuyển hóa lượng đường thừa đó, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thận và các nội tạng khác của con.

6. Mẹ bị tâm thần, động kinh

Nếu mẹ bị bệnh tâm thần, động kinh, chứng u uất sau sinh thì không nên cho con bú. Hầu hết phụ nữ sau sinh đều có triệu chứng rối loạn tâm lý, tùy vào từng người mà mức độ nặng nhẹ khác nhau, đa số những rối loạn này sẽ được người mẹ tự điều chỉnh hoặc thông qua sự giúp đỡ của người thân để trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nếu mức độ rối loạn tâm lý nặng dẫn đến trầm cảm, u uất, động kinh, tâm thần thì nên cách ly mẹ và con, không cho con bú để tránh nguy cơ không an toàn cho con khi mẹ mất kiểm soát hành vi của mình, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và hành vi của con.

7. Mẹ nghiện rượu, thuốc lá

Nếu mẹ nghiện rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác thì không nên cho con bú, vì khi đó trong sữa mẹ có một lượng nhỏ chất kích thích đã được chuyển hóa vào. Nếu bú phải sữa này, sự phát triển của con sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ như bị rối loạn tâm, sinh lý, chậm phát triển, thính giác kém, xương biến dạng, thận yếu…

8. Mẹ bị áp xe vú

Nếu mẹ đang bị áp xe vú thì không nên cho con bú. Hiện tượng áp xe vú xảy ra do nhiễm khuẩn tuyến vú, việc cứ tiếp tục cho con bú sẽ làm con bị nhiễm khuẩn từ sữa mẹ.

9. Mẹ đang mang thai có tiền sử sảy thai, đẻ non

Nếu mẹ đang mang thai con tiếp theo mà có tiền sử đẻ non, sảy thai, không tăng cân đủ hoặc hay bị chảy máu thì không nên cho con trước bú nữa vì việc cho con bú trong thời gian này sẽ làm gia tăng các nguy cơ trên, gây nguy hiểm cho mẹ và bào thai.

10. Mẹ đang xạ trị, hóa trị

Nếu mẹ đang điều trị i ốt phóng xạ, điều trị ung thư, hóa trị thì tuyệt đối không nên cho con bú. Khi đang được điều trị như trên, trong máu và sữa mẹ đều chứa thành phần của các hóa chất và thuốc đặc trị cho bệnh của mẹ, nếu mẹ vẫn cho con bú thì các hóa chất này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển các bộ phận trong cơ thể con.

11. Mẹ tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu

Nếu mẹ tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu thì không nên cho con bú vì có thể lúc này sữa mẹ đã bị nhiễm độc, nếu cho con bú, con rất dễ bị ngộ độc. Nếu mẹ tiếp xúc với hóa chất và thuốc trừ sâu khi đang cho con bú, thì tốt nhất là mẹ nên đi khám xem sữa có bị nhiễm độc không rồi mới quyết định cho con bú tiếp hay dừng.

Về phía con

Nếu con bị bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh như rối loạn chuyển hóa axit amin, rối loạn chuyển hóa axit hữu cơ, tăng propinonic máu, rối loạn chuyển hóa chu trình u-rê thì không nên cho con bú. Có rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi bú mẹ vì hiện tượng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.

Những hiện tượng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh này xuất hiện do di truyền hoặc đột biến nhiễm sắc thể ở trẻ. Hiện nay chưa có biện pháp nào phòng tránh được căn bệnh này. Để phát hiện và điều trị kịp thời, khi mang thai bà bầu nên khám sàng lọc, nếu thai nhi bị chẩn đoán rối loạn chuyển hóa bẩm sinh thì nên có những biện pháp can thiệp kịp thời, khi sinh ra phải đưa trẻ đến khu điều trị riêng và lọc máu, tuyệt đối không cho trẻ bú sữa mẹ và sữa ngoài. Gia đình nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện thăm khám khi có hiện tượng lạ như ngủ li bì, vàng da, co giật, trẻ đi vệ sinh có mùi lạ như khét, nồng giống mùi đường cháy.

Trên đây chỉ là một số trường hợp điển hình, tùy vào từng trường hợp cụ thể, các mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có những quyết định đúng đắn khi nuôi con bằng sữa mẹ. Trong trường hợp không thể nuôi con bằng sữa mẹ, việc lựa chọn sữa công thức là một trong những giải pháp để thay thế.

LT

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook