Thứ Năm, 21/04/2016 | 17:54

Mặc dù tay chân miệng là bệnh nhẹ, các triệu chứng sẽ tự khỏi song vẫn có thể tiến triển nặng với các biến chứng nguy hiểm nếu chăm sóc không đúng cách.

Mùa dịch bệnh tay chân miệng thường rơi vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, theo các chuyên gia y tế. Nếu như trẻ mắc bệnh không được điều trị kịp thời thì sẽ dễ gặp biến chứng nguy hiểm.

Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus cấp tính, lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa nên dễ lây lan thành dịch. Bệnh tay chân miệngkhông có thuốc điều trị đặc hiệu nên cách điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Bệnh thường diễn biến từ 1 tuần đến 10 ngày thì sẽ hết các triệu chứng.

Mặc dù là bệnh nhẹ và các triệu chứng sẽ nhanh chóng tự khỏi nhưng tay chân miệng có thể tiến triển nặng với các biến chứng nguy hiểm nếu như bố mẹ không chăm sóc trẻ đúng cách. Dưới đây là một số sai lầm thường gặp khi chăm trẻ mắc tay chân miệng có thể khiến tình trạng của trẻ nặng hơn.

Nhầm lẫn bệnh loét miệng với tay chân miệng

Thời điểm bệnh tay chân miệng miệng hoành hành thường là đầu mùa nóng, cũng là lúc nhiều trẻ bị lở loét miệng do nóng. Do trẻ mắc bệnh này trong miệng thường có những vết loét đỏ hay tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra tạo thành vết loét nên nhiều phụ huynh nhầm lẫn viêm loét miệng với tay chân miệng. Sự nhầm lẫn này có thể làm quá trình điều trị trở nên phức tạp và khó khăn hơn, thậm chí có thể làm tình trạng bệnh diễn biến khó lường do trẻ không được chăm sóc đúng cách.

Những sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhiều phụ huynh mắc phải

Ảnh minh họa

Trên thực tế, không quá khó để phân biệt bệnh loét miệng với tay chân miệng. Bố mẹ chỉ cần xem xét những bọng nước đó có xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối của trẻ hay không. Nếu là viêm loét miệng bình thường thì vết loét thường nhỏ, xuất hiện đơn lẻ hoặc thành từng đám ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi. Vết loét có màu trắng xám hoặc hơi vàng với quầng đỏ xung quanh.

Trong trường hợp không phân biệt được, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử trí thích hợp.

Không cách ly trẻ

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm dễ dàng từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi, họng, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không ý thức được điều này và vẫn cho trẻ đến lớp, chơi với trẻ khác khi con có dấu hiệu bệnh, dẫn tới dịch lây lan rộng hơn. Để phòng tránh dịch tay chân miệng lây lan rộng, trẻ bị bệnh cần được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Vệ sinh răng miệng sai cách

Khi bị tay chân miệng, các nốt phỏng mọc trong miệng là vấn đề đáng ngại nhất khiến trẻ đau không ăn được và không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng, từ đó dẫn đến nguy cơ bị bội nhiễm viêm nha chu, nấm miệng…

Những sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhiều phụ huynh mắc phải

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nếu vệ sinh răng miệng sai cách có thể làm vỡ các nốt phỏng, làm các vết loét nặng hơn và tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Một số phụ huynh dùng khăn sữa thấm nước muối để rửa răng miệng cho trẻ, tuy nhiên cách này làm tăng nguy cơ chạm vỡ các nốt phỏng rộp. Đó là chưa kể lau miệng cho trẻ bằng khăn sữa, gạc còn có thể vô tình đưa nấm ở bên ngoài vào miệng trẻ.

Cách vệ sinh tốt nhất theo khuyến cáo của các bác sĩ là sử dụng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ và khi ngủ dậy. Miệng trẻ có cơ chế tự làm sạch nên bố mẹ hãy cố gắng khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Đây là 2 cách làm sạch răng miệng nhẹ nhàng, hiệu quả mà không gây nguy hiểm.

Ủ ấm con quá mức

Trẻ bị tay chân miệng không cần kiêng cữ như nhiều người lầm tưởng. Các mụn nước ngoài da cũng chỉ cần vệ sinh 1 lần/ngày và không cần bôi thuốc. Bố mẹ lưu ý chỉ nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi con sốt trên 38,5 độ C. Cho con ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi khi trẻ sốt. Tránh ủ ấm quá mức vì có thể khiến trẻ ra mồhôi nhiều, làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Lạm dụng truyền nước

Nhiều phụ huynh có thói quen lạm dụng truyền nước cho trẻ khi con có bất kỳ dấu hiệu đau ốm nào.Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên lạm dụng truyền dịch cho trẻ vì cách này chỉ áp dụng khi trẻ có biểu hiện mất nước nặng như tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao.

Để tăng sức đề kháng cho trẻ, gia đình nên cho con uống nhiều nước trái cây như cam, bưởi để bổ sung vitamin C. Bổ sung thêm cho con các loại quả có màu đỏ, vàng như dưa hấu, cà chua, nước ép để cung cấp vitamin A, giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm lành nhanh các tổn thương.

Ngoài ra, với trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ nên bổ sung kẽm, một vi chất dinh dưỡng quan trọng giúp con nhanh khỏi bệnh hơn. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như hải sản, lòng đỏ trứng, thịt gà…

Dương Thùy

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook