Thứ Sáu, 01/07/2016 | 11:01

Phụ nữ mang thai sắp đến ngày sinh thường có tâm trạng bồn chồn theo dõi những dấu hiệu chuyển dạ, đặc biệt là những người mang thai lần đầu. Biết được những dấu hiệu chuyển dạ thực sự trước khi sinh con sẽ giúp bà bầu bình tĩnh và có quyết định kịp thời giúp cho quá trình chuyển dạ thành công, an toàn. Dưới đây là những dấu hiệu chuyển dạ trước khi sinh con bà bầu cần lưu ý.

Những dấu hiệu chuyển dạ thực sự trước khi sinh con

Dấu hiệu chuyển dạ thứ nhất: Thai phụ cảm thấy mệt mỏi, đi lại nặng nề

Khoảng 2 tuần cuối thai kỳ, áp lực của trọng lượng thai nhi lên ổ bụng và xương chậu nhiều hơn, nên thai phụ sẽ cảm thấy cơ thể rời rạc, lỏng lẻo, mệt mỏi, đi lại nặng nề, đau lưng, đau hông, dáng đi dạng chân sang 2 bên. Mặc dù dấu hiệu chuyển dạ này chưa rõ ràng nhưng thai phụ nên thận trọng trong những ngày này. Để tránh mất sức và xảy ra tai biến sản khoa, thai phụ nên nghỉ ngơi, vận động vừa phải. không đi xa nhà, kiểm tra lại hợp đồng, dịch vụ sinh với bệnh viện nơi sinh.

Dấu hiệu chuyển dạ thứ 2: Mức độ phù chân tăng lên

Khi gần đến ngày sinh, chân thai phụ sẽ bị phù hay còn gọi là “xuống máu”. Hiện tượng “xuống máu” là do trọng lượng thai nhi to, làm tăng áp lực đối với ổ bụng thai phụ, đầu thai nhi xuống thấp, chèn ép lên các tĩnh mạch vùng xương chậu thai phụ làm cho máu khó về tim, hoạt động bơm máu ở cơ chân cũng giảm. Đây chưa phải là dấu hiệu chuyển dạ ngay nhưng cũng báo hiệu cho thai phụ biết ngày lâm bồn đã gần kề. Để hạn chế hiện tượng phù chân, đảm bảo mọi cơ quan nội tạng hoạt động bình thường, thai phụ nên vận động, đi bộ hằng ngày, buổi tối trước khi đi ngủ nằm gác chân cao khoảng 5 đến 10 phút.

Dấu hiệu chuyển dạ thứ 3: Thai nhi “xuống bụng”

Khoảng 1 tuần trước khi sinh con, “bụng bầu” của thai phụ sẽ xuống thấp, mọi người hay gọi là “xuống bụng”. Hiện tượng “xuống bụng” là do thai nhi đang dần di chuyển xuống dưới để đầu lọt vào khung xương chậu, chuẩn bị cho quá trình “chui” ra khỏi bụng mẹ. Khi đi khám thai, thai phụ sẽ nhìn thấy rõ đầu thai nhi lọt vào khung xương chậu qua hình ảnh siêu âm. Trong những ngày này, người mẹ đôi khi có cảm giác con sắp bị tuột khỏi cửa mình. Dấu hiệu này cho thấy thai nhi đã nằm đúng vị trí để được sinh ra. Thai phụ nên cùng người nhà chuẩn bị những đồ dùng cần thiết khi đi sinh con ở bệnh viện.

Dấu hiệu chuyển dạ thứ 4: Độ xóa cổ tử cung đạt 100%

Cổ tử cung bình thường có hình trụ, chiều dài khoảng 30mm đến 50mm. Khi người phụ nữ mang thai, cổ tử cung sẽ dần mỏng và ngắn đi, hiện tượng này gọi là xóa cổ tử cung. Càng gần đến ngày chuyển dạ, độ xóa cổ tử cung sẽ dần đạt mức 100%, tức là chiều dài vốn có của cổ tử cung biến mất và trở thành một bộ phận dưới đáy của tử cung. Khi cổ tử cung xóa 100%, quá trình chuyển dạ sẽ bắt đầu. Dấu hiệu chuyển dạ này thai phụ không thể biết mà cần dựa vào kết quả khám thai. do đó, khi kết quả khám thai chỉ ra độ xóa cổ tử cung gần hoàn toàn là lúc quá trình chuyển dạ sắp bắt đầu.

Dấu hiệu chuyển dạ thứ 5: Dịch âm đạo ra nhiều hơn

Gần đến ngày chuyển dạ, do ảnh hưởng của nội tiết tố thai kỳ, dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn, nhầy dính, có màu như lòng trắng trứng gà. Đến khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, dịch âm đạo sẽ có lẫn chút máu, gọi là “máu báo”. Khi dịch âm đạo ra nhiều hơn là ngày chuyển dạ đã gần kề. Trong những ngày dịch âm đạo tăng tiết, thai phụ nên thường xuyên rửa vùng kín bên dưới sạch sẽ, mặc quần lót cỡ rộng, chất liệu thấm hút tốt để tránh bị viêm nhiễm phụ khoa. Khi thấy dấu hiệu chuyển dạ này, thai phụ nên làm nốt những việc cần thiết và chuẩn bị tâm lý để vào viện sinh con.

Dấu hiệu chuyển dạ thứ 6: Buồn đi vệ sinh

Khi sắp bắt đầu chuyển dạ, thai phụ sẽ buồn đi vệ sinh nhiều lần, khoảng cách các lần rất gần nhau. Có người vừa đi vệ sinh lần 1, cách 15 phút sau đi tiếp lần 2, và vừa đi xong lần 2, cách vài phút sau lại muốn đi vệ sinh tiếp. Lý do là lúc này thai nhi đã ổn định ngôi thai, đầu lọt vào xương chậu, tạo lực ép mạnh đến trực tràng tạo nên những cảm giác giống như cảm giác buồn đi vệ sinh. Đây cũng là một trong những dấu hiệu chuyển dạ trước khi sinh nhưng chưa phải là dấu hiệu cấp bách, cần căn cứ thêm vào những dấu hiệu dưới đây để xác định đã đến lúc chuyển dạ hay chưa. Những lúc buồn đi vệ sinh này, thai phụ nên đi vệ sinh ngay để tránh tình trạng ứ đọng phân, nước tiểu, làm chèn ép đường ra của thai nhi.

Dấu hiệu chuyển dạ thứ 7: Lâm râm đau bụng

Sau khi đi vệ sinh liên tục, thai phụ sẽ thấy bụng lâm râm đau như kiểu đau bụng kinh nguyệt. Hiện tượng đau bụng này là do đầu thai nhi đang xuống, thúc đẩy xương chậu mở ra, để quá trình chuyển dạ bắt đầu. Dấu hiệu chuyển dạ này cho thấy ngày chuyển dạ đã cận kề, chỉ trong vùng ngày một, ngày hai là quá trình chuyển dạ sẽ bắt đầu. Thai phụ nên kiểm tra lại những thứ chuẩn bị đem vào viện sinh con và vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi thư giãn chờ vào viện sinh con.

Dấu hiệu chuyển dạ thứ 8: Ra huyết hồng

Sau cơn đau bụng lâm râm, thai phụ thấy có nước ào ra ở cửa âm đạo. Nếu kiểm tra ngay lúc đó, thai phụ sẽ thấy một dịch nhầy có lẫn máu, màu hồng nhạt. Đây chính là nút chất nhầy đóng kín ở cổ tử cung trong suốt thời gian mang thai, cơn đau bụng co bóp tử cung đã làm bật cái nút chất nhầy này ra ngoài và quá trình chuyển dạ bắt đầu. Ra huyết hồng là một trong những dấu hiệu chuyển dạ thực sự trước khi sinh mà thai phụ tự nhận biết được. Khi thấy dấu hiệu này, thai phụ cần dừng tất cả mọi việc khác để vào viện sinh con.

Dấu hiệu chuyển dạ thứ 9: Ra nước ối

Nếu vỡ ối, tùy từng người mà lượng nước ối sẽ ào ra nhiều hoặc rỉ ra ít. Bình thường, nước ối không màu, không mùi. Nhưng khi bắt đầu chuyển dạ, nước ối chảy ra ngoài sẽ có mùi nặng hơn và màu đậm hơn. Nếu vỡ ối hoàn toàn, thai phụ sẽ có cảm giác nước ào ra nhiều, liên tục như “tè dầm”. Nếu chỉ rỉ ối, thai phụ sẽ có cảm giác nước rỉ ra như “són tiểu”. Dù trong trường hợp nào, khi nước ối bắt đầu chảy ra, thai phụ cần vệ sinh sạch sẽ, đóng băng vệ sinh để thấm hút, tránh bị nhiễm khuẩn. Ra nước ối là dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển dạ đã bắt đầu, thời gian sinh con chỉ còn tình bằng tiếng đồng hồ. Khi ra nước ối, nếu chưa nhập viện, thai phụ nên cùng người thân nhập viện để sinh con ngay, vì sau đó quá trình chuyển dạ sẽ diễn ra rất nhanh. Nếu đã nhập viện rồi, thai phụ cần nghỉ ngơi, làm theo hướng dẫn của bác sỹ sản khoa để quá trình chuyển dạ được thuận lợi.

Dấu hiệu chuyển dạ thứ 10: Cơn co thắt tử cung bắt đầu và có quy luật

Sau khi ra huyết hồng, nước ối, thai phụ sẽ thấy xuất hiện các cơn đau bụng do co thắt tử cung. Các cơn co thắt tử cung sẽ diễn biến theo quy luật, có thể kéo dài trong vòng 5 phút và lặp lại mỗi 30 phút. Thai phụ sẽ cảm thấy mỏi nhừ vùng thắt lưng. Cảm giác các cơn đau bụng như đau bụng hành kinh với mức độ đau tăng dần. Khi xuất hiện những cơn đau này thì quá trình chuyển dạ thực sự đã bắt đầu, thai phụ cần đảm bảo đã ở trong viện khi các cơn đau này xuất hiện. Các cơn đau này chính là những cơn đau đẻ.

Thai phụ cần lưu ý, trong suốt quá trình xuất hiện những dấu hiệu chuyển dạ trên đây, đôi khi thai phụ cũng thấy xuất hiện những cơn đau do thai nhi chèn ép vào tử cung, xương chậu. Những cơn đau này cùng với hiện tượng chuột rút tạo ra những cơn co thắt làm thai phụ nghĩ rằng mình sắp sinh nhưng đấy chỉ là dấu hiệu chuyển dạ giả, hay còn gọi là những cơn co thắt Braxton Hicks. Quá trình chuyển dạ chỉ thực sự bắt đầu khi tất cả các dấu hiệu trên lần lượt xuất hiện chứ không phải chỉ các cơn đau Braxton Hicks này.

Lời khuyên dành cho thai phụ khi thấy những dấu hiệu chuyển dạ trước khi sinh con

+ Thông báo cho người thân biết ngay tình trạng hiện tại;

+ Bình tĩnh, tắm rửa và vệ sinh vùng kín trên dưới sạch sẽ, đóng băng vệ sinh hoặc mặc bỉm để thấm hút dịch âm đạo chảy ra. Thường xuyên thay băng vệ sinh để giữ vùng kín bên dưới khô ráo, tránh bị nhiễm khuẩn;

+ Thai phụ cùng người thân xách đồ lên, đến bệnh viện nhập sinh ngay. Trên đường di chuyển từ nhà đến nơi sinh, thai phụ phải hết sức cẩn thận, đi lại nhẹ nhàng, chắc chắn để tránh vấp ngã, đề phòng các tai biến sản khoa.

Gần đến ngày dự sinh, khi cơ thể thai phụ xuất hiện những dấu hiệu trên thì thai phụ nên nghĩ ngay đến việc chuyển dạ chuẩn bị bắt đầu. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, thai phụ cũng phải hết sức bình tĩnh cùng người thân chuẩn bị nhập viện, thăm khám và đăng ký để sinh con. Trên đây là những dấu hiệu của quá trình chuyển dạ thông thường, áp dụng cho thai nhi từ 37 đến 40 tuần tuổi. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý khi thấy những biểu hiện chuyển dạ này ở tuần thai thứ 22 đến 36, vì thời gian này, nếu em bé được sinh ra sẽ bị sinh non; còn nếu mẹ bầu không thấy biểu hiện của quá trình chuyển dạ từ tuần thai thứ 41 trở đi, thì thai đã bị già tháng. Khi em bé bị sinh non hay sinh già tháng đều có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Chúc các mẹ bầu “vượt cạn” an toàn.

Thùy Khương

Nguồn: congioilam.com

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook