Chấn thương sọ não luôn là nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người. Tỷ lệ chấn thương sọ não thường tập trung ở những người bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Đôi khi chỉ cần một cú té ngã cũng làm cho sọ não bị chấn thương nhất là đối với trẻ em.
Cháu bé 18 tháng tuổi bị chấn thương sọ não do người cha ném cốc vào đầuSọ não chấn thương do té ngã
Theo báo cáo của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy mỗi năm Khoa Cấp cứu tiếp nhận 22.000 trường hợp chấn thương sọ não. Quả là con số không hề nhỏ mà tai nạn giao thông là nguyên nhân chính. Nạn nhân là người khi tham gia giao thông thiếu làm chủ tốc độ, phóng nhanh giành đường vượt ẩu. Lại có lái xe sau khi uống rượu bia đã không làm chủ được tay lái. Cũng có những bác tài không chấp hành Luật Giao thông gây tai nạn cho hành khách đi xe. Vì thế có những bệnh nhân bị chấn thương sọ não là do người khác gây ra một cách oan uổng. Hơn 70% bệnh nhân chấn thương sọ não ở BV Chợ Rẫy là do tai nạn giao thông. Người tử vong do tai nạn giao thông chiếm 60% trong đó một nửa đã chết trước khi được chở vào viện. Nói như vậy có nghĩa là ngoài tai nạn giao thông, còn có nhiều nguyên nhân khác làm cho sọ não bị chấn thương (chiếm gần 30%) ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống về sau của con người.
Tại các BV tỉnh hàng năm vẫn tiếp nhận các bệnh nhi chấn thương sọ não do trái cây trúng lên đầu. Đó là trường hợp cháu D.H ngụ tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã phải vào BV Hữu Nghị cấp cứu mà nguyên nhân người cha thả trái dừa lớn từ trên cao xuống mà không nhìn thấy đứa con trai đang chạy phía dưới.Sau khi bị té từ cầu thang xuống, cháu K. – SN 2012 là đứa con trai lớn của anh V. ngụ ở đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh tuy không bị trầy xước bên ngoài nhưng đến chiều lại nằm mê man và ngủ li bì. Biết là có chuyện chẳng lành, vợ chồng anh V. đã đưa cháu đến BV Nhi đồng 2 TP.HCM. Tại đây, sau khi thấy cháu hôn mê sâu và chụp CT, các BS kết luận cháu K. bị chấn thương sọ não do màng cứng trong não có tụ máu. Đó cũng là trường hợp của cháu gái 3 tuổi con chị L. ở P.Hiệp Bình Phước trong một lần đi bơi ở hồ bơi Mèo Mun đã bị té ngã do trơn trượt. Sau khi đập đầu xuống nền gạch cháu kêu đau và khóc nhiều nên chị đành chở cháu đến BV Thủ Đức để kiểm tra sọ não. Theo BS Võ Quốc Bảo – Trưởng khoa Hồi sức BV Nhi đồng 2 TP.HCM, trẻ bị chấn thương sọ não thường do tai nạn trong sinh hoạt như ngã cầu thang, té trong nhà tắm, rớt từ trên giường trên võng xuống. Cũng do chưa ý thức được sự nguy hiểm nên trẻ thường tự ý đi lại tự do nếu không có sự can ngăn của người lớn. Nạn nhân phần lớn là trẻ dưới 3 tuổi bắt đầu chập chững tập đi, chân tay chưa vững. Ở độ tuổi đi học trẻ bị chấn thương sọ não thường do tai nạn giao thông gây ra.
Cũng có khi trẻ đứng chơi tại chỗ mà cũng bị chấn thương sọ não là do bị các vật nặng như tủ, tường nhà, cánh cửa… đổ đè lên người. Đó là trường hợp cháu L.H.T. 3 tuổi đã tử vong oan ức sau khi bị tủ gỗ đựng quần áo đè lên người tại trường mầm non ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại TP.HCM cũng đã có trẻ ở Q.Gò Vấp và Thủ Đức bị cánh cửa và tủ gỗ đè lên người gây chấn thương sọ não và tử vong sau đó.
Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào thời gian
BS Đặng Ngọc Dũng – Khoa Ngoại BV Nhi đồng 2 cho biết, sau khi ngã nếu trẻ bất tỉnh hơn 1 phút thì cha mẹ nên đưa con đến BV ngay vì có thể bị chấn thương sọ não. Cũng có trường hợp sau khi ngã vẫn tỉnh táo nhưng sau một thời gian trẻ có biểu hiện khác lạ như ngủ nhiều, lơ mơ, dễ bị kích động hoặc bất tỉnh liên tục. Khi não bị chấn thương, trẻ nôn ói nhiều lần mà không có lý do. Một số cha mẹ chủ quan, không cẩn thận khi chăm trẻ và thiếu kiến thức coi thường các triệu chứng này dễ làm cho trẻ trọng bệnh hơn mà hậu quả là tử vong hoặc có những di chứng khó lường về thần kinh và não bộ. Cũng có khi người nhà không tìm ra được lý do vì không chứng kiến được tai nạn trước đó. Đây là những trường hợp trẻ bị té ở trường mầm non mà cô giáo cố tình giấu phụ huynh. Trong thực tế đã có chuyện thương tâm xảy ra vì thế nếu có sự cố ở trẻ, các cô giáo phải kịp thời trao đổi với phụ huynh dù đó là điều không muốn. “Khi bị chấn thương sọ não, bệnh nhân phải được đưa tới BV càng sớm càng tốt. Nếu điều trị sớm sẽ phục hồi nhanh và bình thường, ngược lại nếu quá muộn có thể bị tử vong hoặc mang di chứng nặng nề. Hiệu quả điều trị chấn thương sọ não phụ thuộc rất lớn vào thời gian cấp cứu” – BS Trần Minh Vinh – Khoa Chấn thương sọ não (BV Chợ Rẫy) khuyên.
Bài, ảnh: Quang Phan
Hai trường hợp đáng thương
Ngày 18-7, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã nhận ca cấp cứu bệnh nhi Nguyễn Phú T. (18 tháng tuổi). 3 ngày trước đó, do có mâu thuẫn với vợ, người cha cháu T. đã dùng cốc uống nước bằng sành ném vào trán của T. làm cho đứa con trai bị chấn thương sọ não. Cũng may chỉ bị tụ máu trong não nên sau đó cháu đã được các BS cứu chữa kịp thời. Đó cũng là trường hợp của một bệnh nhi 45 ngày tuổi ở Bình Thuận bị chấn thương sọ não với tình trạng xuất huyết dưới màng cứng bán cầu não bên phải kèm phù não. Nguyên nhân là khi được mẹ bế, người anh trai 3 tuổi đã hôn vào má đứa em mới sinh. Cú đụng đầu quá mạnh khiến em bé rơi vào tình trạng lơ mơ, da xanh tái, mắt trợn lên, thỉnh thoảng gồng người. Bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cấp cứu, sau đó chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 ở TP.HCM. Mấy ngày sau cháu bé trong tình trạng lơ mơ, phải thở máy. Nhờ các BS theo dõi sát và quyết định can thiệp đúng hướng nên cháu bé đã qua khỏi. Theo khuyến cáo của các BS Bệnh viện Nhi đồng 2, phụ huynh cần hết sức cảnh giác khi chăm trẻ, tránh các tác động mạnh có thể gây tổn thương cho em bé. Nhiều trẻ sơ sinh bị chấn thương não do người lớn bế trượt tay, bị các vật dụng trong nhà ngã đè…
P.N.Q
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.