Nhiều người cứ thấy mọc mụn trên mặt là nghĩ rằng mình bị… nóng gan, tự mua thuốc về bôi, uống. Phần đông người bệnh mắc sai lầm trong điều trị mụn trứng cá là do dùng thuốc lung tung, làm cho tình trạng mụn nặng thêm.
Điều trị mụn không đơn giản. Rất nhiều người mệt mỏi vì… mụn trứng cá!
Phải đeo khẩu trang
Mới đây, anh V.H.P. (19 tuổi, Đồng Tháp) đến khoa khám bệnh Bệnh viện Da liễu TP với khẩu trang che kín mít khuôn mặt. Anh cho biết bị mụn trứng cá đã lâu và nổi nhiều ở da mặt hai bên hàm, trên trán và cổ.
Do không tự tin khi ra đường với gương mặt nhiều mụn, anh P. luôn đeo khẩu trang để tránh cái nhìn của người khác.
Theo anh P., trước đây khi bị mụn anh thường tự mua thuốc bôi. Người bán thường bán cho anh một tuýp thuốc nhỏ, giá vài chục ngàn đồng và dặn thoa lên mặt, vùng có mụn vào mỗi tối. Anh P. không nhớ tên thuốc này nhưng đêm nào cũng đều đặn thoa như vậy.
Tuy dùng thuốc kéo dài nhưng mụn không giảm khiến anh luôn mệt mỏi, lo lắng. Lần này anh P. lên Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám chuyên khoa cho chắc ăn.
Nhiều sai lầm
Bác sĩ CK2 Trương Lê Anh Tuấn – trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Da liễu TP – cho biết người bị mụn trứng cá hay mắc sai lầm trong điều trị, làm cho tình trạng mụn trứng cá nặng thêm. Cụ thể là:
Không biết vệ sinh da đúng cách: khi da bị bụi bẩn bám vào sẽ kết hợp với bã nhờn làm bít các lỗ chân lông và từ đó da sẽ bị mụn trứng cá triền miên. Các bạn nữ có cơ địa da nhờn nếu để tóc dài phủ lên da trán cũng sẽ làm tăng bít tắc lỗ chân lông làm mụn trầm trọng thêm.
Do vậy, nên rửa mặt hai lần/ngày bằng sữa rửa mặt hỗ trợ điều trị mụn trứng cá theo chỉ định của bác sĩ da liễu để kiểm soát nhờn, ngăn chặn sự gia tăng, lan tỏa của mụn.
Không biết giữ ẩm cho da: da bị giảm độ ẩm sẽ kích thích sự tăng tiết bã nhờn. Khi sử dụng kem dưỡng ẩm theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp da cân bằng độ ẩm bên ngoài, giảm thiểu sự tăng tiết bã nhờn, hạn chế mụn phát triển.
Không uống đủ lượng nước cần thiết 2 lít/ngày: nước làm mát cơ thể, giúp hệ tuần hoàn của toàn cơ thể và ở da lưu thông tốt, giúp làm sạch da qua việc toát mồ hôi. Các độc tố trong cơ thể cũng được thải ra bên ngoài qua bài tiết, từ đó làm giảm nguy cơ gây mụn.
Dinh dưỡng chưa được cân đối và hợp lý: ăn quá mức cần thiết các chất bột, béo, ngọt và cay nóng sẽ khiến da gia tăng tiết bã. Nên ăn đủ các loại rau xanh, hoa quả để cơ thể có nhiều chất xơ và vitamin giúp tăng sức sống cho da.
Thức quá khuya: sẽ gây tăng tiết bã nhờn do gây xáo trộn chuyển hóa và nội tiết của cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe chung toàn cơ thể và làm tăng thêm mụn.
Hay dùng tay bóp nặn mụn trứng cá: nặn mụn không đúng cách sẽ gây nhiễm trùng, có khi gây nguy hiểm, gia tăng tình trạng bệnh.
Tự ý bôi các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ da liễu: các loại thuốc bệnh nhân tự ý bôi có thể làm nặng thêm bệnh, gây biến chứng hoặc di chứng lâu dài.
Thiếu kiên trì trong điều trị: khi thay đổi liên tục biện pháp điều trị, uống nhiều loại thuốc dễ đưa đến thất bại và có thể để lại hậu quả xấu. Vì vậy người bệnh cần được điều trị và theo dõi bởi các thầy thuốc lành nghề.
Tại hội nghị khoa học “Cập nhật về mụn trứng cá” do Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức cuối tháng 9-2016, TS.BS Nguyễn Trọng Hào – giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM – cho biết mụn trứng cá là bệnh da phổ biến ở cả nam và nữ, với tỉ lệ khoảng 85% thanh, thiếu niên bị mụn trứng cá.
Tại Bệnh viện Da liễu TP, trung bình mỗi năm có gần 90.000 lượt bệnh nhân đến khám vì bệnh này.
Điều trị phối hợp
TS.BS Lê Thái Vân Thanh – bộ môn da liễu Đại học Y dược TP.HCM – cho biết khi bị mụn trứng cá, người bệnh thường bị rơi vào tình trạng khó khăn trong việc kiểm soát bệnh vì đây là bệnh mãn tính của đơn vị nang lông – tuyến bã và việc đáp ứng với điều trị của bệnh lại rất thay đổi.
Ngoài ra, mụn trứng cá còn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như thay đổi hành vi xã hội, sự bất mãn về bản thân, thậm chí là tổn thương tâm lý.
Theo TS Nguyễn Trọng Hào, có ba nhóm biện pháp điều trị chính. Một là điều trị nhằm mục đích loại bỏ các thương tổn viêm hoặc không viêm hiện diện trên lâm sàng, đây là giai đoạn cấp của bệnh. Hai là điều trị duy trì làm giảm thiểu khả năng tái phát. Ba là điều trị hỗ trợ nhằm cải thiện các di chứng như sẹo và tăng sắc tố do viêm.
Ngoài thuốc kháng sinh còn sử dụng thuốc bôi kết hợp. Để kiểm soát lâu dài mụn trứng cá, thuốc bôi là lựa chọn tốt nhất nhờ khả năng tiêu nhân mụn và chống hình thành nhân mụn mới.
Bên cạnh những thuốc điều trị truyền thống, mỹ phẩm cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hỗ trợ điều trị với những tác dụng như làm sạch, dưỡng ẩm, giảm nhờn và chống nắng.
Tuy nhiên, mỹ phẩm cũng là yếu tố góp phần gây ra mụn trứng cá nên việc sử dụng phải đúng cách để tránh bị mụn thêm.
Sáu thể bệnh trứng cá
Mụn trứng cá thông thường: biểu hiện bắt đầu là tăng tiết bã nhờn ở da, sau đó xuất hiện nhân trứng cá (đầu đen), các sẩn, các mụn mủ. Kế tiếp là bọc đầu trắng, thương tổn thường thấy ở mặt, ngực, phần trên của lưng.
Mụn trứng cá bọc (nang): thương tổn là các nang màu sẫm dưới da, khi khỏi thường để lại sẹo, đây là thể nặng của trứng cá.
Mụn trứng cá cụm: biểu hiện bệnh đa dạng với cồi mụn, sẩn, mụn mủ, cục, ápxe và sẹo, thường ở vị trí lưng, mông, ngực; ít gặp hơn là bụng, vai, cổ, mặt, cánh tay và đùi.
Mụn trứng cá ác tính: là dạng mụn trứng cá rất nặng, thường gặp ở thiếu niên. Bệnh thường xuất hiện đột ngột với sang thương viêm, kích thước lớn và rất đau ở ngực và lưng (ít gặp ở mặt).
Sang thương nhanh chóng loét ra và khi lành sẽ để lại sẹo lõm hoặc lồi. Bệnh nhân thường sốt, bạch cầu tăng cao, đau khớp, đau cơ và các triệu chứng toàn thân khác.
Mụn trứng cá mạch lươn: là thể nặng nhất, tiến triển mãn tính đến nhiều năm sau tuổi dậy thì, trưởng thành, cần được điều trị đầy đủ và liên tục cho đến khi khống chế được bệnh.
Mụn trứng cá tuổi trung niên: biểu hiện là các sẩn mủ ở má, cằm.
LÊ THANH HÀ (TTO)
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.