Theo các chuyên gia, bộ phận bị đứt rời càng được khâu sớm tỷ lệ sống càng cao. Khi gặp sự cố, bệnh nhân cần được sơ cứu kịp thời và bảo quản bộ phận bị đứt rời đúng cách.
Sơ cứu tại chỗ
Về việc sơ cứu người bị đứt lìa một bộ phân cơ thể, TheoThS. Nguyễn Kiên Cường,Viện Y học Dự phòng Quân đội cho hay nạn nhân cần được sơ cứu theo các bước
– Kiểm tra đường thở, loại bỏ những cản trở đường khí đạo như bùn đất, đờm rãi, để đảm bảo nạn nhân có thể hô hấp được. Nếu nạn nhân không còn tự thở thì lập tức tiến hành ngay các biện pháp hồi sinh tim phổi bằng bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo.
– Cầm máu bằng cách tạo lực ép trực tiếp vào vết thương, tạo nên một áp lực chặt vào vết thương để cầm máu và kết hợp với nâng cao vùng bị tổn thương.
– Thực hiện các biện pháp phòng chống sốc, đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, ủ ấm cho nạn nhân bằng chăn hoặc vải. Nâng cao chân của người bị nạn lên cao khoảng 30 cm để ưu tiên cấp máu cho các cơ quan quan trọng. Không thực hiện thao tác này nếu nghi ngờ có tổn thương vùng đầu, tổn thương cột sống cổ, cột sống thắt lưng, tổn thương vùng chi dưới hoặc tư thế này làm nạn nhân cảm thấy khó chịu.
– Khi chảy máu đã được kiểm soát, cần kiểm tra phát hiện các dấu hiệu của tổn thương khác như tổn thương xương, và tiến hành các biện pháp sơ cứu khác phù hợp với tổn thương (nếu có).
Ngày 18/4, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã kịp thời phẫu thuật ghép nối thành công bộ phận dương vật bị cắt rời, cứu bé Nguyễn Văn L. (3 tuổi, ở Bắc Ninh) thoát khỏi nguy kịch. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống
Cách bảo quản bộ phận cơ thể bị đứt rời
Đối với bộ phận cơ thể bị đứt rời sau khi xảy ra tai nạn, theo thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng khuyến cáo, bạn nên bảo quản phần chi thể đúng cách để ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi.
– Cho phần chi thể đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín, có thể bọc trong miếng gạc.
– Đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C.
– Tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.
– Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, bạn nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
– Lưu ý, không dùng banh kẹp mạch máu, vì có thể gây nát đầu mạch máu, rất khó khi nối.
“Của quý” được nối liền có thể hoạt động bình thường?
Đại tá, TS.BS Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108,cho biết: “Việc phục hồi chức năng của bộ phận đứt lìa phụ thuộc nhiều yếu tố như mức độ tổn thương và chức năng của các bộ phận đó”.
Bộ phận này càng được khâu sớm tỷ lệ sống sẽ càng cao. Tuy nhiên khi gặp sự cố, không phải bệnh nhân nào cũng gần bệnh viện, lúc này, công tác bảo quản bộ phận đứt rời rất quan trọng.
Nếu bảo quản đúng kỹ thuật trong 6 tiếng đầu tiên, tỷ lệ sống tốt nhất. Từ 6-24 tiếng, tỷ lệ sống sẽ giảm đi theo thời gian. Ngoài ra, chúng ta còn cần phải đưa nạn nhân đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Phạm Anh
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.