Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) rất khó kiểm soát nhịp thở và dễ bị giảm tắc nghẽn đường hô hấp.
Sau đây là 5 bài tập dưỡng sinh ở tư thế ngồi để giúp bệnh nhân COPD tránh hụt hơi, tăng lượng khí vào phổi, tiết kiệm sức khi thở, cải thiện khả năng vận động và tăng kiểm soát xúc cảm:
Ảnh minh họa |
1. Xem xa xem gần
Ngồi tư thế hoa sen, hai bàn tay đan chéo và đưa lên trời, lòng bàn tay ngửa lên, đầu bật ra sau, mắt nhìn vào một điểm cố định. Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm). Đồng thời dao động thân qua lại từ 2-6 cái, thở ra triệt để, hạ tay nghỉ, làm 1-3 lần.
2. Để tay sau gáy
Ngồi hoa sen, hai bàn tay đan vào nhau để sau gáy, đầu bật ra sau, lưng thẳng. Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại từ 2-6 cái, thở ra triệt để, hạ tay nghỉ, làm 1-3 lần.
3. Co tay rút ra phía sau
Ngồi hoa sen, hai tay co lại rút ra phía sau ngực ưỡn; hai bàn tay nắm chặt, hai xương bả vai áp sát vào nhau. Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại từ 2-6 cái, thở ra triệt để, hạ tay nghỉ, làm 1-3 lần.
4. Bắt chéo tay sau lưng
Ngồi hoa sen, tay đưa ra sau lưng, một tay từ dưới lên, một tay từ trên xuống và bắt chéo nhau ở thắt lưng. Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại từ 2-6 cái, thở ra triệt để, hạ tay nghỉ, làm 1-3 lần.
5. Để tay giữa lưng, nghiêng mình
Ngồi hoa sen, hai bàn tay để sau lưng giữa hai xương bả vai, càng cao càng tốt. Hai bàn tay chồng lên nhau, lòng bàn tay hướng ra sau lưng, nghiêng đầu qua trái và cúi xuống đụng giường.
Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại từ 2-6 cái, thở ra triệt để, ép bụng, cùng lúc nghiêng đầu đụng giường phía bên kia, đổi bên. Tập như vậy 1-3 lần.
4 lưu ý nhỏ 1. Tuân thủ phác đồ điều trị COPD. 2. Chỉ tập trong giai đoạn bệnh đã ổn định Tập đều đặn mỗi ngày 3 buổi (sáng, trưa, tối), mỗi buổi 5 động tác, mỗi động tác tập 3 lần. Nên tập đều, thở đúng cách, không cần tập nhiều. Theo dõi định kỳ tối thiểu 2-3 tháng/lần, có các đánh giá chỉ số cận lâm sàng để điều chỉnh cách tập và cách thở thích hợp. 3. Trong 5 động tác, cần thở theo phương pháp 4 thời chủ động: – Thời 1: Hít vào tối đa, tùy theo sức của người bệnh. – Thời 2: Giữ hơi mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, đồng thời dao động thân để tăng cường thêm oxy, giúp sự trao đổi khí diễn ra một cách hiệu quả. – Thời 3: Thở ra triệt để (có ép bụng), giúp thải ra nhiều thán khí. – Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chuẩn bị cho động tác kế tiếp. 4. Thời gian giữa các thời không đều nhau, thời 2 lâu nhất. Tập chủ yếu nhóm cơ vùng lưng trên, bao gồm cả cơ ngực, bụng, cơ hoành. |
Bình Nguyên
Chưa có bình luận.