Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, ngủ ít không chỉ gây mệt mỏi mà còn là nguy cơ tiềm tàng của bệnh tim.
Chúng ta thường không chú ý tới “lịch trình” giấc ngủ của mình và chỉ đi ngủ khi thực sự cảm thấy buồn ngủ.
Nhưng việc ngủ ít thực tế lại gây ra những tác hại không ngờ tới hệ tim mạch của chúng ta.
Việc ngủ ít đã được chứng minh là gây nên những ảnh hưởng không tốt tới tim, và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc ngủ ít và huyết áp cao.
Mới đây, một nghiên cứu nhỏ đã được công bố trên tạp chí Hypertension chỉ ra rằng những giấc ngủ ngắn có liên kết với một số dấu hiệu tiêu cực, đặc biệt là khi những giấc ngủ ngắn này không nằm trong khoảng thời gian ban đêm bình thường.
Trong một nghiên cứu được tiến hành tại phòng thí nghiệm giấc ngủ của trường Đại học Chicago, 26 thanh niên khoẻ mạnh đã tham gia và được giao nhiệm vụ chỉ được có những giấc ngủ ngắn trong vòng 1 tuần liền, và chỉ với 5 giờ chợp mắt mỗi giấc.
Một nửa số người tham gia được ngủ vào giờ ban đêm như bình thường, nửa còn lại ngủ vào ban ngày, tương tự như những người công nhân làm ca đêm.
Các nhà nghiên cứu đã đo huyết áp, nhịp tim trong ngày, norepinephrine tiết niệu (một hóoc-môn căng gây căng thẳng, tăng huyết áp) và sự thay đổi của khoảng nghỉ giữa các nhịp tim.
Huyết áp không có sự thay đổi ở cả 2 nhóm, điều này có thể là do khoảng thời gian nghiên cứu còn ngắn nhưng tất cả các đối tượng được nghiên cứu đều có nhịp tim cao hơn vào ban ngày.
Nhóm những người ngủ ngày thì gặp phải những thay đổi tồi tệ hơn: norepinephrine tiết niệu cao lên, tăng nguy cơ cao huyết áp và nhịp tim ít thay đổi hơn khi ngủ.
Tác giả đứng đầu nghiên cứu, tiến sĩ Daniela Grimaldi – giáo sư trợ lý nghiên cứu tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho biết: “Có một nhận thức chung được biết đến đó là, việc nhịp tim giữa lúc thức và lúc ngủ ngày càng ít thay đổi là dấu hiệu của việc tăng nguy cơ về tim mạch.”
Grimaldi và những đồng nghiệp của mình đã đặc biệt quan tâm tới những gì họ thấy được ở giấc ngủ có pha sóng chậm bởi thông thường đây chính là giai đoạn giúp phục hồi nhanh nhất cho cơ thể.
“Khi huyết áp giảm và nhịp tim cũng giảm, điều này thực sự giúp cho cơ thể chúng ta có thể được phục hồi.”, Grimaldi đã lý giải cho điều đó.
Nhưng ở cả 2 nhóm bị giới hạn giấc ngủ này, thực tế nhịp tim đã tăng lên, đặc biệt là đối với nhóm những người ngủ vào ban ngày, điều này cho thấy ở những điều kiện như làm việc theo ca, cơ thể con người sẽ không có khả năng hoàn toàn được phục hồi.
Thay đổi giờ làm việc không phải là điều có thể thực hiện được ở tất cả mọi người, các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra liệu có cách nào giúp chống lại những tác động tiêu cực của làm việc theo ca tới tim.
Gramaldi đã phát biểu: “Cho tới nay, điều duy nhất chúng tôi có thể khuyến cáo mọi người đó là nên ăn những thực phẩm lành mạnh, hoạt động cơ thể đều đặn, cố gắng ngủ nhiều nhất có thể và giảm tối thiểu tất cả những hoạt động khác có thể dẫn tới nguy cơ tim mạch.”
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.