Chiều 5-11, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thông tin, TP hiện đã phát hiện ra 29 trường hợp dương tính với virus Zika. Tuy nhiên, trung tâm mới chỉ xác định được 25 trường hợp là ở TP.HCM, 4 trường hợp còn lại vẫn đang điều tra vì khi nhận mẫu xét nghiệm bệnh nhân khai địa chỉ ở TP nhưng chưa chắc ở địa bàn này.
Phun thuốc diệt muỗi là một trong những biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết và virus Zika được y tế khuyến cáoCần thông tin và các biện pháp hỗ trợ
Phường Phước Long B (quận 9) là địa phương đầu tiên công bố dịch virus Zika vào ngày 14-10 ở cấp quy mô phường, xã. Chị Hà Thị Kim Khánh (kế toán Công ty Sanex Marketing Việt Nam) cho biết, vợ chồng chị đang có kế hoạch mang thai và sinh con, nên rất lo lắng khi thiếu thông tin về dịch bệnh này. Chị Khánh thừa nhận, trong những ngày qua có nghe về dịch virus Zika và chỉ biết bệnh này có thể bị lây qua muỗi chích, nhưng không biết virus Zika còn có thể lây truyền qua đường tình dục, thậm chí còn ảnh hưởng rất lớn đến 3 tháng thai kỳ đầu tiên, làm teo não trẻ sơ sinh. Do đó, chị rất muốn trung tâm y tế phường tổ chức những buổi tuyên truyền hoặc phát tờ thông tin cho người dân, giúp người dân có thể chủ động phòng tránh và bảo vệ mình.
Trước thông tin dịch virus Zika đang có diễn biến phức tạp, chị Phạm Thị Thảo (công tác tại Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm, TP.HCM) hiện đang sinh sống ở phường Tân Thới Hiệp (quận 12), giáp ranh với phường Hiệp Thành. Đây là địa bàn có ca nhiễm virus Zika và cũng đã được công bố dịch cấp phường, xã vào ngày 18-10. Hiện chị đang mang thai ở tháng thứ 4, ở giáp ranh vùng có dịch virus Zika, lại thiếu thông tin về bệnh dịch, nên cách phòng tránh duy nhất chị làm được là xịt thuốc muỗi và mặc quần áo kín để tránh bị muỗi chích. Bây giờ chị đang rất lo khi biết thông tin phụ nữ có thai cần đi khám ít nhất bốn lần trong cả thai kỳ, trong đó thời điểm khám lần đầu cần được thực hiện càng sớm càng tốt ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Ngụ trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, thuộc xã Trung Chánh, chỉ cách ranh giới vùng dịch Hiệp Thành khoảng 2km, chị Nguyễn Thị Kim Loan cho biết, kể từ sau cơn mưa lớn ngày 26-9 đến nay, khu vực chị ở “muỗi ở đâu nhiều kinh khủng”. Để chống muỗi cho đứa con mới sinh chưa đầy tháng và 2 con gái tuổi mầm non, chị đã dùng vợt bắt muỗi và xịt tinh dầu để phòng muỗi đốt. Nói về nguyên nhân xuất hiện nhiều muỗi, chị Loan phỏng đoán có thể do nước ngập đọng nhiều ngày sau mỗi cơn mưa.
Không nên hoang mang
Việt Nam ghi nhận 36 trường hợp nhiễm virus Zika
Ngoài 29 trường hợp dương tính với virus Zika tại TP.HCM, trước đó, qua hệ thống giám sát, TP.HCM cũng phát hiện được 2 trường hợp nhiễm virus Zika ngụ ở Long An và Bình Dương. Như vậy, hiện 5 tỉnh thành có 7 trường hợp dương tính với virus này là Đắk Lắk (2), Bình Dương (2), Khánh Hòa (1), Phú Yên (1) và Long An (1). Cũng trong chiều 5-11, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: “Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.Cục Y tế dự phòng cho biết mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika. Vừa qua đã phát hiện trường hợp trẻ mắc dị tật đầu nhỏ mới nhất ở Đắk Lắk, nên trong thời gian tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới…”.
Minh Châu
Theo BS Lê Hồng Nga – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM), Quyết định 3792/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh do virus Zika” xác định, một ca bệnh do virus Zika được xem như là một ổ dịch và phạm vi xử lý được xác định là khu vực trong bán kính 200m từ nhà bệnh nhân.
Theo đó, các hoạt động xử lý ổ dịch được khởi động ngay sau khi có thông tin về ca bệnh. Nhân viên y tế dự phòng sẽ tiếp cận bệnh nhân để thông tin kết quả xét nghiệm, tư vấn trực tiếp và hướng dẫn phòng bệnh cho gia đình. Ngoài ra, công tác vãng gia truyền thông đến từng hộ sẽ được tiến hành trong phạm vi bán kính 200m từ nhà bệnh nhân, nhằm điều tra tình hình bệnh tại khu vực trong vòng 1 tháng trước đó, hướng dẫn người dân tự phòng bệnh và diệt lăng quăng, tự theo dõi sức khỏe bản thân và gia đình. Nếu phát hiện triệu chứng nghi ngờ, người dân nên thông báo cho trạm y tế để được tư vấn; đồng thời lập danh sách các thai phụ trong phạm vi ổ dịch để theo dõi sức khỏe và diễn tiến thai kỳ. Song song với việc vãng gia và diệt lăng quăng, ngành y tế cũng tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch 2 lần cách nhau 7-10 ngày. Hoạt động phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch nhằm giảm nhanh số muỗi truyền bệnh, hạn chế lây lan bệnh tại cộng đồng.
Để truyền thông tại hộ gia đình đạt hiệu quả, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã tập huấn và cùng tham gia với trung tâm y tế dự phòng quận/ huyện và cộng tác viên tại địa phương. Hoạt động vãng gia truyền thông phải tiến hành hàng tuần, ít nhất 4 tuần liên tiếp kể từ ngày nhận thông tin ca bệnh xác định. Tuy nhiên, thời gian này có thể kéo dài hơn nếu tiếp tục phát hiện ca nghi ngờ. Theo đó, danh sách thai phụ trong phạm vi ổ dịch sẽ chuyển cho trạm y tế phường xã để theo dõi thai kỳ và sức khỏe thai phụ.
Thông điệp truyền thông chính là “Phòng muỗi đốt – đặc biệt đối với thai phụ – diệt muỗi – diệt lăng quăng” sẽ được truyền tải đến từng hộ gia đình trong phạm vi ổ dịch. Song song với truyền thông vãng gia, các hoạt động truyền thông phòng lây bệnh cho toàn phường xã cũng được thực hiện trên toàn phường bằng phương thức lồng ghép với truyền thông phòng chống sốt xuất huyết.
Theo thông tin từ trung tâm y tế dự phòng TP, đến nay hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Tuy nhiên người dân, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Đồng thời mọi người, mọi nhà nên chủ động tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.
Vũ Phương
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.