Hệ vi sinh đường ruột tạo ra tính ổn định và khả năng đề kháng của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Vi sinh vật Hoa Kỳ mới đây cho thấy bệnh tự kỷ có liên quan đến những thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột.
Hệ vi sinh đường ruột bao gồm các sinh vật nhỏ bé được tìm thấy chủ yếu trong ruột non và ruột già. Hệ vi sinh đường ruột có vai trò hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra ổn định, đảm bảo chức năng tiêu hóa được diễn ra bình thường. Trong ruột có chứa khoảng 100.000 tỷ vi khuẩn gồm hơn 500 loài khác nhau, tạo thành một hệ cân bằng vi sinh đường ruột, trong đó có 85% là lợi khuẩn, 15% là hại khuẩn.
Tìm hiểu về bệnh tự kỷ
Bệnh tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorder) là một tình trạng liên quan đến sự phát triển của não ảnh hưởng tới cách một người nhận thức và giao tiếp với những người khác, gây ra những vấn đề trong tương tác xã hội. Rối loạn phổ tự kỷ bao gồm sự hạn chế và lặp đi lặp lại những khuôn mẫu hành vi. Thuật ngữ “spectrum” (phổ) trong tiếng Anh ám chỉ những triệu chứng đa dạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Rối loạn phổ tự kỷ bao gồm các tình trạng mà trước đây được phân ra một cách độc lập: tự kỷ (Autism), hội chứng Asperger (Asperger’s syndrome), rối loạn tan rã thời thơ ấu (Autism spectrum disorder), và một dạng rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu (Unspecified form of pervasive developmental disorder).
Triệu chứng tự kỷ của trẻ diễn thường diễn ra trong năm đầu đời. Một số ít phát triển bình thường trong năm thứ nhất và trải qua một thời kì thoái lui giữa 18-24 tháng tuổi, khi đó trẻ biểu hiện các triệu chứng tự kỷ. Đến thời điểm hiện tại y học vẫn chữa tìm ra phương pháp điều trị rối loạn phổ tự kỷ đặc hiệu, do đó việc phát hiện và điều trị sớm có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của đại đa số trẻ.
Quá trình nghiên cứu về căn bệnh này, các nhà khoa học đã phát hiện ra mối liên hệ giữa bệnh tự kỷ và hệ vi sinh đường ruột. TS Katherine Lozoupone cho biết “Kết quả của nghiên cứu cho thấy, hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò trong việc kích thích các triệu chứng ở trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ; củng cố thêm bằng chứng hệ vi sinh vật đường ruột có thể là một mục tiêu điều trị có giá trị cho trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ”.
Vai trò của trục não – ruột
Mối tương quan hai chiều giữa hệ thần kinh trung ương và hệ vi khuẩn đường ruột được gọi là trục não – ruột. Nhiều bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột không chỉ liên quan đến các bệnh đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của sức khỏe tâm thần. Đường ruột khỏe mạnh giữ vai trò nhất định đối với sự ổn định chức năng của hệ thần kinh trung ương. Ngược lại, tình trạng rối loạn hệ khuẩn vi khuẩn đường ruột và viêm ruột có thể gây ra một số bệnh lý tâm thần phổ biến điển hình là phản ứng căng thẳng, trầm cảm và tự kỷ.
Một số nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột là một yếu tố tích cực của trục thần kinh não – ruột. Hormon, các chất dẫn truyền thần kinh và các yếu tố miễn dịch giải phóng từ ruột có thể gửi tín hiệu đến não một cách trực tiếp hoặc thông qua hệ thống thần kinh tự chủ. Theo đó, hệ vi sinh vật đường ruột được xem là một cơ quan thực thể, không chỉ giúp tiêu hóa thức ăn mà còn trao đổi tín hiệu phân tử thông qua trục thần kinh não – ruột. Quá trình này cho phép chúng giao tiếp mật thiết với toàn bộ cơ thể.
Cơ chế ảnh hưởng của hệ khuẩn ruột đối với sức khỏe tâm thần
Sức khỏe tâm thần có thể bị tác động thông qua mối liên hệ tín hiệu thần kinh giữa hệ vi sinh vật đường ruột và não, bao gồm các đại phân tử của vi khuẩn như lipopolysacarit, peptidoglycan, flagellin; các sản phẩm từ quá trình dị hóa vi khuẩn như axit béo chuỗi ngắn, được bài tiết bên trong lòng ruột. Các yếu tố này có thể tương tác qua lại với não thông qua những con đường khác nhau, trong đó các tế bào của niêm mạc ruột đóng vai trò là chất trung gian:
Con đường chuyển hóa: Tín hiệu thần kinh được hấp thu bởi các tế bào ruột (tuyến ngoại bào) hoặc liên kết giữa các tế bào (tuyến nội bào) và bài tiết vào máu, sau đó đi qua hàng rào máu não.
Con đường thần kinh: Kích thích các tế bào thần kinh của hệ thần kinh ruột non và bộ phận phó giao cảm của hệ thống thần kinh tự chủ.
Con đường miễn dịch: Kích thích các tế bào miễn dịch đường ruột, điều chỉnh sự cân bằng của các cytokine và tạo ra tác động chống viêm, ảnh hưởng đến hoạt động của não.
Con đường nội tiết: Kích hoạt quá trình sản xuất neuropeptide bởi các tế bào nội tiết ruột.
Các sản phẩm của hệ khuẩn ruột có thể là các chất chuyển hóa hoặc các đại phân tử của tế bào như lipopolysacarit. Chúng có thể đến não thông qua quá trình máu, sau khi được hấp thụ bởi lớp biểu mô ruột, dẫn đến sự kích thích bài tiết của neuropeptide bởi các tế bào enteroendocrine; kích thích hệ miễn dịch đường ruột và sản xuất cytokine; kích thích các tế bào thần kinh của hệ thần kinh ruột non và hệ giao cảm của hệ thống thần kinh tự chủ. Với những phân tích trên cho thấy, cơ chế tác động của hệ vi sinh vật đường ruột đối với sức khỏe tâm thần được xác định thông qua đáp ứng của hệ thần kinh nội tiết và đáp ứng cảm xúc do căng thẳng. Vì vậy việc bảo vệ hệ vi sinh đường ruột là yếu tố quan trọng để bảo vệ cơ thể không mắc các căn bệnh như ốm vặt, tiểu đường, trầm cảm, tự kỷ…
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Cảnh báo: Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ
Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây rối loạn tự kỷ
Trẻ tự kỷ nên ở trong không gian xanh hoặc tím
Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và bệnh trầm cảm
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.