Tưởng những vết loét trong miệng đơn giản là do nhiệt nên không đi khám bác sĩ, nhiều người đã bỏ qua giai đoạn đầu của ung thư lưỡi và phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề.
Bệnh có xu hướng trẻ hóa
Theo thống kê, tỷ lệ ung thư lưỡi chỉ chiếm 0,8% – 1,5% so với toàn thân, chiếm 5% – 7,8% ung thư đầu cổ, chiếm 32,2% – 50,6% ung thư khoang miệng. Là một bệnh tương đối hiếm gặp, tuy nhiên, theo ghi nhận của bệnh viện K (Hà Nội), trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ ung thư lưỡi tăng gấp 3 lần các năm trước.
Nếu như ngày trước, ung thư lưỡi thường chỉ phát hiện ở những bệnh nhân tầm 60 tuổi thì thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ hóa bệnh đang có xu hướng gia tăng. Tại bệnh viện Ung bướu Tp.HCM, riêng năm 2014 đã có hơn 80 trường hợp dưới 40 tuổi đến điều trị căn bệnh này.
Ảnh minh họa |
Theo BS. Đặng Huy Quốc Thịnh (Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu): Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư lưỡi là hút thuốc lá và bia rượu. Các thống kê cho thấy, những người hút thuốc lá trên 25 điếu/ngày có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần những người không hút; những người uống trên 100ml rượu/ngày, nguy cơ ung thư lưỡi cũng cao hơn 5 lần so với những người không uống. Có lẽ, chính bởi lối sống gắn liền với rượu và thuốc lá của giới trẻ mà tỷ lệ người mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa và gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Ngoài hai nguyên chính trên, bác sĩ Thịnh cũng cho biết, ung thư lưỡi còn phát sinh do vệ sinh răng miệng kém, các chất bẩn tích tụ lâu ngày gây viêm vùng niêm mạc lưỡi. Quá trình viêm nhiễm nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành các yếu tố ung thư. Bên cạnh đó, bệnh cũng sẽ khởi sinh ở những người từng gặp chấn thương ở lưỡi, người làm răng giả không đúng kỹ thuật khiến lưỡi bị tổn thương….
90% phát hiện muộn
Ung thư lưỡi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có những kết quả khả quan, tuy nhiên, 90% số người tìm đến bệnh viện khi đã bị di căn.
Theo các chuyên gia, biểu hiện của ung thư lưỡi tương đối giống nhiệt miệng, đều xuất hiện những vết viêm loét ở lưỡi và niêm mạc miệng nên nhiều người cứ đinh ninh là mình chỉ bị nóng trong người.
Điển hình là trường hợp của anh V.T.T (32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội). Anh T. đến viện K khám trong tình trạng lưỡi bị viêm loét nặng nề. Theo lời kể của bệnh nhân này, anh bị như vậy đã vài tháng nay. Lúc đầu chỉ là những vết nhỏ, tưởng là nhiệt miệng nên anh đã tự mua thuốc và ăn các loại hoa quả, đồ uống mát. Sau một thời gian dài không khỏi, anh đến phòng khám gần nhà thăm khám. Vị bác sĩ này quan sát một hồi cũng kết luận: nhiệt miệng do nóng và kê thêm toa thuốc. Anh lại cặm cụi uống nhưng tình hình vẫn không thuyên giảm. Cuối cùng, vợ chồng anh quyết định tìm đến bệnh viện tuyến trung ương để chữa bệnh tận gốc. Qua một loạt các xét nghiệm, bác sĩ ở đây kết luận có dấu hiệu bị ung thư lưỡi và chuyển anh đến viện K. Điều đáng buồn là bệnh tình giờ đây đã được xác định là giai đoạn cuối và đã có dấu hiệu di căn hạch cổ.
Những người ung thư lưỡi ở giai đoạn cuối như anh K. thường rất khổ sở. Với khối u lớn ở trên miệng, người bệnh sẽ gầy rộc, không ăn, không nói được, lúc nào cũng trong tình trạng rên la đau đớn và phải dùng đến morphine để cắt cơn đau.
Đi khám ngay nếu vết loét sau 7 ngày không khỏi
Cũng như các bệnh ung thư khác, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân ung thư lưỡi thường không có cảm giác đau nên đa số thường không chịu đi khám bác sĩ.
Có người đi khám, nhưng lại chỉ khám ở các phòng khám tư nhân nơi thiếu các thiết bị chuẩn đoán bệnh. Đến khi uống thuốc không khỏi, nhai, nuốt, nói gặp khó khăn, họ mới đến các bệnh viện tuyến trên. Lúc này, bệnh thường đã quá muộn.
Các biện pháp xạ trị, hóa trị hay phẫu thuật cũng chỉ có thể kéo dài thêm thời gian sống vài tháng. Thế nên, theo khuyến cáo của bác sĩ Thịnh, nếu thấy vết lở loét trong miệng, lưỡi sau 7 không thuyên giảm thì phải đi khám ở các địa chỉ tin cậy ngay. Bởi lẽ, đây có thể là dấu hiệu của tiền ung thư mà nếu được phát hiện kịp thời thì cơ may chữa khỏi là vẫn có.
Dấu hiệu của ung thư lưỡi: – Đau lưỡi là biểu hiện đầu tiên bạn có thể cảm nhận được, nhất là khi nhai nuốt. Thời gian đầu cảm giác đau có thể qua đi nhanh chóng. – Trên bề mặt lưỡi xuất hiện những mảng trắng bám chắc vào da và ngày càng lan rộng. Chỗ này thường bị chảy máu mà không rõ lí do bởi nó rất mỏng, dễ bị tổn thương khi bạn nhai nuốt vật cứng. – Xuất hện vết loét nhỏ không phải do răng cắn vào lưỡi, vết loét này không lành lại được. – Khi bệnh ung thư phát triển sang giai đoạn trầm trọng thì bạn sẽ bị đau họng trong thời gian dài – Cảm giác tê lưỡi, đau tai, thay đổi giọng nói bất thường, lưỡi cứng, hôi miệng cũng là những triệu chứng không nên bỏ qua. |
An Nhiên
Chưa có bình luận.