Ba tháng cuối thai kỳ là khoảng thời gian cơ thể thai phụ thay đổi mạnh nhất do sự phát triển nhanh chóng của thai nhi. Để sinh ra một em bé khỏe mạnh, thông minh cũng như để có một thai kỳ chọn vẹn, thai phụ cần hiểu rõ những thay đổi của cơ thể mình và sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn này.
1. Sự thay đổi cơ thể của thai phụ ở ba tháng cuối
+ Ở ba tháng cuối thai kỳ, hình dáng thai phụ trông rất nặng nề và đồ sộ. Thai phụ tăng trung bình khoảng 6 đến 7,5 kg;
+ Bụng của thai phụ to lên nhiều do tử cung phát triển nhanh cùng với tốc độ lớn của thai nhi. Tử cung to sẽ đè và chèn ép các cơ quan khác trong cơ thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan này. Càng gần đến ngày sinh, bụng thai phụ càng xệ do thai nhi quay đầu xuống để hoàn thiện ngôi thai;
+ Hiện tượng rạn da xuất hiện nhiều ở các bộ phận như bụng, ngực, cánh tay, mông và đùi;
+ Sắc tố da thay đổi sậm màu hơn bình thường do sự gia tăng bài tiết estrogen và progesterone. Ở một số thai phụ xuất hiện nám da ở mặt. Hiện tượng nám da này sẽ giảm dần và hết hẳn sau sinh;
+ Thai phụ có thể gặp chứng giãn tĩnh mạch, mạch máu nổi to do sự gia tăng tuần hoàn máu nhằm cung cấp đủ máu cho thai nhi;
+ Đặc biệt, thai phụ có thể bị phù thai kỳ ở mắt cá chân, bàn tay và trên khuôn mặt. Nguyên nhân của việc này là do sự thay đổi nội tiết tố của thai phụ khi mang thai dẫn đến việc thận giữ muối, làm ứ đọng muối trong cơ thể và gây phù. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, sẽ giảm dần và mất hẳn sau sinh. Tuy nhiên, nếu hiện tượng phù trở nên nặng và tăng cân quá 2kg một tuần thì thai phụ cần đi khám để phát hiện và phòng tránh các tai biến sản khoa 3 tháng cuối thai kỳ như tiền sản giật, nhiễm độc thai nghén.
2. Sự phát triển của thai nhi ở ba tháng cuối
+ Trong những tháng cuối thai kỳ, trọng lượng thai nhi phát triển rất nhanh. Ở tuần 28 đến 32, trọng lượng thai nhi có thể tăng 500g một tuần, nhưng từ tuần 32 đến 35, tốc độ tăng chỉ còn 250g một tuần. Đến tuần 40, cân nặng thai nhi có thể đạt 3,4 kg;
+ Trong thời gian này, các bộ phận trong cơ thể thai nhi đang dần hoàn thiện để hình thành một cơ thể sống sống độc lập. Ví dụ, ở tuần 27, mắt thai nhi đã có thể mở to, phân biệt được ánh sáng với bóng tối; ở tuần 35, thính giác của thai nhi đã hoàn thiện; não và phổi của thai nhi trong 3 tháng cuối này cũng phát triển rất nhanh;
+ Ở những tháng cuối, trong hệ tiêu hóa của thai nhi có một chất màu xanh đen do các tế bào chết, lông tơ, chất bài tiết trong ruột, gan tạo thành. Khi chào đời, chất này sẽ được bài tiết thành phân, gọi là phân su;
+ Khoảng tuần 35 đến tuần 37, thai nhi sẽ quay đầu xuống ổn định ngôi thai trình diện trước eo trên khung xương chậu của thai phụ.
3. Những điều cần lưu ý
– Dinh dưỡng
Dinh dưỡng đầy đủ trong ba tháng cuối thai kỳ là điều rất quan trọng, bởi nó không chỉ cung cấp dưỡng chất cho sự phát triển của thai nhi mà còn giúp tích trữ năng lượng để thai phụ vượt cạn khỏe mạnh và an toàn. Vì vậy, thai phụ cần duy trì chế dộ dinh dưỡng bao gồm đầy đủ các chất như protein, chất béo, khoáng chất như sắt, canxi và chất xơ. Cụ thể như sau:
+ Protein cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và là dưỡng chất giúp hỗ trợ tiết sữa từ tuyến sữa của người mẹ. Protein có nhiều trong cá, thịt, sữa đậu nành, hạt dướng dương, hạt bí, hạnh nhân… Tuy nhiên, thai phụ cần tránh dung nạp protein trong thực phẩm chứa nhiều hàm lượng thủy nhân như cá thu, cá ngừ đóng hộp, cá kiếm…
+ Chất béo giúp cho sự phát triển trí não và hệ thần kinh khỏe mạnh của thai nhi. Chất béo có nhiều trong dầu ô liu, các loại hạt… Tuy nhiên, thai phụ không nên sử dụng những thức ăn chứa chất béo bão hòa trong thực phẩm chế biến như đồ ăn chiên, rán, xào…
+ Trong suốt quá trìnhmang thai, thai phụ bị thiếu hụt một lượng lớn sắt và canxi, do lượng hai khoáng chất này trong cơ thể người mẹ được dùng cho sự phát triển khung xương của con, do đó trong chế độ dinh dưỡng cho thai phụ 3 tháng cuối rất cần cung cấp đầy đủ sắt và canxi. Các thực phẩm giàu sắt và canxi là sữa đậu nành, đậu phụ, sữa chua ít béo, các loại rau lá xanh, nước cam, thịt bò, thịt lợn… Ngoài ra, thai phụ có thể sử dụng bổ sung viên sắt và canxi thai kỳ theo sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ sản khoa;
+ Những khoáng chất khác như ma-giê, i-ốt; các vitamin và chất xơ cũng là những dưỡng chất quan trọng đối với thai phụ và thai nhi trong 3 tháng cuối thai kỳ. Thai phụ có thể tăng cường vitamin, khoáng chất thông qua các thực phẩm như hoa quả, ngũ cốc, rau xanh… Việc tăng cường thực phẩm giàu chất xơ còn giúp thai phụ phòng tránh được hiện tượng táo bón thai kỳ.
– An toàn thực phẩm
Ngoài việc bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết trong thực đơn dinh dưỡng của mình, thai phụ cũng cần đảm bảo tính an toàn đối với những thực phẩm mình dung nạp để tránh nguy cơ bị ngộ độc gây nguy hiểm đến sức khỏe cả mẹ và con. Cụ thể như sau:
+ Nên ăn chín, uống sôi. Không ăn các thức ăn tái, gỏi;
+ Không sử dụng các thực phẩm, gia vị cay, nóng, các thức ăn kích thích sự co bóp của tử cung như ớt, măng, đu đủ xanh, ngải cứu, nhãn, dứa, sắn;
+ Hạn chế ăn nhiều, đặc biệt là các thực phẩm nhiều đường để tránh bị tăng cân quá nhanh, dễ dẫn đến tiểu đường thai kỳ;
+ Không nên ăn mặn, dễ gây ứ đọng muối, dẫn đến chứng phù thai kỳ;
+ Không nên ăn các thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn có chất phụ gia bảo quản để tránh bị dị ứng, ngộ độc, nhiễm độc thai nghén;
– Chế độ vận động
+ Duy trì chế độ tập thể dục đều đặn, vừa sức để tăng cường sức khỏe thai kỳ như đi bộ, thở yoga;
+ Đăng ký các lớp học tiền sản để học cách thở khi chuyển dạ, chuẩn bị tâm lý cho quá trình chuyển dạ thuận lợi, an toàn;
+ Không nên đi xa trong những tuần gần sinh, vì cơn chuyển dạ có thể đến bất kỳ lúc nào trong ngày;
+ Với những thai phụ làm việc văn phòng thì không nên ngồi một chỗ quá lâu mà thỉnh thoảng nên đứng lên đi lại nhẹ nhàng để giảm áp lực cho lưng và bụng.
– Khám thai
Khám thai định kỳ sẽ theo dõi được tình hình sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, việc khám thai định kỳ trong những tháng cuối thai kỳ sẽ giúp phát hiện và điều trị kịp thời các dấu hiệu tai biến sản khoa. Từ tuần thai thứ 27 đến tuần thai thứ 35, thai phụ nên khám thai định kỳ 2 tuần 1 lần, từ tuần thai thứ 36 đến trước sinh, thai phụ nên khám thai định kỳ 1 tuần 1 lần.
Trong mỗi lần khám thai trên, thai phụ sẽ được tiến hành thăm khám như sau:
+ Được hỏi thăm về sức khỏe, tâm sinh lý của mẹ và sự chuyển động, phát triển của con;
+ Được kiểm tra cân nặng; đo chiều cao cơ thể; đo huyết áp;
+ Được kiểm tra triệu chứng phù ở bàn tay, mắt cá chân, khuôn mặt;
+ Được xét nghiệm máu, nước tiểu;
+ Được siêu âm thai để kiểm tra tình hình phát triển của thai nhi, theo dõi nhịp tim thai;
+ Được đo kích thước bụng để chẩn đoán kích thước và vị trí của thai nhi, đo khoảng cách giữa xương mu và chóp tử cung để chẩn đoán tốc độ tăng trưởng của thai nhi;
+ Ở tuần thai thứ 35 đến 37, thai phụ được bác sĩ sản khoa khám bằng tay qua đường âm hộ để xác định ngôi thai khi sinh;
Trước khi ra về ở các lần khám thai trên, thai phụ nhận các kết quả khám, xét nghiệm, gặp bác sĩ để trao đổi những vẫn đề về dinh dưỡng, vận động, thai giáo, phòng tránh tai biến sản khoa và chuẩn bị trước sinh.
– Thai giáo
+ Ba tháng cuối thai kỳ là thời điểm lý tưởng để thực hiện thai giáo theo hình thức bố mẹ trò truyện cùng thai nhi, bố mẹ đọc truyện cho con nghe. Vì ở ba tháng cuối này, não thai nhi phát triển mạnh mẽ và đã có khả năng ghi nhớ. Thính giác thai nhi cũng đã hoàn thiện ở tuần thai thứ 35;
+ Chính vì thính giác thai nhi đã hoàn thiện ở tuần thứ 35, nên thai phụ cần hạn chế đến những nơi có tiếng ồn mạnh để tránh gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Không những thế, bố mẹ cần tạo môi trường âm thanh có lợi cho sự phát triển của con, tiếp tục cho con nghe nhạc qua tai nghe bà bầu để kích thích sự phát triển trí não của con. Mẹ nên cho con nghe các bản nhạc nhẹ nhàng, du dương. Trong quá trình cho con nghe nhạc, mẹ nên thư giãn cùng con và tập trung để cảm nhận cảm xúc của con. Nếu con thích, sẽ lắng nghe và có hoạt động nhẹ nhàng, ngược lại, nếu không thích, con sẽ có những hành động đột ngột như đạp, cử động mạnh chân, tay. Những lúc ấy, mẹ nên chuyển bản nhạc khác hoặc dừng lại và xoa bụng nhẹ nhàng. Đây cũng cách giao tiếp với con, giúp con cảm nhận được tình mẫu tử, tăng cường sự gắn kết giữa mẹ và con.
Ba tháng cuối thai kỳ là khoảng thời gian thai phụ gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu khi mang thai, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý và sinh hoạt hàng ngày. Những triệu chứng khó chịu này là thay đổi tâm sinh lý tự nhiên do hoóc môn thai kỳ chi phối, nó sẽ giảm dần và mất hẳn sau sinh. Vì vậy, thai phụ không nên căng thẳng tinh thần, lo lắng quá mức làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe hai mẹ con. Thời gian ba tháng cuối thai kỳ và đặc biệt là trước ngày dự sinh 1 tháng, thai phụ nên chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết cho mẹ và con khi đi sinh ở bệnh viện cũng như ở nhà sau sinh.
Hi vọng với những chia sẻ của bài viết này, thai phụ có thể chăm sóc tốt cho bản thân và thai nhi trong suốt thời gian ba tháng cuối thai kỳ. Chúc các thai phụ có một cuộc hành trình “vượt cạn” mạnh khỏe, an toàn.
Thúy Nga Lương
.
.
Nguồn: congioilam.com
Chưa có bình luận.