Thứ Hai, 14/11/2016 | 16:30

Nôn có thể nguy hiểm nhưng cũng có thể chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường. Bởi vậy, khi chưa xác định rõ nguyên nhân thì lời khuyên tốt nhất cho bạn là: Hãy-nói-không-với-thuốc-chống-nôn!

Nôn đâu… uống đấy

Nhiều người có thói quen uống thuốc chống nôn bất cứ khi nào có triệu chứng buồn nôn. Họ cho rằng, làm như thế sẽ giữ cho thức ăn không bị “tống” ra ngoài, giúp cơ thể tránh mệt mỏi. Thực chất, nôn là biểu hiện chung của nhiều bệnh lý mà thuốc chống nôn không những “bất lực” mà còn trở thành “kẻ gây hại”.

Thông thường thuốc chống nôn dùng để điều trị nôn ói do: rối loạn vận động, chóng mặt, xạ trị hay tác dụng phụ của một số thuốc. Ngoài ra, một số loại dùng để điều trị nôn ói nặng trong thai kì (tuy nhiên, phải hết sức thận trọng). Bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn ít khi được chỉ định dùng thuốc vì lúc này nôn là một phản xạ có lợi giúp cơ thể tự giải thoát khỏi các chất gây hại.Trước hết, nôn có thể là một biểu hiện của các bệnh ở ống tiêu hóa và ổ bụng như: viêm dạ dày hoặc ruột cấp, viêm ruột thừa, viêm màng bụng… Ngoài ra, các bệnh lý ngoài ổ bụng như: viêm não, viêm màng não, u não, xuất huyết não – màng não (tại hệ thần kinh trung ương), bệnh lý hệ thận – tiết niệu, hoặc nhiễm khuẩn tại đường hô hấp trên… đều có chung biểu hiện là nôn.

Do đó, các bác sĩ cho biết, việc tự ý dùng thuốc chống nôn có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là bỏ sót hoặc làm che lấp mất triệu chứng của một bệnh nguy hiểm nào đó. Để dùng thuốc, cần có chỉ định chính xác của bác sĩ sau khi đã xác định nguyên nhân và cơ chế gây nôn, chẩn đoán hoặc loại trừ được các bệnh lý nguy hiểm.

Những ai cần lưu ý

1. Trẻ nhỏ

Nôn là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Nó có thể là dấu hiệu bệnh lý, nhưng trong nhiều trường hợp chỉ là dấu hiệu sinh lý. Vì quá lo lắng nên nhiều cha mẹ đã tự ý cho trẻ uống thuốc chống nôn (thậm chí là cho uống tăng liều) mà không lường trước được hậu quả.

Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, ngộ độc thuốc chống nôn đứng đầu trong các trường hợp ngộ độc thuốc ở trẻ em, trong đó, chủ yếu là trẻ dưới 1 tuổi, tiếp đến là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trẻ bị ngộ độc thuốc chống nôn thường có dấu hiệu: ưỡn người, gồng người, co giật, lè lưỡi, vẹo cổ, mắt nhìn lên, cơn xoay mắt bất thường, bỏ bú, rối loạn nhịp thở… Cha mẹ cần đưa trẻ vào bệnh viện ngay khi có các biểu hiện trên để được cấp cứu kịp thời, tránh những tai biến đáng tiếc.

2. Phụ nữ mang thai

Có tới 90% thai phụ có cảm giác nôn và buồn nôn trong những tháng đầu của thai kì, sau đó giảm đi ở tuần thứ 14 nhưng vẫn có trường hợp kéo dài đến tuần thứ 20, thậm chí đến cả trước khi sinh. Tuy nhiên, việc dùng thuốc chống nôn cho bà bầu cần hết sức thận trọng, nhất là khi mắc bệnh viêm dạ dày, viêm tụy, viêm ruột thừa… Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể về tác hại của thuốc nhưng các bác sĩ lưu ý thai phụ không nên dùng domperidon và tránh dùng diphenylhydramin trong 3 tháng cuối của thai kì.

Việc dùng thuốc chống nôn cho thai phụ chỉ là bất đắc dĩ trong trường hợp bị nôn quá nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, có nhiều cách không cần dùng thuốc mà thai phụ có thể áp dụng để đẩy lùi triệu chứng này như: dùng gừng tươi (pha nước nóng uống), uống vitamin B6 (5mg/ngày), ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh uống quá lạnh hay ăn nhiều chất ngọt, tránh ăn các thức ăn hoặc gia vị có mùi mạnh, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý…

Các thuốc chống nôn thông dụng được chia làm hai nhóm chính:

+ Nhóm tác động vào trung tâm nôn (trên hệ thần kinh trung ương) gồm các thuốc như: Vogalene, Plitican, Kytrin, Zophren, Scopoderm…

+ Nhóm chống nôn và trào ngược bằng cách điều hòa sự co bóp của đoạn đầu ống tiêu hóa như: Prepulsid, Motilium, Primperan…

Hồng Đức

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook