Thứ Hai, 04/11/2019 | 12:55

Dùng thuốc đúng cách để điều trị bệnh về mắt hiệu quả

Có những bệnh mắt mà người bệnh chỉ cần dùng một loại thuốc, nhưng có những khi bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt, tra mắt phối hợp mới có thể khỏi bệnh. Sử dụng đúng cách, đúng liều lượng là điều bắt buộc để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Đường dùng:

Đường toàn thân: 

Chỉ dùng khi bệnh nặng vì thuốc ngấm vào nhãn cầu rất kém do có hàng rào máu – mắt. Một ví dụ như kháng sinh chẳng hạn, nồng độ kháng sinh trong thuỷ dịch chỉ có thể đạt mức 10 – 20% nồng độ kháng sinh trong máu.

Đường tại chỗ:

Đây là đường dùng chủ yếu, tiết kiệm thuốc và đạt hiệu quả cao trong nhãn khoa. Nhóm thuốc có tác dụng tại chỗ có ưu điểm là thuận tiện, dễ sử dụng. Khi nhỏ hoặc tra mắt, dược chất sẽ tập trung chủ yếu ở mắt, chỉ có một phần rất nhỏ hấp thu vào tuần hoàn máu, ít ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, vì thế hạn chế được nhiều tác dụng phụ.

+ Tra mắt, rỏ mắt:

Tra mắt là danh pháp dùng cho thuốc mỡ, nhỏ hoặc rỏ mắt là dùng cho thuốc nước.

Dung dịch thuốc rỏ mắt, là những chế phẩm được pha chế tương tự thuốc tiêm có nghĩa là đảm bảo vô trùng, độ pH trung tính (lý tưởng nhất là 7,4 – bằng với pH nước mắt), áp lực thẩm thấu ở khoảng 300mosmol tức là cũng tương đương với áp lực thẩm thấu của nước mắt. Các thuốc tra mắt dạng mỡ, dạng nhũ tương cũng vậy và thêm nữa phải có độ mịn rất cao của tá dược để tránh kích thích cho mắt. Vì yêu cầu vô trùng mà các thuốc rỏ mắt chỉ được phép dùng trong một giới hạn thời gian nhất định sau khi đã mở niêm phong.

Thuốc rỏ mắt chiếm trên 70% các chế phẩm thuốc dùng cho mắt. Thuốc này được sử dụng để nhỏ vào túi kết mạc. Một lọ thuốc nhỏ mắt có thể chứa một hay nhiều dược chất. Thông thường, các dung dịch thuốc rỏ mắt được dùng vào ban ngày. Nếu có nhiều loại thuốc được kê đơn cùng thời điểm thì việc rỏ mắt sẽ được tiến hành theo vòng tròn, mỗi loại thuốc được rỏ cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Một ngày rỏ được bao nhiêu vòng tròn tức là mỗi loại thuốc được rỏ bấy nhiêu lần. Mỗi lần rỏ mắt chỉ cần 1 giọt thuốc vì chỉ có 20% khối lượng của giọt thuốc ở lại mắt.

Khi rỏ mắt chỉ cần vành mi để cho giọt thuốc rơi vào đúng vùng kết mạc nhãn cầu góc trong hoặc kết mạc nhãn cầu phía dưới. Cũng có thể dùng cách kéo mi dưới trong khi bệnh nhân liếc mắt lên trên, giọt thuốc sẽ rơi đúng vào kết mạc túi cùng dưới mà không cần sự trợ giúp của nhân viên y tế. Để cho lọ thuốc không bị ô nhiễm nhanh hỏng cần tránh chạm đầu rỏ giọt của lọ vào bất cứ đâu, kể cả lông mi của bệnh nhân.

Thuốc mỡ được bào chế đặc, dạng tuýp để tra vào mắt. Nhiều người không thích dùng thuốc mỡ tra mắt vì sau đó mắt khó mở, mắt có khi bóng nhãy… Tuy nhiên thuốc mỡ lại có những ưu điểm của nó như: thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc mắt kéo dài, ít bị pha loãng bởi nước mắt, không bị loại trừ theo ống mũi lệ, thuốc được giải phóng từ từ do tác động của mỗi lần chớp mắt…Do thời gian tồn lưu tương đối lâu trong ổ kết mạc cho nên thường được chỉ định tra mắt buổi tối trước khi đi ngủ.

Cách tra thuốc mỡ thông thường là vừa vành mi, vừa kéo mi dưới trong khi bệnh nhân liếc mắt lên trên để bộc lộ túi cùng kết mạc dưới, rải một đoạn sợi thuốc mỡ chừng 2cm vào túi cùng kết mạc sau đó nâng nhẹ mi trên và mi dưới úp lên đoạn thuốc, dùng ngón tay day nhẹ trên bề mặt mi để tạo điều kiện cho thuốc được dàn đều trên bề mặt nhãn cầu. Cũng như trên, để đảm bảo tránh ô nhiễm thuốc, cần giữ cho đầu tube thuốc không chạm vào bất kỳ đâu, kể cả lông mi của bệnh nhân. 

Lưu ý khi nhỏ, tra thuốc:

– Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi sử dụng. Dù một số loại chế phẩm nhỏ mắt có thể dùng lâu dài, không cần kê đơn (ví dụ như nước muối sinh lý), nhưng chỉ nên dùng trong vòng 1 tháng sau khi mở nắp. Tốt nhất là ngay khi mở nắp lọ (hộp) thuốc, lấy bút ghi ngày mở nắp vào để tiện theo dõi.

-Rửa tay sạch trước khi nhỏ mắt, tra thuốc mắt.

-Không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt để tránh nhiễm khuẩn.

-Không dùng chung thuốc mắt với người khác để tránh lây nhiễm chéo các vi khuẩn, virus.

-Nếu thuốc ở dạng hỗn dịch, hãy lắc đều lọ thuốc trước khi nhỏ mắt.

– Khi nhỏ thuốc, nên nghiêng đầu về phía sau, dùng tay nhẹ nhàng kéo mi dưới và nhỏ 1 hoặc tối đa 2 giọt thuốc. Không nhỏ thuốc lên giác mạc (là phần tròng đen của mắt).

– Sau khi nhỏ thuốc nên dùng tay chặn điểm lệ vùng góc trong mắt để giảm lượng nước mắt đi qua và giảm hấp thu toàn thân của thuốc hoặc bệnh nhân. Nên nhắm mắt trong khoảng 10 giây, sau đó mới mở mắt và chớp mắt như bình thường.

– Không dùng cùng lúc hai thuốc, đặc biệt là với thuốc nhỏ mắt. Nên cách quãng ít nhất là 10 phút rồi mới dùng tiếp loại thứ 2. Nếu phải dùng cả thuốc dạng lỏng để nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt, nên dùng thuốc nhỏ trước, sau đó mới dùng thuốc mỡ.

– Không nhỏ thuốc khi đang dùng kính áp tròng.                           

+ Tiêm dưới kết mạc, tiêm cạnh nhãn cầu, tiêm hậu nhãn cầu, tiêm nội nhãn: Với một số bệnh của giác mạc và rất nhiều bệnh lý nội nhãn, bệnh của thị thần kinh, bệnh hốc mắt… Việc dùng thuốc bằng đường tiêm tại chỗ này là rất cần thiết. Về mặt nguyên tắc, thuốc loại tiêm bắp mà không gây kích thích, không có nguy cơ gây hoại tử tại chỗ đều có thể dùng cho các chỉ định này. Có một điều cần hết sức lưu ý khi tiêm cạnh nhãn cầu, hậu nhãn cầu là không được tiêm chệch vào nội nhãn. Để đạt được yêu cầu đó, kim phải đảm bảo được nằm theo hướng gần như tiếp tuyến với nhãn cầu và khi đã xuyên kim xong thì không được bơm thuốc vội mà giữ nguyên kim và cho bệnh nhân liếc các hướng. Nếu có cảm giác động tác vận nhãn bị ảnh hưởng do kim tiêm thì phải rút kim, tiêm lại. Tiêm dưới kết mạc có thuận lợi là mũi kim đi nông, người tiêm luôn quan sát thấy rõ đầu kim cho nên không ngại loại biến chứng này.

Tiêm nội nhãn là phương pháp ít dùng hơn, được chỉ định khi có nhiễm trùng nội nhãn hoặc 1 số bệnh lý của bán phần sau. Khi tiêm, kim sẽ đi qua vùng pars plana, thuốc được bơm vào dịch kính. Liều kháng sinh thường rất thấp và lượng cũng hết sức hạn chế. 

    Bảng 1: Liều lượng kháng sinh tiêm tại chỗ trong điều trị viêm nội nhãn

  Liều tiêm dưới kết mạc Liều tiêm dịch kính
Amphotericin B   0,005-0,01mg
Cefazolin 100mg 2mg
Clindamycin 30mg 0,25mg
Gentamicin 20mg 0,1-0,2mg
Miconazole 5mg 0,025mg
Tobramycin 20mg 0,5mg

+ Đặt thuốc ở túi cùng kết mạc, tẩm kính tiếp xúc mềm:

Thuốc chữa bệnh được tẩm vào miếng vật liệu có khả năng ngậm nước (màng thuốc) hoặc tẩm vào kính tiếp xúc mềm. Màng thuốc được đặt vào túi cùng dưới của kết mạc, còn nếu là kính tiếp xúc thì được đặt áp lên giác mạc. Thuốc khi đó sẽ từ từ thoát ra khỏi vật liệu mang nó để liên tục tạo nồng độ điều trị cho mắt.

+ Rỏ thuốc liên tục

Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn nặng ở giác mạc có đe doạ bỏ mắt (cầu khuẩn lậu, trực khuẩn mủ xanh…), những cấp cứu bỏng mắt do hoá chất, người ta thường phải áp dụng tới biện pháp dùng thuốc này. Dung dịch kháng sinh hoặc sát khuẩn, dung dịch rửa mắt cấp cứu được chứa trong chai lọ và treo ở độ cao chừng 0,75m – 1m sẽ theo dây truyền đi xuống rỏ giọt liên tục vào ổ kết mạc.                        

+ Ion di (điện di):

Đây là cách dùng dòng điện 1 chiều để đưa thuốc vào mắt. Cần phải biết rõ điện tích của ion hoạt tính của thuốc để đặt điện cực trái dấu ở phía gáy bệnh nhân thì mới đạt hiệu quả điều trị.

Yhocvn.net (Theo bài giảng chuyên khoa mắt)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook