Thứ Năm, 07/11/2019 | 13:10

Công nghệ tế bào gốc có thể chữa khỏi mù lòa do thoái hóa điểm vàng

Các bác sĩ phẫu thuật ở Anh đã thành công trong cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sử dụng tế bào gốc để khôi phục lại tầm nhìn của hai bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng. Kết quả cuộc thử nghiệm đã được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology và mở ra tia hy vọng mới cho các bệnh nhân bị mắc bệnh thoái hóa điểm vàng.

Thoái hoá điểm vàng

Điểm vàng là một bộ phận nằm tại vùng trung tâm võng mạc ở phần sau nhãn cầu, là nơi tập trung nhiều tế bào thần kinh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu nhận hình ảnh, đảm nhận tới 90% thị lực. Điểm vàng giúp nhận biết màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh.

Bệnh thoái hóa điểm vàng hay còn gọi là bệnh thoái hóa hoàng điểm, là sự thoái hóa của tế bào điểm vàng khiến cho mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác dẫn đến giảm thị lực trung tâm làm cho hình ảnh được nhìn thấy bị mờ, phần chính giữa hình ảnh bị méo mó, biến dạng.

Có nhiều nguyên nhân thoái hóa điểm vàng tuy nhiên không chỉ liên quan đến tuổi cao, mà còn liên quan đến giới tính. Có nhiều bằng chứng cho thấy, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 2 lần nam giới. Song, ngày nay căn bệnh này không chỉ là “căn bệnh tuổi già”, bởi thời gian gần đây, có nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy ánh sáng xanh (Led, điện thoại, tivi, máy tính) là một trong những tác nhân đẩy nhanh tình trạng bệnh.

Điều trị thoái hóa điểm vàng bằng công nghệ tế bào gốc

Có nhiều phương án điều trị cho bệnh nhân thoái hóa điểm vàng, nhưng tất cả đều chỉ nhằm mục đích ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật tế bào gốc đã bật “đèn xanh” cho các thử nghiệm lâm sàng, cho phép các nhà nghiên cứu cấy một mảng tế bào gốc kích thước 4 x 6 mm vào võng mạc của 2 bệnh nhân. Các tế bào này được phủ một hợp chất tổng hợp để giúp chúng vẫn giữ nguyên vị trí nhưng vẫn tiếp tục phân chia thành các tế bào chuyên biệt.

Ca phẫu thuật thành công, cả 2 bệnh nhân được theo dõi suốt 12 tháng. Một số tế bào đã bị cơ thể loại bỏ, nhưng nhìn chung các tế bào đều thực hiện hoạt động chức năng tốt. Tầm nhìn của bệnh nhân được cải thiện đáng kể.

Thoái hóa điểm vàng được xem là “dịch bệnh thầm lặng”. Bệnh không mang đến cảm giác đau đớn nào cho người bệnh. Nhưng khi bệnh đã trầm trọng lại gây nên hậu quả mất thị giác. Đối với căn bệnh này, các phương pháp điều trị trước đây chỉ nhằm mục đích làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Vì vậy, việc phòng ngừa căn bệnh này là vô cùng quan trọng: ăn uống các thực phẩm bổ mắt, đeo kính râm khi tiếp xúc với ánh nắng, hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, tivi, laptop, máy tính bảng…

Công nghệ tế bào gốc đã tạo ra bước đột phá trong nhiều lĩnh vực khác nhau:

Năm 2007, Tiến sĩ Shinya Yamanaka tại Đại học Kyoto phát hiện ra rằng các tế bào da người có tiềm năng chuyển đổi thành tế bào gốc tim. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Bệnh viện Y Harvard tạo ra tim người từ các tế bào da vào năm 2016, gần đây các nhà khoa học còn sử dụng tế bào gốc để tổng hợp các cơ quan phù hơp cho phẫu thuật cấy ghép.

Đầu năm 2017, các nhà nghiên cứu ở Đại học Bristol, Cambridge và Oxford thành công tổng hợp máu từ tế bào gốc. Máu tổng hợp ErythroMer hiện đang được thử nghiệm trên người. Các nhà khoa học bây giờ có thể phát triển “bộ não nhỏ” trong phòng thí nghiệm từ tế bào gốc. Những bộ phận cơ thể giống với bộ não của con người thực tế và hiện đang được sử dụng để nghiên cứu các bệnh thần kinh.

Yhocvn.net (Theo Tiền phong)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook