Thứ Tư, 06/11/2019 | 18:23

Có 3 mức độ chấn thương mắt.

Chấn thương mắt thường đến từ những tình huống rất bất ngờ như ngã bị bần tím, bị đâm trúng mắt, tai nạn lao động, bị bỏng….

Có 3 mức độ chấn thương mắt:

+ Chấn thương phần phụ (phần bảo vệ bên ngoài của mắt) như mi mắt, lệ đạo…

+ Chấn thương trong mắt: giác mạc (lòng đen), kết mạc (lòng trắng);

+ Chấn thương cả mi mắt lẫn trong mắt (cả phần chính lẫn phần phụ).

Chấn thương đụng dập

Bầm máu và phù mi là dấu hiệu thường gặp nhất của chấn thương đụng dập. Mi sưng mọng, mầu đỏ hay tím sẫm, mắt khó mở và đau. Hốc mắt có thể tụ máu kèm theo tổn thương xương hoặc không.  Các thành phần của nhãn cầu cũng có thể bị phù, dập nát, xuất huyết hoặc rạn vỡ.

Chấn thương không xuyên thủng:

Chấn thương không xuyên thủng thường do vật sắc nhọn gây tổn thương các thành phần của mắt từ trước ra sau

+ Vết thương không ảnh hưởng đến nhãn cầu: được coi là không nghiêm trọng do không xâm hại nhãn cầu.

+ Các vết thương có thể chỉ ở mi, sâu hơn là vào tổ chức hốc mắt gây phòi mỡ hốc mắt, các cơ vận nhãn cũng có thể bị rách hoặc đứt.

+ Vết rách ở bờ mi, vết rách ở góc mắt: khi có vết rách bờ mi hay ở góc trong mắt bệnh nhân cần được xử trí ở cơ sở chuyên khoa mắt để đảm bảo phục hồi được giải phẫu, thẩm mỹ và chức năng đường dẫn lệ.

+ Những chấn thương gây mất tổ chức mi: những trường hợp này cần phải được phẫu thuật tạo hình mi để giữ lại chức năng và thẩm mĩ của mi.

Chấn thương có xuyên thủng nhãn cầu:

Chấn thương có xuyên thủng nhãn cầu vết thương xuyên thấu hết chiều dầy lớp trước của nhãn cầu (vết thương xuyên) hoặc thấu qua  cả lớp sau của nhãn cầu (vết thương thủng), có thể kèm theo tổn thương mi, hốc mắt kèm theo. Một số hình thái chấn thương do hỏa khí, do các vụ nổ còn có thể lưu lại các loại dị vật trong lòng con mắt, trong mô hốc mắt và nội sọ. Đây được gọi là “thảm họa” đối với chuyên khoa mắt, gây giảm thị lực nhiều hoặc mù lòa. Điều trị phức tạp, tốn thời gian và tiền bạc nhưng kết quả lại không nhiều.

Bỏng mắt:

Các yếu tố nâng đỡ và bảo vệ (phần phụ nhãn cầu) và bản thân nhãn cầu đều có thể bị bỏng bởi các tác nhân hóa học, vật lý, tia xạ… có khi là sự kết hợp của nhiều yếu tố cơ học, hóa lý.

Tổn thương bỏng mi có thể có cả bỏng trên diện rộng ở cơ thể và cả bỏng trong nhãn cầu. Bỏng mi gây mất chức năng che phủ bảo vệ của mi, do đó dễ tổn thương các cấu trúc khác của mắt. Các lớp thuộc về mặt nhãn cầu cũng hay bị tổn thương do bỏng gây sẹo hóa, khô mắt, nhuyễn thủng về sau. Nếu tác nhân gây bỏng quá mạnh, thẩm thấu nhiều còn có thể gây bỏng nội nhãn: đục thể thủy tinh, viêm màng bồ đào. Bỏng mắt cần được xơ cứu bằng rửa mắt khẩn trương, sau đó điều trị ở cơ sở chuyên khoa mắt.

Xử trí chấn thương mắt ban đầu đúng cách sẽ tránh làm tổn thương mắt nghiêm trọng hơn và giúp phần xử lý tiếp theo được thuận lợi và góp phần phục hồi mắt về sau tốt hơn. Đối với chấn thương phần phụ của mắt như mi mắt, hốc mắt, lệ đạo nếu là chấn thương đụng giập như bầm máu mi mắt, sưng phù, tụ máu quanh hốc mắt nên sử dụng băng che mắt lại rồi đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để khám và điều trị. Nếu là chấn thương xuyên thủng có gây rách và chảy máu nên phải cầm máu ngay, có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol… Tra pomade kháng sinh và băng mắt lại sau đó đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để được khâu vết thương.

Yhocvn.net (Theo Cẩm nang Chăm sóc và Bảo vệ mắt)

Bài cùng chủ đề:

+ Các phương pháp xử trí cấp cứu chấn thương mắt

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook