Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm, cuộc chiến phòng chống lao của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, cản trở khó khắc phục.
Theo The New York Times, sau nhiều năm chìm trong bóng tối của đại dịch AIDS, thế giới tiếp tục đón nhận bệnh lao như là một trong những kẻ giết người nguy hiểm bậc nhất thế giới. Đây là một loại vi khuẩn dễ lây lan trong môi trường không khí đông đúc như nhà tù, tàu, hầm mỏ, khu ổ chuột… Chúng xâm nhập vào phổi, phát triển, từ từ phá hoại các mô tế bào cho đến khi phát tác khiến bệnh nhân ho ra máu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bệnh lao khiến 4.100 người chết mỗi ngày, cao hơn hẳn so với con số 3.300 người chết vì AIDS. Do đó, nó trở thành căn bệnh gây tử vong cao hàng đầu thế giới.
Theo WHO, y học trên toàn thế giới đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phòng chống bệnh lao và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này giảm mạnh kể từ năm 2000. Bệnh đã được chặn đứng hoặc thuyên giảm ở 16/20 quốc gia có số lượng bệnh nhân nhiều nhất.
Mới đây, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã cảnh báo cuộc chiến mới chỉ giành được “một nửa chiến thắng” và ước tính 1,5 triệu người trên thế giới sẽ chết vì căn bệnh này.
20 năm trước, sau khi trải qua một cuộc chiến tranh dài, chịu hậu quả là nghèo đói kinh niên và một chính phủ bị cô lập bởi nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có gần 600 trường hợp mắc bệnh lao trên 100.000 dân. Với sự tiến bộ của y học, hiện nay, con số này là dưới 200 bệnh nhân.
Bên trong một phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Phổi trung ương và một mẫu thí nghiệm được gửi đến Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Ảnh:Justin Mott/The New York Times
Cuộc chiến của người Việt
Việt Nam có thể tự hào về tỷ lệ chữa khỏi bệnh lao không gây biến chứng là 90%, 75% với các trường hợp lao kháng thuốc (cao hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 50%).
Tuy nhiên, sự hiểu biết hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông, chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng… là những cản trở của Việt Nam trong cuộc chiến chống bệnh lao. Trong đó, mối đe dọa lớn nhất chính là nguồn tài chính đang dần cạn kiệt.
Theo TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, để đạt được mục tiêu đẩy tỷ lệ mắc bệnh lao xuống còn 20 trường hợp trên 100.000 dân, chương trình kiểm soát lao toàn quốc cần phải có ít nhất 66 triệu USD (tương đương 1,5 nghìn tỷ đồng) mỗi năm. Hiện tại, chương trình này mỗi năm tiêu tốn tới 26 triệu USD (tương đương 572 tỷ đồng), trong đó 19 triệu USD là vốn tài trợ nước ngoài.
Ngoài ra, các loại máy móc chẩn đoán đắt tiền trong phòng thí nghiệm của bệnh viện được tài trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hoặc Quỹ toàn cầu chống AIDS, Lao và Sốt rét, 30% ngân sách được chi trả từ Mỹ. Tuy nhiên, tới đây, Quỹ toàn cầu thống báo sẽ chỉ hỗ trợ cho tới năm 2017, ngân sách hỗ trợ của Mỹ năm 2016 giảm 18% và của USAID giảm 19%.
Tiến sĩ Hoàng Thị Phượng, Trưởng khoa Lao hô hấp tại BV Phổi trung ương đang thăm khám 2 bệnh nhân nữ mắc bệnh lao. Ảnh:Justin Mott/The New York Times
Những hạn chế khác
Tiến sĩ Mario C.Raviglione, Giám đốc chương trình chống lao toàn cầu của WHO, cho biết điều khiến không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác thất bại không phải chỉ vì tiền tài trợ. Theo tiến sĩ Mario, các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam đặt rất nhiều nguồn lực vào chăm sóc chính, nghĩa là có rất nhiều bác sĩ, rất nhiều phòng khám. Tuy nhiên, đây lại là một hạn chế.
Theo lý thuyết, gần như tất cả bệnh nhân biến chứng lao kháng thuốc có thể được chữa khỏi nếu họ có đơn thuốc chuẩn của 4 loại kháng sinh mỗi ngày dùng trong vòng 6 tháng đều đặn.
Ở Việt Nam, tiêu chuẩn điều trị cấp quốc gia được theo sau bởi một mạng lưới y tế công cộng. Chẳng hạn, Bệnh viện Phổi ở Hà Nội giám sát 64 bệnh viện tuyến tỉnh, 845 bệnh viện huyện, 11.065 trạm y tế xã, phường. Đặc biệt, nhiều phòng khám tư, nhà thuốc nhỏ lẻ xuất hiện khắp nơi. Họ được phép điều trị nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh lao. Dược sĩ bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn thuốc. Hầu hết bệnh nhân tuân thủ mà không hề thắc mắc, khiếu nại.
Đặc biệt hơn, Việt Nam không có luật kiểm dịch. Trong ổ dịch bệnh lao kháng thuốc năm 1990 ở New York, Mỹ, các cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly các bệnh nhân bỏ dở phác đồ điều trị. Thuốc của họ, trong đó là tiêm tĩnh mạch, phải được điều trị trong 2 năm, có thể gây điếc, rối loạn tâm thần và suy thận. Bệnh nhân phải được nhập viện, các hoạt động hàng ngày bị hạn chế cho đến khi họ không còn ho ra vi khuẩn sống. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những người này lại gần như không phải cách ly.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các chương trình chống lao ở Việt Nam tồn tại với ngân sách eo hẹp. Trong khi một số phòng thí nghiệm hàng đầu có trang thiết bị hiện đại, 64 bệnh viện tuyến tỉnh chia sẻ chỉ có 60 máy chẩn đoán, ít hơn một nửa số máy họ cần, mặc dù Việt Nam chỉ phải trả 17.000 USD (khoảng 380 triệu đồng) cho mỗi máy, bằng 1/10 giá bán lẻ ở Mỹ.
Đáng ngại hơn là tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn. 7 bệnh nhân 1 phòng, nhiều người trên 1 giường không phải là cảnh hiếm. Các cửa sổ và cửa ra vào luôn được mở để thông thoáng khí, loại bỏ những vi khuẩn mà các bệnh nhân ho ra. Điều này gián tiếp lây lan vi khuẩn ra môi trường xung quanh. Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, trưởng khoa điều trị nội trú BV Phổi trung ương cho biết 4 nhân viên của bệnh viện bị nhiễm lao trong 5 năm qua. Tiến sĩ Thủy cho rằng bệnh viện nên có bộ lộc không khí ozone, mặt nạ… an toàn hơn cho nhân viên. Tuy nhiên những điều này chưa thể đáp ứng vì ngân sách hạn chế.
Những khu vực miền núi cao cũng là cản trở lớn đối với các chương trình kiểm soát lao tại Việt Nam. Ở đó, những người dân tộc không thông hiểu tiếng Việt, thiếu hiểu biết về căn bệnh nguy hiểm này nên việc tìm kiếm và điều trị rất khó khăn. Thậm chí có một số người tin rằng bệnh lao là do sương mù hay bụi, và sử dụng các phương pháp dân gian để chữa trị, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Phương Mai
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.