Thứ Sáu, 03/06/2016 | 09:00

Con gái bị đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông, gia đình anh Nguyễn Minh H. (ở Thái Nguyên) tưởng như đã mất con vĩnh viễn…

Con gái bị đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông, gia đình anh Nguyễn Minh H. (ở Thái Nguyên) tưởng như đã mất con vĩnh viễn, thế nhưng với sự nỗ lực hết mình của các thầy thuốc Bệnh viện (BV) Việt Đức cũng như thầy thuốc tuyến trước, con gái anh đã được cứu sống. Hơn 10 ngày sau khi nhập viện, cháu đã không còn phải thở máy, đã nói chuyện được với bố, bác sĩ (BS) điều trị và sẽ được ra viện trong tuần này.

BS Việt Đức lên Thái Nguyên hỗ trợ đồng nghiệp trong đêm

Kể chuyện với phóng viên ngày 1/6, anh H. cho biết, trưa 18/5, trên đường đi học về, cháu Nguyễn Thu H. (15 tuổi, ở phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên) đang đi xe đạp ven đường đã trở thành nạn nhân vụ va chạm giữa xe ôtô và xe chở container trên đường.

Cháu H. bị ngã và xe ôtô chèn vào phần tay trái của cháu, người đi đường thấy cảnh tượng đó liền hét lên để lái xe ôtô dừng xe. Tuy nhiên, lúc này lái xe hoảng loạn nên đã lùi xe lại và thế là bánh xe tiếp tục chèn thêm vào đùi phải của cháu H.

Giành lại sự sống cho nữ sinh bị tai nạn giao thông

Bệnh nhân Nguyễn Thu H. được bác sĩ Lưu Quang Thùy thăm khám chăm sóc.

Cháu H. ngay lập tức được đưa vào cấp cứu tại BV Gang thép, tuy nhiên do chấn thương của cháu quá nặng, máu chảy ồ ạt nên các BS đã chuyển cháu lên BVĐK TW Thái Nguyên. Anh H. kể: Lúc đó gia đình tôi có nguyện vọng đưa cháu về ngay BV Việt Đức, tuy nhiên các bác sĩ cho biết hiện cháu đang trong tình trạng quá nguy hiểm đến tính mạng, không cầm máu được, do đó cần sơ cấp cứu ban đầu cho cháu rồi tính đến chuyển viện sau.

“Quãng đường từ BV Gang thép lên BVĐK TW Thái Nguyên chỉ hơn 10km mà khi vào đến Phòng cấp cứu của BVĐK TW Thái Nguyên, các bác sĩ cho biết, huyết áp và mạch của con gái tôi gần như bằng 0”, anh H. kể lại.

Lúc này, bệnh nhân (BN) H. nhập viện trong tình trạng sốc chấn thương: da niêm mạc nhợt trắng; mạch, huyết áp khó đo; phổi nghe giảm hai bên; bụng trướng, đụng giập toàn bộ cánh tay trái, đùi cẳng chân phải và tổn thương phức tạp tầng sinh môn. Xét nghiệm thấy rối loạn đông máu nặng.

BN được đẩy thẳng phòng mổ vừa hồi sức vừa chẩn đoán: thở máy, truyền dịch + máu, thuốc vận mạch duy trì huyết áp, hội chẩn ngoại khoa và xin ý kiến GS.TS. Nguyễn Quốc Kính – Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, BV Việt Đức, đồng thời đề nghị cử cán bộ lên hỗ trợ gấp nhằm phối hợp điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân H. GS. Kính đã tư vấn chỉ đạo điều trị qua điện thoại và cử BS. Lưu Quang Thùy – Phòng Hồi sức tích cực lên hỗ trợ và cùng các bác sĩ BVĐK TW Thái Nguyên cấp cứu BN.

Nhận được “mệnh lệnh” từ lãnh đạo Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa, BS. Thùy đã lên Thái Nguyên ngay trong đêm đó để kịp thời cấp cứu BN. Tại Thái Nguyên, BS. Thùy cùng đồng nghiệp các chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, ngoại tiêu hóa, ngoại chấn thương và các BS gây mê hồi sức của BVĐK TW Thái Nguyên đã can thiệp mạch cầm máu, khâu vết thương tầng sinh môn, cầm máu vết thương đùi và cánh tay, tiếp tục hồi sức tích cực: truyền máu, dịch, duy trì huyết động, chống các tạng suy, hạn chế tổn thương phổi và rối loạn đông máu.

Sau 2 ngày điều trị tại Phòng Gây mê hồi sức của BVĐK TW Thái Nguyên, bệnh nhân H. đã được truyền hơn 4 lít máu và plasma. Tuy tình trạng BN có khá hơn nhưng huyết động không ổn định, dấu hiệu suy tạng tăng lên, nguy cơ nhiễm khuẩn, tổn thương phổi do truyền máu khối lượng lớn. Do đó, qua tư vấn về chuyên môn với BS. Thùy qua điện thoại, BN được chuyển về BV Việt Đức điều trị tiếp.

“Chúng tôi tưởng mất con rồi, nhờ các BS, cháu đã được cứu sống”

BS. Lưu Quang Thùy cho biết, tại BV Việt Đức, bệnh nhân H. đã được làm toàn bộ Bilan chẩn đoán. Kết quả chụp MSCT 64 dãy cho biết, BN có tràn dịch màng phổi trái gây xẹp vùng đáy phổi trái, nhiều dịch tự do ổ bụng, gãy xương đòn phải và ngành ngồi mu xương chậu bên phải, đụng giập phần mềm thành bụng và hông phải.

BN được đưa vào phồng mổ phẫu thuật kiểm soát tổn thương bụng và làm hậu môn nhân tạo, dẫn lưu màng phổi trái, cắt lọc các vết thương, sau đó chuyển Phòng Hồi sức tích cực 2 điều trị. Tại đây, bệnh nhân H. được điều trị với những phác đồ mới nhất, trang thiết bị hiện đại nhất. BN được thở máy theo chế độ bảo vệ phổi, truyền máu và truyền dịch, đảm bảo huyết động, kháng sinh theo kháng sinh đồ, chống các tạng suy, chống rối loạn toan kiềm, rối loạn đông máu.

Sau 10 ngày điều trị tại Phòng Hồi sức tích cực 2 của Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa, bệnh nhân H. đã hoàn toàn tỉnh táo, đã rút được nội khí quản, không sốt, tình trạng huyết động ổn định. BN được tiếp tục chăm sóc, phục hồi chức năng. Dự kiến sẽ ra viện trong vài ngày tới.

“Từ lúc cấp cứu ở Thái Nguyên đến khi điều trị tại BV Việt Đức, tôi cũng không chắc chắn cứu được cháu vì tổn thương quá nặng, BN lại phải di chuyển nhiều BV khác nhau. Thành công ngày hôm nay là sự nỗ lực hết mình của tất cả các giáo sư, bác sĩ của các tuyến TW và tuyến trước. Mình cũng cảm thấy vui vì là người điều trị trực tiếp và một mắt xích trong hệ thống đó. Hy vọng những người làm công tác y tế phối hợp nhịp nhàng hơn nữa trong việc cấp cứu, mang lại hạnh phúc cho người bệnh”, BS. Thùy chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh H. dù vẫn lo lắng cho sức khỏe của con gái (vì cháu H. đã được cứu sống, đã khỏe hơn nhưng cháu sẽ còn một hành trình dài để tập phục hồi chức năng, cắt ghép vá da thẩm mỹ…) nhưng anh H. vẫn chia sẻ: “Chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, nhưng sau 2 ngày nằm ở BVĐK TW Thái Nguyên, đặc biệt là từ khi cháu chuyển viện về BV Việt Đức, được các BS ở đây tận tình chăm sóc, cứu chữa, cháu đã khỏe mạnh, đã nói chuyện được và nhớ lại hoàn toàn sự việc đã xảy ra… Gia đình tôi xin cảm ơn các BS nhiều lắm, nếu không có họ thì chúng tôi đã mất con rồi”.

Đây là một trường hợp BN đặc biệt thể hiện sự phối hợp và hỗ trợ kịp thời của BV Việt đức với các bệnh viện khác trong công tác cấp cứu ngoại viện.

Theo Thái Bình/Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook