Chủ Nhật, 13/09/2015 | 08:20

Ảnh: MHẢnh: MH

Chúng ta vất vả kiếm tiền để con cái được đầy đủ nhưng như vậy không khiến bọn trẻ cảm thấy biết ơn.

Hai vợ chồng tôi hiện đang sống trong một căn chung cư thuộc loại cao cấp và danh giá ngay giữa trung tâm Hà Nội. Tôi và chồng đều xuất thân từ những gia đình ở vùng quê miền Trung nghèo khó.

Tuy nhiên nhờ hay lam hay làm, lại đúng lúc hợp thời nên công việc kinh doanh của chúng tôi phất lên nhanh chóng.

Chúng tôi có một cô con gái nhỏ năm nay đang học lớp 4 tên ở nhà là Cún. Con bé học giỏi, năng động, lúc nào cũng vui vẻ yêu đời. Duy chỉ có một điều khiến tôi không hài lòng về con gái mình, đó là do con bé… sướng quá.

Từ khi sinh ra đã được bao bọc trong gấm vóc lụa là, thức ăn ngon, quần áo đẹp. Chính vì vậy, mỗi khi thích cái gì, Cún đều đòi cho bằng được.

Tôi nhận thấy hầu hết trẻ em ngày nay đều giống con gái tôi. Kinh tế phát triển, mức sống được cải thiện khiến các bậc cha mẹ ngày càng nuôi chiều thái quá con cái mình. Chúng đã quá quen với việc thức ăn được đưa đến tận miệng, quần áo được mang đến tận giường.

Các bậc làm cha làm mẹ, giáo có, nghèo có, đều cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con cái mình, thậm chí hi sinh cả nhu cầu cá nhân. Vậy nhưng bọn trẻ lại tiếp nhận chúng như điều đương nhiên và không hề có ý định “đền đáp” hay thậm chí là lòng biết ơn cũng chẳng có.

Tôi nghĩ rằng mình cần phải dạy con con biết về những khó khăn vất vả trong cuộc sống.

Chủ nhật, tôi đã vào phòng của con gái và ngồi xuống, hỏi con: “Con có biết mua một con gà về làm món gà quay thì mất bao nhiêu tiền không?”. Con bé lắc đầu bảo không biết. Tôi lại hỏi: “Con có biết tiền lương một ngày của bố mẹ là bao nhiêu không?” Con bé lại tiếp tục lắc đầu.

Tôi lấy ra một tờ giấy, viết lên đấy danh sách những chi phí và chi tiêu một ngày của cả gia đình: tiền điện, nước, ga, chi phí gửi xe, phí làm sạch tòa nhà, tiền gạo, tiền thực phẩm, tiền xăng xe, tiền học… và sau đó yêu cầu con bé cộng lại.

Số tiền chúng tôi tiêu một ngày đúng bằng số tiền hai vợ chồng kiếm được trong một ngày. Tôi bảo với con: “Đây là mẹ con mình đã tính toán khá kỹ. Nếu không có kế hoạch, mình còn có thể tiêu lạm vào tiền gốc và chẳng mấy chốc mà nhà mình… phá sản”. Sau khi cộng xong, Cún có vẻ cũng suy nghĩ “dữ dội” lắm.

Chiều hôm ấy, tôi lại đưa Cún một tờ 200 nghìn và bảo con đi siêu thị mua đồ ăn cho buổi tối cho cả nhà. Lần đầu tự cầm tiền vào siêu thị mua đồ, Cún khá bối rối. Con bé lần đầu tiên mua một quả bưởi và một lốc sữa chua, hết 105 nghìn. Sau đó là đi một vòng, mua rau, trứng và gạo. Món cần mua cuối cùng là thịt, thì đã hết tiền. Vậy là buổi tối hôm ấy của gia đình tôi không có thịt, chỉ có rau, cơm và trứng tráng. Cún tỏ ra khá ân hận.

Sau đó, với vài lần như vậy, tôi đã dạy cho Cún hiểu được về những khó khăn của cuộc sống và cách phải tiết kiệm chi tiêu.

Theo tôi, bất kể gia đình giàu có hay thu nhập thấp, cha mẹ đều nên cho con cái trải nghiệm những khó khăn của cuộc sống, giúp bé hiểu được và có thể thích nghi được nếu điều đó xảy ra.

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra thậm chí đã cho con con gái 17 tuổi vừa tốt nghiệp của mình vào làm việc phục vụ tại một chi nhánh thuộc chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh. Tôi tin rằng, nhiều năm sau, cô bé đó vẫn ghi nhớ những trải nghiệm của mình khi được làm việc ở đó.

Cho phép trẻ con được trải nghiệm những khó khăn của cuộc sống, được một lần “đau đầu” với bài toán tiền nong ở mức độ vừa phải sẽ loại bỏ hoàn toàn thói quen sống ích kỷ và không có lòng biết ơn của trẻ. Đó là quan niệm của tôi.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook