Để sống sót, những đứa trẻ ra đời khi chưa đủ tháng đủ ngày sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ.
Câu chuyện về sản phụ ung thư Đậu Thị Huyền Trâm ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn quyết giữ con đã gây xúc động mạnh cho cộng đồng. Song bé Gấu – ra đời trong ca phẫu thuật định mệnh chỉ với 29 tuần tuổi – vẫn ngày đêm chiến đấu, giành giật sự sống. Bé đang được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Trả lời Zing.vn, bác sĩ Lê Minh Trác – phó giám đốc Trung tâm – cho hay, quá trình điều trị của bé có tiến triển, tình trạng nhiễm trùng đã được khống chế, suy hô hấp đã giảm.
Đặc biệt, một tuần trở lại đây bé đã tự thở được oxy và có thể ăn được 100-110 ml/ ngày. Sắp tới số lượng ăn sẽ tăng lên 160-180 ml/ngày. Nếu đáp ứng tốt, trong vòng 20-25 ngày nữa, cân nặng bé sẽ trở về bằng lúc chào đời. Bé cũng được ra viện trong 2,5-3 tháng tới, theo thời gian thông thường dành cho bé sinh non.
Theo bác sĩ Lê Minh Trác, tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, khoảng 170 cháu bé sinh non đang được chăm sóc đặc biệt. Trong đó, nhiều bé chỉ mới được 24-25 tuần tuổi, với cân nặng từ 400-500 gram.
Bác sĩ Lê Minh Trác – Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương – người trực tiếp điều trị cho bé Trần Gấu. Ảnh: HQ.8 vấn đề trẻ sinh non phải đối mặt
Bác sĩ Trác cho hay, do sự phát triển chưa hoàn thiện của cơ thể nên trẻ sinh non phải đối mặt với rất nhiều các nguy cơ. Trong đó, có 8 vấn đề cơ bản: trẻ dễ bị ngạt, hạ thân nhiệt, đường máu, suy hô hấp, xuất huyết, nhiễm trùng sơ sinh, khó khăn về dinh dưỡng và dễ bị viêm ruột hoại tử, vàng da.
“Tất cả các cháu sinh không đủ tháng đều được phòng chống và điều trị 8 nguy cơ này ngay trước mắt. Tùy từng cháu, thông thường phải điều trị từ 2,5-3 tháng. Khi đạt cân nặng 1,6-1,7 kg và có thể tự ăn đường miệng, không cần hỗ trợ đường thở, bé sẽ được xuất viện”, bác sĩ Trác thông tin.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởn khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Biến chứng nguy hiểm nhất đối với trẻ sinh non là xuất huyết não. Do đó cần phải ngăn ngừa biến chứng này. Trong 7 ngày đầu, tỷ lệ tử vong là rất cao, do đó cần có sự theo dõi sát sao với các máy đo nhịp tim, nhịp thở…
Biến chứng thứ hai là mù mắt. Trẻ đẻ quá non mắt dễ bị bệnh võng mạc ROP. Biến chứng thứ 3 cần đề phòng là bệnh phổi mãn tính. Cần phải chữa trị triệt để để khi ra viện trẻ không phải có bình oxy bên người.
Trẻ sinh non được chăm sóc như thế nào?
Bé Gấu sinh non 29 tuần tuổi hiện đang được chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Hoàng Hiệp.Khi em bé sinh không đủ tháng, điều đầu tiên cần làm là hỗ trợ hô hấp, sau đó là các biện pháp nghiêm ngặt về vệ sinh để chống nhiễm trùng phối hợp với kháng sinh.
“Thiết bị đầu tiên phải kể đến là một lồng ấp hiện đại. Lồng ấp này được thiết kế giống như môi trường trong dạ con bà mẹ, phải điều khiển được nhiệt độ và độ ẩm theo tuổi thai, được tính bằng ngày của em bé. Môi trường đó phải để em bé không nóng không lạnh.
Ở tuần tuổi này, da em bé mỏng như tờ giấy, nhiều em thấy cả ruột phía trong, mạch máu chạy dưới da loằng ngoằng. Nếu độ ẩm không làm tốt, để da bay hơi sẽ khiến bé gặp nguy hiểm”, PGS Dũng mô tả.
Đặc biệt, môi trường nuôi trẻ sinh non phải vô trùng. Những y bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị phải thường xuyên rửa tay xà phòng, dùng dung dịch sát khuẩn tay, không mặc quần áo bình thường, phải có máy lọc khí để đảm bảo không khí trong phòng nuôi trẻ được thông thoáng và sạch nhất.
Riêng về dinh dưỡng, các cháu cần được bổ sung bằng cách phối hợp giữa đường tĩnh mạch và đường ăn, đặc biệt phòng viêm ruột hoại tử. Ngoài ra, các bé cần phải chiếu đèn vàng da, điều trị chống xuất huyết.
“Em bé sẽ được nuôi bằng 20 loại thuốc truyền vào tĩnh mạch đường rốn. Đó là vitamin, đường, đạm, mỡ, các yếu tố vi lượng…”, BS Dũng cho hay.
Theo các bác sĩ, y học Việt Nam hoàn toàn có thể cứu sống những em bé sinh từ tuần thứ 24 trở đi. Tuy nhiên, về lâu dài, các bé vẫn có thể gặp những biến chứng thường thấy ở những trẻ non tháng như bệnh phổi mãn tính, mắt võng mạc, thính lực, thần kinh chậm phát triển.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.