Câu hỏi làm thế nào để thuyết phục cha mẹ đồng ý theo nghề nghiệp của con em lựa chọn thường đặt ra trước mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ.
Sau đây là một số bí quyết và tư vấn sẽ giúp cho phụ huynh và các em học sinh cùng nhau giải quyết và lựa chọn được nghề nghiệp tốt nhất cho cả hai bên. 1 – Có phải là đam mê thực sự hay không: Các bạn học sinh đang ở tuổi thay đổi tâm sinh lý. Do vậy sở thích nghề nghiệp chưa chắc là đam mê thật sự. Một bạn học sinh có đam mê về nghề y sẽ tìm hiểu thông tin, gặp các anh chị đang học y, phỏng vấn các bác sỹ quen với gia đình, hiểu rõ về thách thức trực đêm của nghề Y v/v. Nếu như vậy, đó chính là đam mê thật sự. Trái lại, một em học sinh thích nghề tiếp viên hàng không chỉ vì thấy các cô hay các anh tiếp viên quá đẹp khi bay vòng quanh thế giới. Khi hỏi ra, các em không biết nghề tiếp viên bao gồm các công việc của “oshin” khi chuẩn bị cho những chuyến bay. Các em chỉ thấy hào quang của nghề mà chưa thấy sự khó khăn và thách thứcc, các em đang ngộ nhận giữa sở thích và đam mê. 2 – Hiểu mục đính và tâm lý tốt của hai bên: Khi mâu thuẫn, cả hai bên cần nhìn tới mục đích chung để hiểu và phối hợp với bên kia. Các em học sinh cần hiểu cha mẹ bắt các em theo nghề cũng vì mục tiêu tốt có nghề nghiệp ổn định. Tương tự như vậy, cha mẹ cũng cần hiểu lo lắng của các em khi theo nghề mình không thích. Thấu hiểu nỗi lo chung lẫn nhau sẽ giúp cha mẹ và các em cùng gắn kết để tìm ra phương hướng giải quyết tốt nhất các bất đồng và dị biệt.
3 – Thống nhất cách làm việc chung: Nhằm đảm bảo kết quả hướng nghiệp tốt, cha mẹ và các em học sinh cần thống nhất có một quy trình hướng nghiệp hiệu quả. Các quan điểm tìm việc hot, việc mà gia đình có những lợi thế như quan hệ hay cơ sở kinh doanh có sẵn đều là những cách hướng nghiệp thông dụng.
Tuy nhiên những cách hướng nghiệp đó không phải lúc nào cũng có hiệu quả tốt nhất. Do vậy cha mẹ và các em nên áp dụng quy trình hướng nghiệp căn bản như bắt đầu xác định tính cách, năng lực, sở thích nghề nghiệp, nguồn lực gia đình, lựa chọn nghề, ngành, các cấp bậc học, chọn trường thi. Bên cạnh đó, các công cụ hướng nghiệp như xác định tính cách, xác định năng lực, sở thích nghề nghiệp, phân tích SWOT chọn lựa nghề nghiệp cũng cần được áp dụng. Khi cha mẹ và các em học sinh thống nhất quy trình và công cụ hướng nghiệp chung chắc chắn kết quả sẽ làm hài lòng cả hai phía. 4 – Thông tin: Nhằm hướng nghiệp tốt, nguồn thông tin cần được nghiên cứu đầy đủ để ra quyết định đúng đắn. Các thông tin bao gồm từ báo chí chung hay báo chí chuyên ngành. Gia đình có thể tham khảo các nguồn tài liệu trên internet. Thông tin từ các thầy cô giáo cấp ba hoặc từ các trường đại học, các buổi hướng nghiệp tại trường, trên online hoặc các ngành hội tuyển sinh rất quan trọng. Ngoài ra gia đình nếu có điều kiện có thể tìm hiểu từ các chuyên gia tư vấn độc lập hoặc những người bạn có kinh nghiệm trong hướng nghiệp. Khi có các thông tin đầy đủ và khách quan sẽ giúp các khác biệt là nhỏ nhất.
5 – Tìm hiểu về ngành nghề: Thông tin ngành nghề là thông tin quan trọng nhất. Khi tìm hiểu thông tin về ngành nghề, chúng ta cần chú ý nhu cầu hiện tại tương lai, các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức, thái độ. Đặc biệt, các góc khuất nghề nghiệp cần được tìm hiểu và thông tin đầy đủ tới các em và gia đình. Nghề nào cũng có những vinh quang và khó nhọc. Vinh quang là bề nổi tuy nhiên một cá nhân thành công trong bất kỳ nghề nào đều phải biết cách vượt qua những khó nhọc của nghề. Các thông tin về ngành nghề có thể tìm trên các web site chuyên về tuyển dụng. Ví dụ một bạn học sinh muốn chọn nghề kế toán có thể xem các yêu cầu tuyển dụng về kế toán nhằm đánh giá sơ bộ xem khả năng phù hợp. Cha mẹ học sinh có thể tìm hiểu thêm thông tin về ngành nghề từ Trung Tâm Dự Báo Nguồn Nhân Lực TP.HCM để nắm được các cập nhật nhu cầu ngành nghề trong hiện tại và tương lai. Quan trọng nhất, thông tin và trao đổi cần có từ những người làm trong nghề từ năm năm trở lên. Những thông tin từ các cá nhân đang làm trong nghề sẽ là nguồn thông tin chính xác và cập nhật nhất. Như đã nói ở trên, họ có thể cho thấy các góc khuất của nghề nghiệp đối với gia đình. Các thông tin về nghề cũng có thể được tìm hiểu từ các chuyên viên nhân sự, tuyển dụng tại các công ty trong ngành. Ngoài ra các thông tin về nghề cũng có thể tìm từ các chương trình phát triển nghề nghiệp của các trường đại học hay các ngày hội việc làm cho sinh viên những năm cuối. Một nguồn thông tin quan trọng cuối cùng về nghề chính là các sinh viên đang học năm cuối trong chuyên ngành và các giảng viên đại học chuyên ngành. Trong rất nhiều trường hợp, các thông tin chính xác về nghề giúp cho cha mẹ và các em học sinh thấy ra những ngộ nhận và hiểu chưa đúng về nghề lựa chọn. 6 – Chấp nhận những khác biệt từ hai phía: Trong cuộc sống không thể nào có sự toàn vẹn. Các em học sinh cũng cần hiểu nếu như một nghề nghiệp cha mẹ chọn không hoàn toàn phù hợp với sở thích, năng lực hoặc ý muốn của các em nhưng các em sẽ có thuận lợi từ gia đình như nguồn lực, quan hệ và các cơ sở kinh doanh sẵn có. Cũng tương tự như vậy, cha mẹ cũng cần hiểu nghề nghiệp do các em học sinh thực hiện. Nếu một lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp sau hai hay ba năm làm việc, có thể các em sẽ thất bại. Khi đó nỗi buồn sẽ nhân đôi vì bản thân nghề nghiệp các em không đạt được cùng với ước muốn của bố mẹ không hoàn thành. Cả hai phía cần phải giảm đòi hỏi toàn vẹn từ phía bên kia trong lựa chọn nghề nghiệp để có được giải pháp toàn vẹn thỏa mãn cho cả hai bên cha mẹ và các em học sinh. 7- Tiến hành chọn lựa và so sánh: Trong trường hợp các khác biệt trong chọn nghề giữa cha mẹ và học sinh khác nhau xa, gia đình nên đưa ra ba chọn lựa. Chọn lựa một do cha mẹ đề nghị, chọn lựa hai do các em đề nghị và chọn lựa ba do cả hai bên cha mẹ và học sinh tán thành. Căn cứ vào ba chọn lựa nghề nghiệp đó, cả gia đình áp dụng quy trình hướng nghiệp, công cụ từ các nguồn thông tin ngành nghề như đã nói ở trên. Sau đó cả gia đình sẽ ngồi lại cùng nhau đánh giá những mặt mạnh và yếu của từng chọn lựa nhằm rút ra giải pháp tốt nhất cho nghề nghiệp các em . 8 – Hướng nghiệp là cả quá trình: Các lựa chọn nghề nghiệp của các em học sinh có thể điều chỉnh hay bản thân các em thay đổi trong quá trình học đại học và ra đi làm. Do vậy những dị biệt trong lựa chọn nghề nghiệp tại lớp 12 vẫn có thể khắc phục tại những giai đoạn sau. Hướng nghiệp và phát triển nghề nghiệp cần được thực hiện từ cấp ba, đại học và 3 năm đầu tiên đi làm. 9 – Tôn trọng các em học sinh: Tương lai của các em cần phải được các em quyết định. Trong trường hợp chấp nhận những nghề cha mẹ áp đặt, sau này do không phù hợp về năng lực, sở thích v/v các em không thể thăng tiến tốt thậm chí thất bại trong nghề nghiệp, kết quả còn tồi hơn rất nhiều cho cả cha mẹ và gia đình. Nghề nào nghiệp nào cũng thành công nếu như cá nhân có cố gắng và chiến đấu vì nó. Thay vì áp đặt một nghề nghiệp phù hợp theo ý mình, cha mẹ nên giáo dục và lập trình tư duy thành công cho các em nhằm hướng tới thành công trong mọi nghề nghiệp các em đam mê. Chọn lựa nghề nghiệp là một nhiệm vụ khó khăn cho cả gia đình. Chúng ta không thể nào đòi hỏi sự toàn vẹn và thành công ngay trong lựa chọn nghề nghiệp. Bản thân cha mẹ và các em học sinh thông thường thực hiện lần đầu tiên công tác hướng nghiệp vì vậy, các khó khăn là không tránh khỏi. Để giải quyết hiệu quả, gia đình – cha mẹ và các em học sinh cần hiểu và nắm vững quy trình hướng nghiệp chung, thông tin về nghề nghiệp, trợ giúp từ các trường đại học, từ các chương trình tư vấn mùa thi từ các báo và các trường đại học, các kinh nghiệm và chia sẻ của các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cộng đồng. Quan trọng hơn nữa thông qua phổ biết internet và mạng xã hội, các thông tin về nghề nghiệp có rất nhiều và chi tiết.
Chưa có bình luận.