Để rốn lồi như… quả cà chua không những làm mất thẩm mỹ sau này, mà còn nguy hại đến sức khỏe nếu để “quả cà chua” bị nghẹt, hoại tử, đó mới là chuyện lớn.
Lúc còn bé nếu có ai đó rốn lồi thì thường bị trêu trọc, lớn lên, nhất là bé gái thì hay mặc cảm tự ti vì cái rốn của mình không được phẳng phiu mà lại lồi lên trông mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, không đơn giản có vậy, bởi chuyện có thể trở nên phức tạp và khó giải quyết nếu các bậc cha mẹ không mấy quan tâm hoặc hiểu một cách “lờ mờ” dẫn đến chủ quan, coi thường “cái rốn”.
Rốn lồi – Không chỉ là thẩm mỹ
Chị Nguyễn Thị Hiền, ngõ An Trạch (Đống Đa – Hà Nội) cho biết: “Con gái đầu lòng của mình bị sinh non. Lúc bé hơn 19 tháng, rốn lồi ra bằng gần1/2 đốt ngón tay. Gần đây, rốn của bé lồi to hơn, mình hỏi nhiều người, có người bảo do bác sĩ cắt rốn và kẹp rốn không kỹ, người thì bảo là tại bé khóc nhiều, rồi do tháo băng rốn sớm… Nghĩ lại, mình thấy bé nhà mình rất ngoan, không quấy khóc, còn băng rốn thì 13 ngày bé mới rụng rốn, mình băng rốn bé những 3 tháng 10 ngày. Giờ mình đang chữa mẹo bằng cách, mỗi lần ăn cơm trở đầu đũa chọc vào rốn lồi của bé, làm hơn nửa năm mình chả thấy tiến triển gì, thành ra nản quá. Có khi phải tính đến nước phẫu thuật thẩm mỹ… rốn”.
Có chị thì cho rằng, rốn lồi là do… di truyền, vì hai đứa con của chị sinh cách nhau 5 năm mà rốn cả hai đứa đều… to tướng (giống chồng chị). Bởi thế, chị cho rằng chỉ mất thẩm mỹ đôi chút chứ không vấn đề gì.
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi thì rốn lồi là dị tật khá phổ biến và có nhiều mức độ khác nhau. Bình thường rốn phẳng hoặc lõm xuống khi thành bụng được đóng kín. Rốn lồi hình thành khi rụng rốn ở trẻ sơ sinh, hay còn gọi là thoát vị rốn, ruột sa ở vùng rốn thành u mềm. Mới đầu có thể nhẹ, rốn tự thụt vào trong. Ở tư thế đứng hoặc quấy khóc, ho, áp lực ổ bụng tăng rốn mới lồi ra một cách rõ rệt.
Một số khác, do trẻ sinh thiếu tháng, còi xương, thiếu cân nên vòng rốn yếu không thể đóng kín, kèm theo giãn đường trắng giữa bụng nên rốn phồng lên, mềm, ruột non hoặc mạc nối có thể chui qua vòng sơ ở đáy rốn gây ra tình trạng rốn lồi. Bệnh lý đơn giản nếu lỗ thoát vị tự liền theo thời gian, khi trẻ được 1-5 tuổi. Tuy nhiên, không vì thế mà ít lưu tâm để những “quả mận, quả cà chua” này tăng kích
cỡ, lúc đó nếu “giải cứu” chậm trễ có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là thoát vị rốn bị nghẹt, hoại tử thậm chí là tử vong.
Nhận dạng rốn lồi
Phần lớn rốn lồi thường xuất hiện ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Khối tròn lồi lên tại vị trí lỗ rốn chứa ruột hay màng nối bên trong, da và mô dưới da trên khối này còn nguyên vẹn, độ mỏng của da tùy thuộc kích thước của khối u lớn hay nhỏ. Phần khối u thường mềm, không đau, nằm nghiêng hoặc ấn tay vào thì xẹp xuống. Rốn lồi cũng có nhiều dạng:
– Rốn lồi không thường xuyên: chỉ hơi sưng lồi lên với khối đường kính dưới 2cm và giảm dần theo thời gian khi cơ bụng của trẻ phát triển.
– Rốn lồi to thường xuyên: Ban đầu rốn có kích thước trên 2cm nhưng có xu hướng tăng kích thước theo thời gian, có nguy cơ xảy ra biến chứng, cần phải theo dõi và phẫu thuật sớm.
-Rốn lồi dạng “vòi voi”: Lúc này một số bộ phận trong khoang bụng phía trên rốn như gan dồn vào rốn làm cho chỗ lồi càng ngày càng phình ra to hơn. Rốn lồi dạng này có thể đã là dị tật khi còn là bào thai trong bụng mẹ hoặc hình thành sau khi cắt rốn. Vì vậy, cần thiết phải phẫu thuật để đưa các bộ phận trở lại vị trí cũ càng sớm càng tốt.
Với chứnh thoát vị rốn nghẹt có thể nhận biết khi rốn bị phồng lên ấn không xẹp, thấy căng cứng và đau. Ngoài ra, da vùng rốn lồi đổi màu tím tái, do đoạn ruột bị ngẹt không được cung cấp máu đầy đủ gây đau bụng, nôn ói. Nếu tình trạng này để lâu diễn tiến gây hoại tử, rất nguy hiểm phải điều trị bằng phẫu thuật, cấp cứu.
Đẩy lùi biến chứng
Thoát vị rốn nếu được chăm sóc thích hợp sẽ cải thiện về mặt thẩm mỹ và tránh được những biến chứng của bệnh.
Khi đón bé từ nhà hộ sinh về, điều quan trọng nhất là giữ cuống rốn của bé cho khô và sạch sẽ đến khi cuống rốn rụng. Với những bé rốn lồi khi mới sinh thường làm các bà mẹ lo lắng không biết xử trí ra sao. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu thấy con bị lồi rốn thì nên đưa đi khám để xác định mức độ bệnh.
Với những trường hợp được bác sĩ chẩn đoán là thoát vị rốn nhẹ, trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, không quấy khóc thì không cần quá lo lắng và không cần can thiệp nào khác, rốn sẽ tự liền lại khi trẻ được 1-2 tuổi. Để đẩy nhanh quá trình liền lại thoát vị lỗ rốn, hàng ngày nên massage nhẹ thành bụng của trẻ và quấn băng quanh rốn. Hoặc có thể dùng đồng xu có quấn gạc sao cho đồng xu không xê dịch.
Với trường hợp có da vùng u mềm mỏng thì không nên đặt đồng xu hoặc băng lên rốn trẻ vì có thể gây tổn thương cho vùng da hoặc nhiễm trung thì càng nguy hiểm.
Trẻ đến 4-5 tuổi, lỗ thoát vị rốn không liền lại cần có sự can thiệp của phẫu thuật để khâu lỗ rốn lại và cắt bỏ các phần da thừa của rốn.
Nếu rốn bé lồi to, bất thường và có sự thay đổi về màu sắc có thể là thoát vị nghẹt rốn cần tới ngay bệnh viện. Bác sĩ sẽ chỉ định mổ để khâu kín chỗ hở và giải quyết triệt để tránh tình trạng nghẹt ruột, vừa giải quyết vấn đề thẩm mỹ.
Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra kích thước rốn của bé xem có tăng hay không để có phương án giải quyết kịp thời. Tránh tình trạng thoát vị rốn… khổng lồ với đường kính trên 8cm chứa một số bộ phận trong khoang bụng thì việc phẫu thuật sẽ khó khăn ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này, nhất là bé gái khi trưởng thànhcó thể tích khoang bụng nhỏ, khimang thai sẽ có nguy cơ sinh non hoặc con nhẹ cân.
Cách quấn gạc đồng xu
Đặt bé nằm yên, rồi đặt đồng xu có quấn gạc lên rốn bé, dùng tay ấn nhẹ đồng xu sao cho khối rốn lồi tụt vào trong, dùng cuộn băng co giãn rộng 3-5cm quấn quanh bụng bé 3-5 vòng (không quá chặt không quá lỏng) rồi dán lại.
Mỗi ngày thực hiện một lần sau khi bé tắm (với bé ra nhiều mồ hôi có thể thay 2 lần mỗi ngày để tránh hăm da). Không nên tháo ra thường xuyên làm giảm tác dụng của thao tác.
Thời gian thực hiện trung bình từ 1-3 tháng đến khi rốn bé bình thường trở lại. Các băng, gạc cần được vệ sinh sạch sẽ, trần qua nước sôi và là kỹ.
Thu Quế
Chưa có bình luận.