Thứ Sáu, 01/12/2023 | 08:27

Giao mùa là nét đặc trưng của nền khí hậu nhiệt đới gió mùa. Song song với những lợi ích tích cực, sự chuyển đổi thời tiết giữa các mùa cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ dẫn đến các căn bệnh đặc trưng mà đối tượng thường gặp là trẻ nhỏ.

Nếu mùa hè bệnh sốt xuất huyết, thủy đậu, sởi, tay chân miệng…bùng phát thì thời tiết giao mùa thu đông (từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm) các căn bệnh viêm da dị ứng, cảm cúm, hen xuyễn, sốt phát ban, viêm phổi…hoành hành khiến nhiều trẻ mắc bệnh và gặp biến chứng nặng.

Số liệu thống kê từ WHO cho thấy hàng năm có hơn 10 triệu trẻ em tử vong do các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên gồm viêm mũi họng, cúm, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Trong các quốc gia, Việt Nam nằm trong top 10 nước có chỉ số ô nhiễm cao nhất thế giới dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh hô hấp cao. Tổng hợp từ Bộ Y Tế cho thấy trung bình một trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc các bệnh viêm đường hô hấp từ 4-6 lần/năm, thời gian mắc bệnh tập trung vào thời điểm giao mùa.

Những bệnh giao mùa thu đông thường gặp ở trẻ

Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng năm 2023cũng có dấu hiệu bùng phát mạnh trên khắp các tỉnh thành cả nước. Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh là những nốt phỏng nước trên da, loét niêm mạc miệng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng với các triệu chứng như khó thở, nôn trớ, co giật dẫn đến các biến chứng như viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi… thậm chí gây tử vong.

Hiện thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay – chân – miệng do đó việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tiếp xúc với người bệnh, theo dõi các triệu chứng bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời là giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm ở trẻ.

Bệnh viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn yếu, làn da trẻ mỏng manh dễ bị tác động. Thống kê cho thấy có khoảng 30% trẻ mắc bệnh này và tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, có thể chảy dịch, phù nề. Một số trẻ có thể ho, sốt, chán ăn, sụt cân…Để phòng ngừa viêm da dị ứng cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, che chắn cho trẻ kết mỗi khi ra ngoài trời…

Bệnh cảm cúm

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có trên 800.000 người mắc cúm, số trường hợp mắc bệnh tăng cao vào thời điểm giao mùa. Trẻ nhỏ khi mắc cảm cúm nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển xấu, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Sau 2 ngày tiếp xúc với virus gây bệnh cúm, trẻ có thể bị sốt, ớn lạnh, chóng mặt, mệt mỏi…Một số trẻ đau tai, đau họng, nôn mửa và tiêu chảy nhiều lần trong ngày.

Để phòng ngừa cúm, người dân cần duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng, mang khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện… đặc biệt là tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Lưu ý người lớn trong gia đình cần tiêm vắc xin phòng bệnh để tránh lây bệnh cho trẻ, đặc biệt là trẻ chưa tới độ tuổi tiêm ngừa.

Bệnh sởi

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh sởi gồm sốt, sổ mũi, phát ban, ho khan, viêm kết mạc… Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như khô loét giác mạc mắt, viêm não, viêm tai giữa, viêm phổi…Phương pháp phòng bệnh là tiêm ngừa vắc xin đúng lịch và đủ mũi theo phác đồ đề phòng ngừa bệnh, bảo vệ trẻ, gia đình và cộng đồng.

Bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản xuất hiện rải rác vào các tháng trong năm. Bệnh biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh với khoảng 20% trường hợp tử vong, 50% các trường hợp cứu sống lại mắc di chứng bệnh tật nặng nề.

Trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản không có bất cứ triệu chứng nào ở giai đoạn ủ bệnh. Khi bệnh khởi phát, trẻ sẽ sốt cao 39 – 40 độ C hoặc hơn kèm theo các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, nôn, thậm chí rối loạn nhãn cầu, mất nhận thức. Khi thấy trẻ có các triệu chứng trên cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm như cơn co giật, các biến chứng ở hệ hô hấp, tim mạch…

Phương pháp phòng ngừa viêm não Nhật Bản được Bộ Y tế khuyến cáo là cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đủ mũi và đúng lịch đồng thời cho trẻ ngủ màn kể cả ban ngày và đêm để tránh muỗi đốt truyền bệnh.

Bệnh viêm phổi

Mặc dù y học đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng viêm phổi vẫn đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2,9 triệu trẻ em mắc bệnh viêm phổi, khoảng 4.000 trẻ tử vong. Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số lượng trẻ em mắc bệnh và tử vong do viêm phổi nhiều nhất trên thế giới.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh là thở nhanh tiếp theo là sốt, ho, nghẹt mũi, đau bụng, đau tức ngực, nôn ói…khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt cao không đáp ứng thuốc điều trị, ăn uống kém, bỏ ăn… gia đình cần cho trẻ nhập viện ngay để được can thiệp kịp thời.

Bệnh sốt phát ban

Sốt phát ban thường gặp ở trẻ em, bệnh có thể hết sau vài ngày nếu trẻ được nghỉ ngơi và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp, sốt phát ban có thể bùng phát thành dịch và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng đặc trưng của sốt phát ban ở trẻ là sốt cao, có thể lên đến 39 – 39,5 độ C và nổi những nốt đỏ trên da, thậm chí có thể sưng. Một số triệu chứng khác như sưng mí mắt, chán ăn, tiêu chảy…Hiện chưa có vắc xin phòng sốt phát ban ở trẻ, do đó cách phòng ngừa bệnh là cho trẻ cách ly khi lớp học có trẻ nhiễm bệnh, rửa tay thường xuyên giúp ngăn ngừa virus và bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch cho trẻ. Chú trọng chế độ dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các nhóm chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, chăn gối, đồ chơi của trẻ, hạn chế các tác nhân gây bệnh…Ngoài ra cần hướng dẫn trẻ những bài tập vận động phù hợp với lứa tuổi, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Loại trái cây giảm ho, làm ẩm phổi cực hiệu quả

Các bệnh về đường hô hấp gia tăng cuối năm Quý Mão

Ho do thay đổi thời tiết có gì khác biệt

Điều trị ung thư phế quản phổi: Phác đồ chuẩn

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook