Hàng năm vào thời điểm cuối tháng 1 cho đến đầu tháng 2 là dịch bệnh sởi lây lan nhanh với số ca mắc bệnh cao ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ và khiến cho các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.
Đề phòng tránh dịch bệnh lây lan, cha mẹ cần có những hiểu biết cơ bản về phương pháp phòng ngừa dịch sởi, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tránh lây lan ra cộng đồng.
Dịch sởi xuất hiện trở lại
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh sởi xuất hiện trở lại cuối năm 2013 ở Hà Nội, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Tp.Hồ Chí Minh và Cần Thơ sau 3 năm không có dịch. Năm 2014, bệnh sởi bùng phát trở lại gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ, chủ yếu là ở trẻ dưới 3tuổi.
Sở dĩ dịch bệnh quay trở lại do trẻ chưa được tiêm, hoặc tiêm không đủ liều hoặc đã được tiêm nhưng trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt dẫn đến mắc bệnh. Bên cạnh đó vấn đề tiêm phòng ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến số lượng trẻ được tiêm chủng không nhiều.
Dịch sởi bùng phát mạnh vào năm 2014
Về bệnh lý, bệnh sởi dễ lây lan trong cộng đồng do vi rút lây lan qua đường hô hấp. Khi bệnh nhân có vi rút sởi thì vi rút này trú ngụ ở họng, chỉ cần hắt hơi, ho sẽ đưa vi khuẩn ra ngoài và người hít phải sẽ nhiễm vi rút. Nếu không có kháng thể sẽ phát bệnh.
Triệu chứng của bệnh
Biểu hiện đầu tiên là viêm đường hô hấp như: ho, chảy mũi, mắt đỏ sau đó bệnh nhân sốt cao 39 – 40 độ C, có thể lên đến 41 độ C kèm nhức đầu, đau mỏi cơ khớp, chảy nước mắt, tiêu chảy.
Tiếp đó là giai đoạn phát ban (trẻ vẫn sốt cao 40 độ C), ban mọc theo trình tự, bắt đầu ở vùng đầu, trán, sau tai sau đó lan xuống mặt, gáy, lưng, tay, chân (kéo dài 3 – 4 ngày). Nốt Koplix (nốt trắng kích thước nhỏ bằng đầu kim, ở niêm mạc má vùng răng hàm) thường xảy ra trước hay ngày đầu ra ban và biến mất sau 24 – 48 giờ sau phát ban.
Trẻ bị sởi sốt cao, phát ban khắp người, quấy khóc…
Đặc điểm ban sần màu hoa đào, hơi nổi trên da, sờ có cảm giác mịn, có thể mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn, giữa các ban là khoảng da lành, khi ấn lên các ban biến mất.
Trong thời kỳ ban mọc, các triệu chứng này sẽ giảm dần khi ban bắt đầu bay, ban sởi sẽ bay theo thứ tự như khi mọc (đầu, tay, chân). Lúc này trẻ hết sốt, ăn được sức khỏe hồi phục dần, nếu không có biến chứng.
Phương pháp phòng ngừa khi có dịch sởi
+ Thường xuyên nghe thông báo của ngành y tế về các bệnh dịch.
+ Cần áp dụng đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế cũng như của y tế cơ sở khi có dịch xảy ra.
+ Cách ly người bệnh ở phòng riêng.
+ Không cho bệnh nhân tiếp xúc với thai phụ chưa có miễn dịch.
+ Trẻ em mắc bệnh không được đến trường học và người lớn không được đến các nơi làm việc trong vòng 7 ngày sau khi mắc.
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng sởi cho trẻ
+ Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh.
+ Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sát khuẩn mũi, họng hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.
+ Thực hiện vệ sinh môi trường sống, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng.
+ Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Đặc biệt, tránh tụ họp, tránh chỗ đông người, người lớn mỗi khi về nhà cần vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ, tránh tình trạng mang vi khuẩn, virus trong môi trường về cho các cháu…
Lời kết
Mặc dù đang vào mùa dịch, nhưng sởi được đánh giá là không quá nguy hiểm, đa phần có thể chữa khỏi nếu được tiêm phong đầy đủ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua số lượng trẻ bị sốc hoặc tử vong sau tiêm vắc xin khiến rất nhiều phụ huynh bất an, không cho con em mình đi tiêm phòng. Điều này cũng là nguyên nhân lớn khiến dịch sởi bùng phát trở lạị.
Để bảo vệ sức khỏe cho con em mình, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đầy đủ và đúng lịch để hạn chế lây nhiễm sởi. Mũi sởi được tiêm vào tháng tuổi thứ 9 của bé và nhắc lại khi bé 18 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia…
Bên cạnh đó, cha mẹ không nên tự chữa cho trẻ bằng phương pháp truyền miệng từ cỏ, cây, hoa, lá, kiêng tắm cho trẻ….vì nguy cơ gây nhiễm trùng, ngộ độc rất cao.
Chưa có bình luận.