Các nguồn viện trợ cho phòng chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm, Bộ Y tế Việt Nam đã xác định nguồn tài chính từ bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp bền vững nhất. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân HIV/AIDS đều ngại tham gia BHYT…
Để bệnh HIV/AIDS mặn mà hơn với BHYT, ngày 20-9, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM đã tổ chức hội thảo Định hướng công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS – triển khai BHYT tại các bệnh viện tuyến TP.HCM.
Không mua BHYT… vì sợ lộ thông tin
TP.HCM hiện có hơn 29.200 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV (chiếm 1/3 so với cả nước). Trong đó có hơn 6.400 bệnh nhân thường trú chưa có thẻ BHYT, phần lớn bệnh nhân ngoại tỉnh không muốn dùng BHYT.
Theo báo cáo Trung tâm Phòng chống HIV/AISD TP.HCM, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu điều trị ở trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, số đang điều trị tại các cơ sở có chức năng chỉ chiếm 12,3%. Điều đáng nói là trung tâm y tế dự phòng chưa có chức năng kiện toàn khám chữa bệnh nên không đủ điều kiện để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh do BHYT chi trả.
Bác sĩ Đỗ Văn Ngọc, Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Số lượng bệnh HIV/AIDS tham gia BHYT ở thành phố từ 50-59%. Vậy làm sao để 100% bệnh nhân này cùng tham gia BHYT là một vấn đề nan giải”.
Riêng Bệnh viện Nhiệt đới, BS.CKII Nguyễn Thành Dũng cũng cho biết: Số bệnh nhân HIV/AIDS bệnh viện đang quản lý là 1.375 người, trong đó số bệnh nhân đang điều trị ARV là 1.361 người, chỉ có 741 người tham gia BHYT (chiếm 53%).
Còn tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đang quản lý 742 bệnh nhân HIV/AIDS, có 437 người tham gia BHYT (chiếm 58,8%). Bác sĩ Trần Nhật Quang, đại diện Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho hay: “16,8% bệnh nhân có thẻ BHYT ở các tỉnh khác gặp khó khăn khi làm thủ tục chuyển tuyến từ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, 41,2% bệnh nhân không có thẻ BHYT do không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân, không có khả năng tài chính mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, sợ lộ thông tin…”.
Bệnh nhi cũng không tham gia
Điều đáng nói là nhiều trẻ đang điều trị, theo dõi HIV/AIDS tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 cũng không tham gia BHYT.
Tính đến cuối tháng 8-2016, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị 608 trẻ nhiễm HIV/AIDS thì có 105 trẻ không có BHYT (trong đó có 90 trẻ trên 6 tuổi và 15 trẻ dưới 6 tuổi). Bệnh viện Nhi đồng 2 quản lý 423 bệnh nhi đang điều trị và khoảng 300 trường hợp lây truyền từ mẹ con đang được theo dõi, tỷ lệ có thẻ BHYT chiếm khoảng 92% trẻ đang quản lý (382/423 trẻ).
“Lý do mà trẻ chưa có BHYT phần lớn là do đầu năm học chưa làm thẻ (55 trẻ), một số lý do khác nữa là do không có hộ khẩu, không đủ điều kiện mua theo hộ gia đình…”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ.
Mặc dù vậy, bác sĩ Khanh nhấn mạnh rằng phải giải tỏa được nỗi lo của người bệnh về bảo mật thông tin thì họ mới tham gia.
Bác sĩ Vũ Thiên Anh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng chỉ ra một số khó khăn như: bệnh nhi nhiễm HIV thường bố mẹ đã mất được ông bà chăm sóc, tài chính khó khăn nên không có tiền mua thẻ BHYT; các trẻ trên 6 tuổi, gia đình nghèo nên khó khăn trong việc mua BHYT lâu dài…
Minh Châu
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.