Lupus ban đỏ là một căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể và hủy hoại mô. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới nhưng đang có dấu hiệu tiến triển mạnh.
Tại Việt Nam, mặc dù mới vào thời điểm đầu hè, nhưng tỷ lệ bệnh nhân mắc lupus ban đỏ tại các tỉnh thành phía bắc đang tăng mạnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Vì vậy, phát hiện sớm để điều trị bệnh là biện pháp cần thiết.
Bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ thường được gọi đơn giản là bệnh lupus, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1845 bởi Hebra. Đây là một bệnh tự miễn mãn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể. Trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Ở người mắc lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ, gây bệnh mà quay ra chống lại cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể kháng lại các tế bào của hầu hết các cơ quan.
Bệnh lupus được phân làm 2 loại
+ Lupus đỏ mãn tính (còn gọi là lupus dạng đĩa): Đây là bệnh chỉ xảy ra ở ngoài da, không ảnh hưởng đến nội tạng.
+ Lupus đỏ cấp tính (còn gọi là lupus đỏ rải rác hay hệ thống): Đây là bệnh xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau, có thể vừa có ở ngoài da vừa có ở nội tạng.
Triệu chứng của bệnh
+ Hơn 90% số bệnh nhân có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ. đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt…
Bệnh lupus ban đỏ với biểu hiện đặc biệt hình cánh bướm 2 bên sống mũi
+ Trên má xuất hiện những nốt phát ban đỏ.
+ Mảng phát ban đỏ sẽ vắt từ gò má này sang gò má kia (phát ban hình cánh bướm). Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống.
+ Đau khớp (tất cả các khớp đều có nguy cơ), tuy nhiên khớp nhỏ ở tay và cổ tay thường bị ảnh hưởng nhất.
+ Trong giai đoạn toàn phát của bệnh, xuất hiện các tổn thương nội tạng và thần kinh, mạch máu như: tràn dịch màng tim, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm cầu thận, co giật, rối loạn tâm thần, thiếu máu, xuất huyết. Các triệu chứng này thường diễn biến thành từng đợt xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh (do nhiều yếu tố)
+ Do di truyền: Anh chị em ruột của các bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người thường.
+ Do môi trường: nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hoá chất, ánh nắng mặt trời…
+ Do nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới). Sau khi mãn kinh, cả tỷ lệ mắc và mức độ của bệnh đều giảm rõ rệt, còn trong thời kỳ mang thai bệnh thường nặng lên.
Biện pháp dự phòng
Người bị mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cần có một cuộc sống lành mạnh, bổ sung các loại vitamin C, A, E, năng vận động, ít sang chấn tâm lý.
Bên cạnh đó cần tránh các tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời vì chúng thường khởi phát hoặc làm nặng các đợt cấp của bệnh nên cần được tránh tiếp xúc tối đa.
Ngoài ra cũng cần tránh việc ngừng đột ngột các loại thuốc, đặc biệt corticosteroid cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các đợt cấp của bệnh…
Kết luận
Lupus ban đỏ hệ thống là vấn đề toàn cầu, với hàng triệu người mắc hàng năm trên thế giới. Bệnh có thể gặp ở bất đối tượng nào, nhưng chủ yếu là phụ nữ (nhiều hơn gấp 9 lần ở đàn ông, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 15 đến 50). Bệnh rất khó chẩn đoán nên người bệnh phải chịu đựng những triệu chứng của bệnh trong nhiều năm.
Vì vậy, khi thấy các triệu chứng ban đầu và kéo dài bao gồm sốt, khó ở, đau khớp, mỏi cơ, mệt mỏi, và mất khả năng nhận thức tạm thời kèm theo phát ban ở má (hay phát ban hình bướm) đặc điểm điển hình của lupus ban đỏ thì cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Chưa có bình luận.