Béo phì là hiện tượng thừa cân của trẻ nhỏ. Đây là bệnh lý đang rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nguyên nhân
+ Người mẹ có chế độ dinh dưỡng thai kỳ thừa chất, khi sinh ra trẻ sẽ nặng cân hơn bình thường, dẫn đến trẻ bị béo phì ngay từ lúc sơ sinh;
+ Chế độ dinh dưỡng của trẻ bị mất cân bằng với 5 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất;
+ Tinh thần trẻ mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến hấp thu dinh dưỡng thụ động, không giới hạn;
+ Bố mẹ lạm dụng thực phẩm dinh dưỡng để tăng cân cho trẻ. Đặc biệt với những trẻ thấp còi, việc tẩm bổ quá nhiều chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây béo phì;
+ Thói quen ít vận động, lười vận động;
+ Trẻ thường xuyên bị quá đói rồi mới được ăn, hoặc trẻ có thói quen ăn uống không đúng giờ cũng dễ dẫn đến béo phì.
Triệu chứng
+ Trẻ nhanh đói, ăn nhiều hơn bình thường và cân nặng tăng nhanh;
+ Trẻ lười vận động, chỉ thích ngồi hoặc nằm;
+ Trẻ cảm thấy mệt mỏi, đau cơ bắp, đau lưng, đau khớp;
Ảnh hưởng của bệnh béo phì với trẻ
Ảnh hưởng về tâm lý
Khi bị béo phì, thân hình trẻ nặng nề, trẻ sẽ mất tự tin trong vận động, giao tiếp. Trẻ có thể bị bạn bè và mọi người xung quanh trêu trọc, dẫn đến tổn thương về tinh thần.
Ảnh hưởng về sức khỏe
+ Bệnh béo phì là nguyên nhân của rất nhiều các căn bệnh khác như tim mạch, huyết áp cao, xương khớp, hô hấp, tiểu đường…
+ Nếu trẻ bị béo phì trong độ tuổi dậy thì, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và hoàn thiện cơ quan sinh sản.
Điều trị bệnh béo phì
+ Bố mẹ cần xây dựng cho trẻ thực đơn dinh dưỡng riêng. Hạn chế các thức ăn giàu chất đạm, đường, béo, tăng cường cho trẻ ăn rau xanh, hoa quả tươi;
+ Điều chỉnh lại chế độ ăn hợp lý, cắt giảm các bữa ăn phụ;
+ Cho trẻ ăn uống đúng giờ, không để trẻ bị quá đói mới được ăn;
+ Hạn chế cho trẻ ăn các đồ ăn dễ gây béo phì như bánh kẹo, nước ngọt có ga, đồ hộp, đồ ăn nhanh, mì ăn liền, sữa nguyên kem, sữa đặc có đường. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ uống sữa tươi hoặc sữa bột ít kem;
+ Không để trẻ ngồi xem ti vi và ngồi chơi máy vi tính quá lâu;
+ Cho trẻ vận động thường xuyên để tiêu hao năng lượng như tập thể dục, đi bộ, chơi thể thao, đi xe đạp, bơi…
Phòng tránh béo phì ở trẻ nhỏ
+ Đảm bảo hợp lý chế độ dinh dưỡng thai kỳ để cân nặng của thai nhi không bị ảnh hưởng;
+ Ở mỗi lứa tuổi của trẻ, bố mẹ nên cân đối hợp lý 5 nhóm chất gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất trong khẩu phần của trẻ.
+ Duy trì chế độ vận động của trẻ điều độ để tiêu hao năng lượng thừa. Bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen vận động ngoài trời, thời gian vận động ít nhất 1 giờ/ngày.
+ Không lạm dụng thuốc và thực phẩm dinh dưỡng để tăng cân đột ngột;
+ Bố mẹ nên theo dõi sự tăng, giảm chiều cao, cân nặng của trẻ, qua đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để tránh béo phì cho trẻ.
Để tiện theo dõi, bố mẹ nên ghi các chỉ số phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ vào một quyển sổ riêng. Bố mẹ cũng có thể dựa vào công thức tính chỉ số khối cơ thể, viết tắt là BMI để duy trì cân nặng lý tưởng cho trẻ như sau.
BMI= W(kg)/H2(m)
Trong đó: W là cân nặng cơ thể trẻ, đơn vị là kilogram; H là chiều cao cơ thể trẻ, đơn vị là mét.
Sau khi tính được chỉ số khối cơ thể ở trẻ, bố mẹ có thể đối chiếu với bảng chỉ số tiêu chuẩn dưới đây để điều chỉnh cân nặng hợp lý cho trẻ.
Bệnh béo phì xuất phát chủ yếu từ chế độ dinh dưỡng mất cân đối và việc lười vận động. Trẻ bị bệnh béo phì sẽ dẫn đến rất nhiều bệnh tật khác. Để tránh béo phì ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần duy trì cho con chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp, hãy chăm sóc con một cách khoa học bằng tình yêu thương vô điều kiện của mình để con có sức khỏe tốt và một tuổi thơ tươi đẹp.
Lê Tâm
Nguồn: congioilam.com
Chưa có bình luận.