Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan các thông tin quảng cáo, chia sẻ những bài thuốc đông y gia truyền đảm bảo rất công hiệu, cả với các bệnh nan y. Thế nhưng, người mua về sử dụng chẳng những không hết bệnh mà nhiều khi còn phải “tiền mất, tật mang”.
Quảng cáo như “thần dược”
Anh Trần Hoàng Sơn (ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) đang bị men gan cao. Thấy trên mạng xã hội có nội dung quảng cáo thuốc đông y gia truyền trị tất cả các bệnh về gan từ gan nhiễm mỡ, men gan, xơ gan… đảm bảo 100% khỏi bệnh, nên anh Sơn quyết định sử dụng thuốc. Anh Sơn cho hay: “Thấy quảng cáo, tôi còn cẩn thận đọc những lời bình luận từ nhiều người đã dùng thuốc này, ai cũng khen sản phẩm rất công hiệu. Thấy nói cây thuốc có xuất xứ từ tỉnh Lâm Đồng, nơi có rất nhiều cây thuốc, nên tôi cũng thấy an tâm. Do ngại việc mua thuốc chữa bệnh trên mạng không an toàn, nên tôi gọi điện thoại hỏi có thể mua thuốc đó ở nhà thuốc nào để đến xem, nhưng người bán cho biết hiện tại chưa phân phối thuốc này tại các nhà thuốc và khẳng định đảm bảo chữa khỏi bệnh, nếu không sẽ hoàn tiền lại. Tôi mua 1 lọ thuốc để dùng thử, chẳng những không điều trị được bệnh mà mỗi lần uống lại bị tiêu chảy, nên phải ngưng”.
Anh Sơn gọi đến đường dây nóng Báo SGGP bức xúc: “Khi nhận thuốc, thấy lọ thuốc không có đăng ký sản phẩm với cơ quan chức năng, tôi đã lo ngại, gọi điện thoại đến nơi bán thì họ cho rằng thuốc gia truyền nên cứ yên tâm. Còn trả lời về việc uống không bớt bệnh, thì người bán cho rằng không phải thuốc tiên, mà phải uống nhiều tháng liên tục sẽ hết”.
Chị Nguyễn Thị Loan (ngụ quận 6) cho biết: “Từ nhỏ tôi đã mang bệnh viêm xoang, nên luôn phải khổ sở khi thời tiết thay đổi. Thấy trên mạng có quảng cáo thuốc trị viêm xoang từ cây giao, cây hoa ngũ vị, tinh luyện thành nước cất để nhỏ vào mũi nên tôi cũng tò mò mua. Người bán khẳng định là thuốc gia truyền đảm bảo sử dụng 3 lần là hết bệnh. Một bộ 600.000 đồng. Mua về nhỏ vào mũi, chẳng thấy công hiệu gì!”
Xáo tam phân được quảng cáo “nổ” trên mạng công hiệu trị được cả bệnh ung thư
Tốn tiền triệu mua thuốc đông y trên mạng, anh Trịnh Đình Quân (ngụ quận 1) cũng bị thất vọng như vậy: “Tôi bị bệnh viêm đại tràng. Nhiều người khuyên nên uống thuốc đông y, không ảnh hưởng đến sức khỏe và có công hiệu. Thế nên tôi lên mạng tìm những phương thuốc đông y, thấy có rất nhiều trang bán thuốc gia truyền đảm bảo hết bệnh. Tôi liên lạc qua điện thoại và được người bán tự xưng thầy thuốc tư vấn toa thuốc gia truyền. Tôi liền mua uống nhiều tháng liên tục, nhưng không chữa khỏi bệnh, mà còn rước thêm bệnh phổi, có đàm trong mũi do uống thuốc quá nhiều”.
Có những thảo mộc được quảng cáo là cây thuốc, bán tràn lan ngoài đường như cây xáo tam phân, cây nở ngày…, cho rằng có công dụng ngăn ngừa nhiều bệnh ung thư, tốt cho sức khỏe. Dù cơ quan chức năng đã cho hay những loại cây này chưa được chứng minh có thể chữa bệnh, nhưng vẫn có rất nhiều người đổ xô lùng mua cho bằng được. Sau khi bỏ ra gần 10 triệu đồng để mua cây xáo tam phân ngâm rượu uống, anh Hồ Hoàng Anh ngậm ngùi nói: “Có tiền cũng không mua được sức khỏe, nghe nói loại cây này chữa bệnh công hiệu, nên tôi bỏ tiền mua ngâm rượu uống dần và chia sẻ cho người thân trong gia đình. Vẫn uống đều đặn hàng ngày, vậy mà đến khi đi khám sức khỏe định kỳ thì phát hiện thêm bệnh, chứ có thấy ngăn ngừa bệnh được gì đâu!”.
Nguy cơ rước thêm bệnh vào người
Khi bị các bệnh nan y, mãn tính, nhiều người “có bệnh thì vái tứ phương”, nghe ai bày phương thuốc đông y gia truyền gì cũng uống với quan niệm rằng thuốc đông y uống không hết bệnh thì cũng không hại sức khỏe. Nhưng thực tế không phải phương thuốc gia truyền nào cũng uống được, mà còn có nguy cơ rước thêm bệnh vào người. Trên mạng xã hội có thể dễ dàng tìm thấy các quảng cáo, chia sẻ phương thuốc đông y gia truyền tự phát. Chúng tôi đã thử gọi điện thoại dò hỏi nhiều người quảng cáo bán những loại thuốc gia truyền, phần lớn đều thừa nhận không có giấy phép kinh doanh, và thực tế chỉ tự xưng là thầy thuốc.
Một số bài thuốc đông y cũng có nhiều độc tố, nếu không sử dụng đúng liều lượng cũng có tác hại, ví dụ như thuốc cơ xương khớp có thể gây giảm trí nhớ, đau dạ dày nếu uống nhiều; thuốc trị viêm gan dễ gây tiêu chảy đối với người thể trạng yếu… Do đó phải có thầy thuốc bắt mạch, kê toa, phác đồ điều trị bệnh cũng thay đổi toa thuốc theo diễn biến sức khỏe người bệnh. Chủ tịch Hiệp hội Đông y TPHCM Lê Hùng khuyến cáo: “Đối với những phương thuốc đông y trên mạng, khi mua phải xem có giấy phép kinh doanh được cơ quan chức năng cấp. Tốt nhất, người bệnh nên đến những nơi được Sở Y tế cấp phép như nhà thuốc, phòng khám… để mua những đơn thuốc đảm bảo, cũng như có thầy thuốc theo dõi tình hình bệnh như thế nào”.
THANH HẢI/ SGGP
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.